Góp ý dự thảo Luật giám sát Quốc hội và HÐND:
Cần có chế tài các cơ quan, đơn vị không thực hiện kiến nghị sau giám sát
Đây là một trong những nội dung góp ý được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận và đề xuất tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), do Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Thường trực HĐND tỉnh vừa phối hợp tổ chức.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, các đại biểu thống nhất cần thể hiện rõ trong dự thảo là sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản. Ý kiến chính thức này phải có hiệu lực bắt buộc thi hành và cần có chế tài đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ. Thực tế cho thấy vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, tổ chức sau khi đoàn giám sát có ý kiến kiến nghị cần điều chỉnh một số yêu cầu sau giám sát nhưng chậm thực hiện, thậm chí không thực hiện hoặc thực hiện không đúng. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, đại biểu Huỳnh Thúy Vân, Trưởng ban Ban VH-XH-HĐND tỉnh, nói: “Cần bổ sung một điều luật quy định các chế tài cụ thể để xử lý các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nhưng không giải quyết hoặc giải quyết chậm các kiến nghị của đoàn giám sát”.
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Anh, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Phù Mỹ, cho rằng: “Nếu cơ quan, đơn vị, tổ chức không thực hiện những kiến nghị của đoàn giám sát thì người đứng đầu có thể sẽ bị đình chỉ công tác để trả lời những kiến nghị của đoàn giám sát, nếu không trả lời được thì thôi chức vụ”.
Những quy định chung về nguyên tắc hoạt động giám sát, các đại biểu đề nghị nên quy định là “theo đúng quy định của pháp luật” thay vì “đúng pháp luật” như dự thảo luật. Bên cạnh đó, quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, đại biểu cũng đề nghị nên bỏ nội dung “từ chối trả lời, cung cấp thông tin không thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hoặc những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”, vì nếu quy định như thế sẽ dẫn đến trường hợp đối tượng chịu sự giám sát lạm dụng, gây khó khăn, cản trở, né tránh việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội và HĐND, hạn chế quyền của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử. Do đó, dự thảo luật nên bỏ nội dung này, hoặc bổ sung các quy định như thế nào là thuộc bí mật nhà nước để làm cơ sở cho hoạt động giám sát.
Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND gồm 4 chương, 90 điều quy định một số nội dung về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Ðoàn ÐBQH, ÐBQH; HÐND, Thường thực HÐND, các ban, tổ HÐND, đại biểu HÐND.
KIỀU ANH