Năm 2016, Việt Nam sẽ cấp phép công nghệ 4G
Sáng 26.3, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp với Tập đoàn IDG và Qualcomm tổ chức Hội thảo quốc tế về công nghệ 4G LTE với chủ đề “Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại tiểu vùng sông Mekong” .
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh: “Để triển khai 4G hiệu quả, bền vững, Việt Nam cần phải nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để năm 2016 công nghệ 4G được cấp phép sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng. Từ năm 2010, Bộ TT&TT đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G LTE, vì vậy, để triển khai 4G hiệu quả, bền vững, Việt Nam cần phải nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để năm 2016 công nghệ 4G được cấp phép sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng”.
“Hiện nay, Việt Nam đã có một thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh mẽ với 13 doanh nghiệp có hạ tầng mạng, trong số có 6 doanh nghiệp di động, 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định, 90 doanh nghiệp cung cập dịch vụ, chủ yếu dịch vụ Internet. Tính đến cuối 2014 tại Việt Nam hiện có 130 triệu thuê bao, trong đó 124 triệu thuê bao di động. Trong lĩnh vực Internet, kể từ khi chính thức được cung cấp ngày 1-12-1997 đến nay, Việt Nam có hơn 31 triệu thuê bao interenet, trong đó có 22 triệu thuê bao băng rộng, tổng doanh thu toàn ngành viễn thông năm 2014 đạt xấp xỉ 10 tỷ USD. Sau 5 năm triển khai, số lượng thuê bao sử dụng mạng 3G tại Việt Nam đã tăng từ 7 triệu thuê bao lên đến gần 29 triệu thuê bao, Tính đến thời điểm này, công nghệ 3G đã phủ sóng 63/63 tỉnh, thành và các vùng biên giới hải đảo”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết thêm.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề xung quanh việc phát triển công nghệ 4G như lộ trình triển khai và đầu tư cơ sở hạ tầng 4G LTE tại Việt Nam, xu hướng phát triển chất lượng dịch vụ 4G tại tiểu vùng song Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng; cơ hội và thách thức khi triển khai 4G tại Việt Nam; bài học kinh nghiệm xây dựng, triển khai công nghệ 4G tại các quốc gia khác.
Nằm trong chương trình hội thảo, trong buổi sáng có hai chuyên đề chính là: Định hướng phát triển công nghệ, hạ tầng và hệ sinh thái 4G; đa dạng hóa dịch vụ trên nền tàng 4G với các tham luận của Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT), Qualcomm và đại diện của Thái Lan, Lào…Cùng với hội thảo là triển lãm giới thiệu công nghệ, sản phẩm liên quan đến 4G của Viettel, VNPT, CMC Telecom, OPPO… Chiều cùng ngày, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin tin điện tử (Bộ TT&TT) sẽ có bài thuyết trình về Xu hướng phát triển dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý.
Hiện nay, công nghệ 4G LTE đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Theo số liệu của GSA, tính đến hết năm 2014, tổng số thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đạt 497 triệu, tăng trưởng hàng năm đạt 140%. Riêng trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của thuê bao 4G còn nhanh hơn cả thuê bao 3G. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn thế giới sẽ có ít nhất 450 mạng 4G LTE trển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy nhập tốc độ cao, cùng với xu hướng dần phổ cập các thiết bị đầu cuối, mạng 4G LTE sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới.
Từ năm 2012, công nghệ 4G đã có sự phát triển vượt bậc và từng bước thay thế công nghệ 3G. Cuối năm 2014, trên thế giới có hơn 300 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông tại hơn 100 quốc gia đã cung cấp dịch vụ 4G. Trong đó, khu vực châu Á có 61 đơn vị thuộc 25 quốc gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ 4G đã được phát triển thành công tại các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến, hiện đại như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei…
Theo một nghiên cứu tổng thể của Tập đoàn công nghệ Qualcomm dự tính đến năm 2020, trên thế giới sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị kết nối công nghệ internet di động. Như vậy, có thể khẳng định, thị trường công nghệ 4G tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và tại Châu Á nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Theo VĂN PHONG (QĐND)