Trời Bình Khê trong xanh nhớ Bác
Tôi về thăm di tích Huyện đường Bình Khê, lòng nghe văng vẳng câu hát “Trời Bình Khê trong xanh bát ngát. Lưu luyến một chiều Bác đến thăm Cha, chia sớt ngọt lành trước lúc đi xa...”.
Đất Bình Khê in dấu chân Người
Theo tài liệu về di tích Huyện đường Bình Khê (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (do Từ Như Huyền Trân biên soạn, thực hiện năm 1998), huyện đường Bình Khê ở Đồng Phó (Tây Giang) là nơi ghi lại dấu ấn sâu sắc về cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy trong thời gian 200 ngày làm tri huyện ở đây (từ 1.7.1909 – 17.1.1910). Đồng thời là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nhiều lần đặt chân đến và lưu lại. Huyện đường Bình Khê có thể là nơi cha con cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Huy đã sống gần gũi với nhau những ngày đẹp đẽ cuối cùng, cũng là nơi diễn ra cảnh “chia tay lịch sử” để rồi người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình gian khổ tìm đường cứu nước cứu dân…
“Hằng năm, thôn chúng tôi đều tổ chức cúng Thanh Minh vào tháng 2 Âm lịch trước địa điểm đặt bia di tích để tưởng nhớ Bác Hồ và cụ Nguyễn Sinh Sắc. Người dân ở đây luôn mong đợi di tích được đầu tư để phát huy hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ con cháu…”.
Ông TRẦN NGỌC SƠN, người dân ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang.
Trong nhiều tài liệu khác nhau, các tác giả đã đề cập đến nhân cách đáng kính của quan huyện Nguyễn Sinh Huy trong thời gian đương chức tại Bình Khê, luôn tìm cách bênh vực người nghèo, giúp đỡ người yêu nước, xử lí nghiêm bọn cường hào ức hiếp dân lành. Tìm đến gặp cha và được sống trên đất Bình Định và Bình Khê những ngày tháng ngắn ngủi, nhưng con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử của vùng đất này đã in sâu vào tâm khảm Nguyễn Tất Thành.
Nhà văn Sơn Tùng đã viết trong tiểu thuyết “Búp sen xanh” về những ngày đầu tiên Nguyễn Tất Thành đến Bình Khê, thật cảm xúc: “Anh bâng khuâng tắm ánh mắt vào dòng sông Côn hiền hòa và ngẫm nghĩ trước những tầng núi cao hùng vĩ, nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Thành bước vào cửa huyện đường Bình Khê lúc chiều tà, quan huyện Nguyễn Sinh Huy và người lính lệ đang làm vườn…”. Trong “Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc”, Nguyễn Hữu Hiếu kể lại: “Những lần Cung (Nguyễn Sinh Cung) từ Quy Nhơn lên thăm cha đều được cụ Huy đưa đi thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn để chiêm ngưỡng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ…”. Trong “Quê hương người áo vải”, Mai Khắc Ứng kể rằng: “Đầu xuân 1955, khi gặp đoàn đại biểu tỉnh Bình Định, Người hướng về mấy đồng chí đại biểu huyện Bình Khê hỏi: “Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa mưa vẫn cứ để lại rõ ràng trên các bờ cây bên sông?”.
Xúc tiến xây dựng nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc
Trải qua thời gian và những thăng trầm lịch sử, di tích Huyện đường Bình Khê hiện ngoài dấu tích địa điểm thì không còn hiện vật gì liên quan. Bà Đặng Thị Lê, nhà ở cạnh nơi đặt bia di tích Huyện đường Bình Khê ở thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, cho biết: “Khi còn sống, chồng tôi biết nhiều về di tích. Khách phương xa nào đến hỏi, ông cũng nhiệt tình dẫn đi xem những dấu tích và say sưa kể lại những câu chuyện có liên quan đến Bác và cha Bác. Từ khi ông và nhiều người cao tuổi trong thôn mất đi, hiện không còn ai biết rõ chuyện ngày xưa…”.
Di tích Huyện đường Bình Khê đã được UBND tỉnh xếp hạng năm 2000. Năm 2005, Sở Văn hóa – Thông tin (nay là Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch) đã có văn bản trình Cục Di sản văn hóa xin ý kiến về việc xây dựng nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê, nhưng chỉ được đề nghị nên xây dựng phương án tôn tạo tổng thể sân vườn và xây dựng nhà bia lưu niệm liên quan đến di tích. Tuy nhiên, với tình cảm và nguyện vọng thiết tha của nhân dân Bình Định là được xây dựng một công trình có ý nghĩa tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương; mặt khác, với quan điểm bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng công trình nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại huyện đường Bình Khê.
Ngày 17.5.2012, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có tờ trình gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa về việc quy hoạch xây dựng công trình nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích huyện đường Bình Khê. Được đồng ý, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng Bình Định hoàn thành và tiếp tục trình xin ý kiến về hồ sơ thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 công trình Nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, với tổng diện tích quy hoạch 2,349 ha.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Ngày 23.4.2013, Cục Di sản văn hóa đã có ý kiến cơ bản thống nhất với phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng tôn tạo di tích Huyện đường Bình Khê. Trong đó có các hạng mục như bảo tồn di tích gốc, xây dựng nhà lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, tượng đài, nhà bia… và công trình phụ trợ nhằm phục vụ phát huy giá trị di tích. Đồng thời, cũng đề nghị cân nhắc một số chi tiết trong quy hoạch. Hiện chúng tôi đang triển khai các bước tiếp theo để có thể xây dựng công trình phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy di tích trong tương lai”.
HOÀI THU