Thực hiện chế độ, chính sách cho CA xã theo Nghị quyết HĐND tỉnh:
Còn nhiều cái khó
Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 28/2012/NQ- HĐND về tổ chức, xây dựng và bảo đảm chế độ chính sách đối với lực lượng công an (CA) xã trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số bất cập. Phụ cấp không đủ sống, lại không có chế độ “bảo hiểm” khi phải đối mặt với hiểm nguy. Đã vậy, việc thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng này còn chưa thống nhất, mỗi nơi mỗi kiểu.
Theo báo cáo của CA tỉnh, lực lượng CA xã hiện có 1.326 người, gồm 128 trưởng CA, 176 phó trưởng CA xã, 112 CA viên thường trực và 910 CA viên hoạt động ở 126 xã và 2 thị trấn trong tỉnh, trong đó có 59 xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Trong tình hình an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều bất ổn và diễn biến ngày càng phức tạp về mọi mặt như hiện nay, lực lượng CA xã đóng vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, an ninh chính trị ở địa phương và trực tiếp xử lý những vấn đề nảy sinh ở cơ sở.
Mức phụ cấp thấp
Thực hiện Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND tỉnh về tổ chức, xây dựng và bảo đảm một số chế độ chính sách đối với lực lượng CA xã (gọi tắt là Nghị quyết), trưởng CA xã được hưởng lương, phụ cấp trách nhiệm 0,24 và chế độ BHXH, BHYT theo quy định của Chính phủ đối với cán bộ công chức cấp xã, phường; phó trưởng CA xã, CA viên thường trực và CA viên thì được hưởng phụ cấp. Phụ cấp hàng tháng của phó trưởng CA xã bằng hệ số 1,2 mức lương tối thiểu, có thêm hệ số phụ cấp trách nhiệm 0,22. Nhưng, phụ cấp hàng tháng của CA viên thường trực và CA viên chỉ được tính 0,5 của mức lương tối thiểu, tương đương 600 ngàn đồng/tháng.
Theo báo cáo của CA tỉnh, đến nay 128/128 trưởng CA xã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định; đã có 158/176 phó trưởng CA xã được tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện (UBND xã chi 2/3 kinh phí, cá nhân tự bỏ 1/3). Tuy nhiên, ngoại trừ huyện Vĩnh Thạnh, An Lão đã vận dụng một số chính sách để mua BHYT cho toàn bộ CA viên, hầu hết CA viên ở các địa phương khác đều không có BHYT.
CA viên ở địa phương công việc nhiều, từ giữ gìn ANTT đến quản lý đối tượng tiền án, tiền sự, và trực tiếp xử lý ban đầu các vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, chưa kể các nhiệm vụ không tên khác nhưng phụ cấp lại quá “hẻo”, không đủ sống. Chưa kể đến nỗi lo hiện hữu: lỡ có thương tích, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ thì chi phí thuốc men, điều trị ai lo vì không có BHYT. Rồi, nếu bị thương tật suốt đời thì liệu có được hưởng chế độ hay không? Đây là nguyên nhân khiến lực lượng CA viên ở địa phương thường xuyên biến động, không ít người chưa nhiệt tình, làm hết trách nhiệm và chùn tay khi phải đối mặt với tội phạm.
Chỉ trong 2 năm 2013 và 2014, toàn tỉnh có 5 CA viên bị đánh trọng thương khi đang làm nhiệm vụ. Còn theo báo cáo của Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, CA tỉnh, cho đến nay mới chỉ có 2/8 CA viên bị thương khi làm nhiệm vụ được hưởng chế độ thương tật, số còn lại chưa làm được chủ yếu là do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Hiện nay, mỗi khi CA xã bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, thì trước mắt địa phương lo được bao nhiêu thì lo, còn không thì gia đình phải tự túc.
“Có thực mới vực được đạo. Với chế độ phụ cấp không đủ sống như hiện nay, lại chưa có chính sách chi phí hỗ trợ thuốc men khi bị thương thì CA xã khó lòng yên tâm làm nhiệm vụ. Vì thế, chất lượng công việc cũng bị ảnh hưởng”, đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc CA tỉnh, nói.
Thực hiện chế độ chính sách: Chưa có hướng dẫn cụ thể
Hiện nay, việc thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm cho trưởng, phó CA xã, phụ cấp thâm niên, trợ cấp một lần đối với người đã đủ 15 năm phục vụ hiện nay vẫn mỗi nơi mỗi kiểu vì chưa có hướng dẫn chung và cụ thể giữa các liên ngành, và tùy theo kinh phí của từng địa phương.
Trong các năm 2013, 2014, có 5 CA xã bị đánh trọng thương khi làm nhiệm vụ, gồm: Đồng chí Nguyễn Thái Bình, CA viên xã Cát Minh; Hồ Xuân Bình, CA viên xã Cát Thành; Trần Xuân Hải, CA viên xã Cát Chánh (huyện Phù Cát); Nguyễn Minh Toàn, CA viên thường trực xã Tây Bình (Tây Sơn); Trần Bá Thanh, Phó trưởng CA xã Mỹ Chánh Tây (Phù Mỹ).
“Như chi phụ cấp trách nhiệm, có nơi chi một quý một lần, nơi lại trả cùng với phụ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, cũng có nơi chưa thực hiện vì địa phương không có kinh phí. Chẳng hạn như tại xã Phước Lộc, Tuy Phước, có đồng chí CA xã đã đủ 15 năm công tác nhưng khi UBND xã lên huyện hỏi thực hiện chế độ phụ cấp như thế nào thì được trả lời là chưa có hướng dẫn. Do đó, UBND xã tự ứng kinh phí ra trả cho đồng chí này”, trung tá Dương Tiến, công tác tại Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, CA tỉnh, đơn cử. Thậm chí có địa phương còn chưa biết đến các quyết định mà UBND tỉnh đã ban hành để thực hiện các chế độ chính sách cho CA xã theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã được ban hành. Trong khi đó, một số địa phương đã phản ánh với HĐND tỉnh, dù rất muốn mua BHYT cho CA viên nhưng không dám thực hiện vì sợ chi không đúng mục đích.
Do đó, CA tỉnh đã kiến nghị: Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đầy đủ các chế độ được quy định tại Điều 7 Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 7.9.2009 của Chính phủ về chế độ chính sách và phụ cấp cho lực lượng CA xã để thống nhất thực hiện như: kinh phí chi trả chế độ một lần đối với CA viên nghỉ việc khi đã đủ 15 năm phục vụ, chi trả cho việc điều trị tại bệnh viện khi bị thương, bị tai nạn trong khi làm nhiệm vụ đối với CA viên không có BHYT và một số chế độ khác mà địa phương không đủ ngân sách chi trả. Ngành cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho ngành LĐ-TB&XH cùng các ngành liên quan sớm đề nghị giải quyết chế độ thương binh, bệnh binh cho CA viên bị thương khi đang làm nhiệm vụ; chỉ đạo các địa phương thực hiện thống nhất các chế độ chính sách đối CA xã theo các quyết định mà UBND tỉnh đã ban hành thực hiện Nghị quyết trên.
THU HÀ