Giáo dục di sản phi vật thể trong trường học
Ngày 24.3, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UNESCO tổ chức Hội thảo về Dạy học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững.
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên và Trưởng đại điện Văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller-Marin, cùng hơn 60 chuyên gia quốc tế từ 13 quốc gia châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam về giữ gìn di sản văn hóa và công tác giáo dục di sản trong môi trường học đường.
Hội thảo chia sẻ những kinh nghiệm thực tế khi triển khai thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục, được thực hiện trong 2 năm 2013-2014 tại 4 quốc gia (Pakistan, Palau, Uzbekistan và Việt Nam); khám phá cách để tích hợp các di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững trong giáo trình hiện tại. Các cơ quan quản lý giáo dục và văn hóa xác định việc gìn giữ văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người, vì vậy công tác Giáo dục di sản – đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vào giới thiệu, giảng dạy trong nhà trường – là một trong những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thường được các nhà quản lý đề cập. Di sản văn hóa phi vật thể cũng là linh hồn, sự sống làm nên giá trị các di tích văn hóa vật thể.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Nhà trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hóa, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hóa để dạy học. Việc sử dụng di sản văn hóa để dạy học sẽ mang lại những kết quả tích cực vừa có giá trị ở phương pháp giáo dục kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa. Bởi vậy chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương và dân tộc, phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở: nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và mọi đối tượng học sinh.
Thời gian qua, đã có nhiều địa phương chủ động đưa di sản vào trường học khá thành công. Các tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, ở Phú Thọ có phong trào đưa hát Xoan vào trường học, Lạng Sơn đưa đàn Tính, hát Then dạy học sinh phổ thông… Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia CLB Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng… Phương thức tổ chức dạy học giáo dục di sản văn hóa được thực hiện lồng ghép vào các môn học (ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mỹ thuật...), hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (nội khóa hoặc ngoại khóa)... cũng mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 253.
Đầu năm 2013, liên Bộ GD-ĐT và VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn về việc sử dụng di sản văn hóa vào dạy học, được thực hiện thí điểm tại 7 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam với ba môn Sử, Địa và Âm nhạc. Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã áp dụng thí điểm mỗi Sở GD-ĐT chọn 2 trường THCS, 2 trường THPT đưa vào giảng dạy lồng ghép ở các môn học đã được thống nhất trong học kỳ 2. Trong thời gian này, Bộ đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội kiểm tra, khảo sát và dự một số tiết học môn Sử, Địa, Âm nhạc.
Theo NGUYỄN HIẾU (QĐND)