Đổi thay ở “đất nghề, quê lúa” An Nhơn
An Nhơn là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. 40 năm sau giải phóng, vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử đã viết tiếp bài ca chiến thắng hào hùng, đẩy mạnh phát triển KT-XH, giữ vững an ninh - quốc phòng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ, ác liệt, người dân An Nhơn rất đỗi tự hào bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng (chi bộ Hồng Lĩnh được thành lập ngày 20.10.1936 tại xã Nhơn Mỹ, là một trong những chi bộ đầu tiên của tỉnh Bình Định, tiền thân của Đảng bộ An Nhơn ngày nay), nhân dân đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn An Nhơn vào ngày 30.3.1975, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam vào ngày 30.4.1975.
Một góc thị xã An Nhơn hôm nay. Ảnh: XUÂN THỨC
Đẩy mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ
Là vùng trọng điểm lúa của tỉnh nên ngay từ những năm đầu sau giải phóng, An Nhơn tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp, tiến đến tự túc được lương thực chỉ vài năm sau đó. Những năm tiếp theo, sản xuất nông nghiệp đi theo hướng chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trên 7.000 ha sản xuất 3 vụ lúa/năm đã được chuyển sang sản xuất 2 vụ/năm ăn chắc, áp dụng các tiến bộ KHKT vào thâm canh nên năng suất sản lượng liên tục tăng, nhiều năm vượt ngưỡng 100 ngàn tấn.
Kinh tế của địa phương từ chỗ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay cơ cấu đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ ngày càng tăng, hiện chiếm hơn 66% giá trị kinh tế toàn thị xã. Hiện An Nhơn có 7 cụm công nghiệp và Khu công nghiệp Nhơn Hòa, hơn 5.540 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trên 8.800 cơ sở kinh doanh thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ, giải quyết việc làm cho trên 37.000 lao động. Đất trăm nghề An Nhơn còn có 28 làng nghề truyền thống, trong đó có 24 làng nghề được tỉnh công nhận, chiếm hơn 50% số làng nghề của cả tỉnh. Các phố thị gắn với hệ thống chợ nông thôn đã hình thành mạng lưới thương mại - dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, đều khắp.
Với bước phát triển trên, chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của An Nhơn là hơn 11,4%/năm, thu ngân sách năm 2014 đạt trên 566 tỉ đồng.
Xây dựng nông thôn mới, đô thị hiện đại
Nếu như ngày 30.3.1975, ngày huyện An Nhơn giải phóng hoàn toàn, là mốc son chói lọi trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của quân và dân địa phương, thì ngày 1.1.2012 cũng là một dấu mốc đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây: Lễ công bố Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập thị xã An Nhơn.
Cùng với sự phát triển của cả nước, nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Nhơn đã phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tập trung chỉnh trang đô thị, phát triển KT-XH.
Hiện toàn thị xã có 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia; mạng lưới viễn thông, truyền thanh, truyền hình, internet phủ sóng đều khắp 100% xã, phường. Công tác tạo việc làm, giảm nghèo đạt kết quả khả quan, đời sống người dân ngày càng nâng cao, bình quân thu nhập đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 8% (năm 2010) còn 4,3% (2014). Quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Đặc biệt, 4 năm (2011-2014) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã mang lại kết quả tích cực cho An Nhơn. Từ các nguồn vốn, thị xã đã đầu tư trên 100 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông 100 km đường nông thôn, 30 km kênh mương, cải tạo, nâng cấp 155km đường dây điện trung, hạ áp, xây dựng 21 trường học, 35 nhà văn hóa xã, thôn… Nhơn Lộc là một trong 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã về đích năm 2014; Nhơn An và Nhơn Phúc, 2 xã điểm của thị xã, cũng phấn đấu đến tháng 6.2015 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí.
XUÂN THỨC
“Trong thời gian đến, nhất là nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIII (2015-2020), chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 thị xã An Nhơn cơ bản đạt chuẩn các tiêu chí đô thị loại 3. Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Về kinh tế, thị xã phát huy hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp, làng nghề hiện có và quy hoạch phát triển công nghiệp phía Nam dọc QL19, khuyến khích phát triển thương mại - dịch vụ; phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020 có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã cũng tập trung chỉnh trang đô thị, kêu gọi đầu tư xây dựng một số khu dân cư, khu đô thị, khu dịch vụ - thương mại, rà soát quy hoạch chung thị xã đồng bộ; quan tâm phát triển văn hóa - y tế - giáo dục, giải quyết tốt các vấn đề về an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.
Ông Lê Trọng Tùng, Bí thư Thị ủy An Nhơn
Mong rằng An Nhơn ngày càng phát triển