Đề xuất kéo dài thời gian nghiên cứu sự thích nghi của sâm Ngọc Linh tại Bình Định
(BĐ) - Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại hội thảo báo cáo tổng kết của đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên thuộc xã An Toàn”, diễn ra sáng 25.3 (ảnh). Đề tài do tiến sĩ Nguyễn Đình Thành làm chủ nhiệm và Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT) chủ trì.
Kết quả nghiên cứu từ tháng 9.2012 đến tháng 12.2014 của đề tài cho thấy, tỉ lệ sống của cây sâm có nguồn gốc từ nuôi cấy mô di thực về trồng tại xã An Toàn không đạt yêu cầu so với chỉ tiêu định lượng ban đầu là 50%. Theo đó, tỉ lệ sống của loài dược liệu quý hiếm này giảm mạnh theo thời gian và chết hoàn toàn, không thích nghi trên điều kiện lập địa mới; đến nay tỉ lệ sống của cây chỉ còn 12,5%.
Trong khi đó, thử nghiệm bước đầu của sâm Ngọc Linh có nguồn gốc từ hạt có tỉ lệ sống đạt trên 98%. Tuy nhiên, thời gian thực hiện mô hình này chỉ mới được hơn 3 tháng (từ cuối tháng 11.2014 đến tháng 3.2015). Tiến sĩ Nguyễn Đình Thành đề xuất kéo dài nghiên cứu, theo dõi mô hình trồng sâm Ngọc Linh có nguồn gốc từ hạt, bởi kết quả của thử nghiệm này rất khả quan.
Tại hội thảo, các ý kiến đánh giá ghi nhận về ý nghĩa khoa học của đề tài nghiên cứu. Khẳng định đây là cây trồng có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người và có giá trị cao, các đại biểu thống nhất đề nghị Chủ nhiệm đề tài cần đánh giá và phân tích, tìm hiểu kỹ nguyên nhân của chưa thành công trong mô hình trồng sâm Ngọc Linh có nguồn gốc từ nuôi cấy mô. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi để có đánh giá và kết luận chính xác sự thích nghi của loại thực vật quý hiếm này theo hình thức trồng cây có nguồn gốc từ hạt.
THU HIỀN