Cần nhìn nhận khách quan hơn về trạm BTS
Thời gian qua, việc xây dựng trạm thu phát sóng di động (BTS) ở TP Quy Nhơn vẫn còn vấp phải sự phản đối của người dân. Điều này ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ sở hạ tầng thông tin của tỉnh.
Mạng thông tin di động được phát triển tại tỉnh ta từ năm 1996 và đến nay đã có gần 1.000 trạm BTS; trong đó riêng TP Quy Nhơn có khoảng 200 trạm. Dù vậy, trên địa bàn một số phường của thành phố vẫn có ý kiến, dư luận và đơn kiến nghị lo sợ sóng điện từ của các trạm BTS ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động khi triển khai lắp đặt trạm BTS và tác động tiêu cực đến việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin của tỉnh.
Theo ông Đinh Hùng Tuấn, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông (Sở TT-TT), có trạm BTS đã đầu tư xây dựng từ năm 2009 mà người dân “cản trở” mãi đến năm 2014 mới có thể đưa vào sử dụng. Sức khỏe là vấn đề hết sức nhạy cảm nên việc người dân quan tâm đến ảnh hưởng của việc phát sóng các trạm BTS tới sức khỏe cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, điều cần khẳng định là các trạm BTS lắp đặt trong khu dân cư hoặc tại các công trình công cộng đều được kiểm định, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường.
Để đánh giá khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của sóng vô tuyến nói chung, người ta sử dụng đại lượng SAR (Specific Absorption Rate - chỉ số hấp thụ đặc trưng) là liều lượng hấp thụ năng lượng vô tuyến tại một khoảng tần số nhất định của một đơn vị khối lượng cơ thể, đo bằng W/kg. Tại Việt Nam, với việc bắt buộc áp dụng quy chuẩn quốc gia QCVN 8:2010/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”, giá trị SAR được quy định là 0,4W/kg. So sánh giá trị này với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước (Ủy ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hóa là 2W/kg; Liên minh châu Âu, Nhật là 2W/kg; Mỹ, Úc là 1,6W/kg), thì quy định của Việt Nam nghiêm ngặt hơn nhiều.
Đến thời điểm này, các kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ phơi nhiễm của trạm BTS rất thấp. Người đứng đầu Bộ TT-TT và Bộ KH&CN trong các diễn đàn Quốc hội cũng đã khẳng định, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số các trạm thu phát viễn thông và các trạm viễn thông ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tại Bình Định, điển hình nhất là trụ ăng-ten của Viễn thông Bình Định tại địa chỉ 197 Phan Bội Châu (TP Quy Nhơn) đã được xây dựng và hoạt động từ năm 1991 với số lượng thiết bị tổng đài, ăng-ten thu phát sóng thông tin di động lớn nhất tỉnh. Theo ông Tuấn, qua việc tồn tại, hoạt động của các thiết bị tại trụ ăng-ten này cách đây đã 24 năm cho thấy không ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ, công nhân viên làm việc tại tòa nhà và người dân sống xung quanh.
“Trong thời gian tới, các trạm BTS sẽ tiếp tục tăng do triển khai dịch vụ 4G để đảm bảo chất lượng sóng. Khi số thuê bao trên từng địa bàn tăng thì số lượng các trạm BTS cũng tăng theo. Để xây dựng hệ thống BTS nói riêng, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin nói chung, rất cần sự đồng lòng, ủng hộ của người dân” - ông Tuấn chia sẻ.
Thiết nghĩ, trong điều kiện chưa có bất kỳ một nghiên cứu khoa học được kiểm nghiệm và công nhận về ảnh hưởng của các trạm BTS đối với sức khỏe con người mà có một bộ phận người dân vẫn có những lo lắng thì các mạng di động - những đơn vị trực tiếp quản lý các trạm BTS - phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền về vấn đề này.
MAI HOÀNG