Gian nan trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh
Từ tháng 9.2012, những cây sâm Ngọc Linh đầu tiên đã được di thực về trồng ở xã An Toàn (huyện An Lão). Đến thời điểm này, mô hình thử nghiệm loài thực vật quý hiếm này không hiệu quả với cây nuôi cấy mô; còn cây trồng từ hạt cần thêm thời gian để đánh giá mức độ thích nghi.
Thông tin trên được đưa ra vào sáng 25.3, tại Hội thảo đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên thuộc xã An Toàn”, do tiến sĩ Nguyễn Đình Thành (cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội) trực tiếp thực hiện và Chi cục Kiểm lâm chủ trì.
Tỉ lệ cây sống thấp
Khi nói về mô hình trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh, tiến sĩ Nguyễn Đình Thành bảo, khó khăn đầu tiên chính là giống cây. Mô hình có quy mô 2.000 m2, với số lượng 3.500 cây có nguồn gốc nuôi cấy mô và 500 cây có nguồn gốc từ hạt; số lượng cây trồng được giao cho các hộ gia đình trồng là 500 cây có nguồn gốc từ nuôi cấy mô và 500 cây có nguồn gốc từ hạt. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ trồng được 4.000 cây sâm nuôi cấy mô và 450 cây sâm có nguồn gốc từ hạt.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thành (bên phải) và nhóm thực hiện đề tài theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của sâm Ngọc Linh tại xã An Toàn.
Vị trí được chọn để bố trí các mô hình thí nghiệm thuộc khoảnh 3, tiểu khu 37, dưới tán rừng tự nhiên, phân bố ở độ cao 900 - 950m, cách xa khu dân cư. Xung quanh các mô hình được rào chắn, bảo vệ kỹ lưỡng để tránh côn trùng gây hại và cường độ ánh sáng mạnh ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây sâm. Việc chăm sóc cây nuôi cấy mô được thực hiện theo quy trình chuyển giao từ Viện Khoa học Tây Nguyên và có sự điều chỉnh cho phù hợp với thổ nhưỡng.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, tỉ lệ sống của cây sâm có nguồn gốc từ nuôi cấy mô trồng vào 2 đợt năm 2012 và năm 2013 trên các mô hình và giao cho hộ gia đình đều không đạt yêu cầu so với chỉ tiêu định lượng ban đầu là 50%. Đáng nói hơn, tỉ lệ sống của loài dược liệu quý hiếm này giảm mạnh theo thời gian và chết hoàn toàn, không thích nghi trên điều kiện lập địa mới. Trong thời gian đầu mới trồng, không có nguồn nước tưới và lượng mưa thấp nên tỉ lệ cây sống thấp. Từ tháng 3.2013, tại vị trí trồng sâm chịu ảnh hưởng của mùa mưa Tây Nguyên và khu vực duyên hải, đồng thời tăng cường nguồn nước tưới cho cây thì tỉ lệ sống có phần cao hơn. Đến nay, tỉ lệ sống của cây là 12,5%.
“Qua tìm hiểu ở một số nơi di thực trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên ở các tỉnh, thực tế cây sâm cấy mô có phát triển tốt ngoài thực địa hay không vẫn còn là một ẩn số. Trong khi đó, ngay tại Quảng Nam - nơi xuất phát của giống sâm này - cũng trải qua nhiều chặng gian nan khi ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để nhân giống. Nhưng đến nay cũng mới thành công trong phòng thí nghiệm, tỉ lệ sống ở thực địa gần như là con số 0” - tiến sĩ Thành cho biết.
Cần kéo dài thời gian thử nghiệm
Ông Nguyễn Văn Quá, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định, khẳng định giá trị kinh tế rất lớn của sâm Ngọc Linh. Vì thế, đối với thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô chưa thành công cần xác định nguyên nhân nằm ở đâu để khắc phục. Đối với cây trồng có nguồn gốc từ hạt thì cần thêm thời gian theo dõi, bởi sâm Ngọc Linh phải có độ tuổi vài năm mới đảm bảo được hợp chất saponin có tác dụng cho sức khỏe con người.
Mô hình trồng sâm nuôi cấy mô không thành công, trong khi đó thử nghiệm bước đầu của cây có nguồn gốc từ hạt tỉ lệ sống đạt trên 98%. Tuy nhiên, mô hình này chỉ mới thực hiện từ cuối tháng 11.2014 đến nay, trong khi đề tài nghiên cứu đã kết thúc từ tháng 12.2014 theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.
Ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp nông thôn (Sở NN&PTNT), cho rằng, chỉ mới thử nghiệm hơn 4 tháng nên chưa khẳng định được cây trồng có nguồn gốc từ hạt có thích nghi trên đất mới hay không. Do đó, cần phải có thời gian dài nghiên cứu, theo dõi mới có thể đánh giá và có kết luận chính xác.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Thành, kết quả của trồng thử nghiệm cây sâm có nguồn gốc trồng từ hạt tại An Toàn rất khả quan, song cần phải có thời gian dài nghiên cứu, theo dõi. Tuy nhiên, không thể để cho sâm tự sinh trưởng và phát triển, mà phải chăm sóc, bổ sung phân để cây trao đổi chất và dinh dưỡng dễ dàng hơn. Chưa kể, hiện nay đã vào mùa nắng nóng, trong khi loài cây này cần phải đảm bảo lượng nước để sinh trưởng, phát triển. Vì thế, việc kéo dài thời gian để nghiên cứu là cần thiết.
THU HIỀN