Thiếu kết nối thông tin trong hoạt động công chứng:
Tạo kẽ hở cho việc tẩu tán tài sản
Theo nhận định của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, những năm gần đây, tình trạng người phải thi hành án (THA) tẩu tán tài sản thông qua việc lập các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng được các tổ chức công chứng công chứng hợp pháp diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn cho công tác THA.
Tẩu tán tài sản “ngoạn mục”
Điển hình là vụ tẩu tán tài sản “ngoạn mục” xảy ra trên địa bàn huyện Tây Sơn. Vợ chồng ông bà Nguyễn Thành Trì - Bùi Thị Thanh Xuân (04/33 Nguyễn Huệ, Phú Phong, huyện Tây Sơn) đã mượn tài sản của nhiều công dân khác trên địa bàn nhưng không trả được nợ; và đã bị TAND huyện Tây Sơn tuyên buộc phải trả nợ trên 3,5 tỉ đồng. Trong khi cơ quan THA dân sự huyện Tây Sơn còn đang tổ chức THA, vợ chồng họ đã xuống Quy Nhơn, đến Phòng công chứng số 3 (Sở Tư pháp) công chứng một lúc 6 hợp đồng giao dịch bán 6 tài sản là nhà và đất. Khi cơ quan chức năng phát hiện thì đã quá muộn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 tổ chức nghề công chứng gồm 13 công chứng viên hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 phòng công chứng (thuộc Sở Tư pháp) và 5 văn phòng công chứng (hoạt động theo luật doanh nghiệp). Trong 2 năm 2011, 2012, các tổ chức này đã công chứng 44.386 việc, thu phí trên 12,6 tỉ đồng, nộp ngân sách và nộp thuế trên 4,9 tỉ đồng.
Ông Đặng Thành Thái, Phó Chánh án TAND tỉnh, thành viên của Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh, còn cho biết thêm người phải THA luôn tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ. Thậm chí có trường hợp đã qua mặt các cơ quan chức năng một cách trót lọt, bán tài sản chỉ một giờ đồng hồ trước khi lệnh ngăn chặn có hiệu lực.
Theo Cục THA dân sự tỉnh, vẫn còn 17 trường hợp người phải THA đã tẩu tán tài sản bằng cách đến các tổ chức công chứng để thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng tài sản làm thay đổi chủ sở hữu, sử dụng tài sản. Trong đó, có 7 trường hợp được thực hiện sau khi có bản án, quyết định của tòa án; 10 trường hợp thực hiện sau khi đã có quyết định THA, đương sự còn đang trong thời gian tự nguyện THA hoặc cơ quan THA đang xác minh điều kiện THA chủ động. Điển hình như các vụ: Võ Thị Minh Nguyệt (ở đường Nguyễn Huệ, Quy Nhơn): quyết định THA ngày 11.6.2012, được công chứng bán tài sản vào ngày 21.7.2012; Đoàn Thị Thanh (ở đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn): quyết định THA ngày 16.3.2013, ngày 19.3.2013 được công chứng tặng cho con gái tài sản là quyền sử dụng gần 190m2 đất.
Từ kẽ hở thiếu thông tin
Từ ngày 7 đến ngày 14.5, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát hoạt động công chứng, chứng thực giai đoạn 2011-2012 trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban Pháp chế, Trưởng đoàn giám sát, nhận xét: “Qua giám sát, chúng tôi phát hiện một số hợp đồng công chứng đã bị tòa án cấp hủy hoặc không công nhận vì không đúng quy định pháp luật hoặc được công chứng trong thời gian cơ quan THA đang thi hành các bản án. Theo tôi, nguyên nhân là do người phải THA luôn tìm cách trốn tránh nghĩa vụ THA, trong khi đó các cơ quan tư pháp chưa có sự phối hợp với các tổ chức hành nghề công chứng đối với các vụ việc liên quan đến tài sản phải THA trong các vụ án; cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực còn quản lý chung chung, không phát hiện được những hợp đồng về tài sản liên quan đến các vụ án đã và đang được tòa án các cấp thụ lý hay cơ quan THA đang thi hành. Ngoài ra, còn xuất phát từ nguyên nhân công chứng viên ít kinh nghiệm, năng lực hạn chế và sự cạnh tranh giữa các tổ chức công chứng dẫn đến tâm lý dễ dãi, không công chứng thì mất khách”.
Qua giám sát, chúng tôi đã kiến nghị với cơ quan chủ quản về hoạt động công chứng, chứng thực, theo đó Sở Tư pháp nên đề xuất quy chế phối hợp giữa các cơ quan: Thi hành án dân sự tỉnh - Viện KSND tỉnh - TAND tỉnh - Công an tỉnh - Sở Tư pháp để nắm bắt kịp thời các vụ việc do các cơ quan tư pháp đang thụ lý giải quyết, liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản nhằm đề phòng, ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản. Mặt khác, Sở Tư pháp cần tăng cường kiểm tra, quản lý chặt việc công chứng đối với các hợp đồng liên quan đối với tài sản là bất động sản, động sản theo hướng cập nhật hàng ngày và chốt số liệu.
Ông PHẠM HỒNG SƠN, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh
Theo Trưởng phòng Kiểm tra Cục THA dân sự tỉnh, việc các tổ chức công chứng công chứng những hợp đồng giao dịch như đã nêu trên cũng không có lỗi, nếu như không được thông báo trước về những trường hợp có khả năng tẩu tán tài sản. Ông Tôn Thanh Xuân, Trưởng phòng công chứng số 1 và bà Phạm Thị Thanh Bình, Trưởng Văn phòng công chứng Thanh Bình (TP Quy Nhơn), cũng cho rằng nếu như cơ quan chức năng không thông báo trước những trường hợp có khả năng tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ THA thì văn phòng cũng không thể nào biết được để mà từ chối công chứng. “Do vậy, đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là tòa án và cơ quan THA dân sự cần thông báo cho chúng tôi biết trước các vụ án liên quan đến tài sản mà đã có quyết định, bản án hoặc đang thi hành án để văn phòng công chứng biết mà từ chối khi khách đến yêu cầu. Nói thật, trong cơ chế xã hội hóa hoạt động công chứng như hiện nay, khách đến người nào là mừng người đó… ”.
THU HÀ