Từ chuyện… chặt cây xanh!?
Câu chuyện cải tạo cây xanh của chính quyền thành phố Hà Nội đã trở thành đề tài thời sự “nóng hổi” của giới truyền thông suốt cả tuần qua. Hầu hết các tờ báo trong nước, không ít thì nhiều đều có thông tin về vụ việc này với tần suất và mức độ khác nhau. Sự việc trở thành “điểm nóng” truyền thông chính là sự thiếu minh bạch về trách nhiệm giải trình của những người trong cuộc.
Việc cắt tỉa, chăm sóc hoặc cải tạo, bổ sung thay thế cây xanh là công việc thường xuyên hàng ngày của bất cứ đô thị nào. Tuy nhiên, do đặc thù về không gian cảnh quan và môi trường sống, cây xanh ở đô thị phải được chính quyền quản lý nghiêm ngặt, việc trồng, chăm sóc do đơn vị chuyên trách thực hiện theo quy trình hết sức chặt chẽ. Do đó, mỗi cây xanh ở đô thị đều được lập hồ sơ quản lý, việc chặt hạ chỉ được thực hiện khi có giấy phép của cấp thẩm quyền. Vì vậy, khi xảy ra việc hàng trăm cây xanh đã bị chặt hạ ào ạt như vừa qua ở Hà Nội đã khiến dư luận không tránh khỏi bất ngờ, hoang mang và đặt dấu hỏi về sự việc không bình thường này. Tiếp đó, việc thông tin phản hồi với dư luận lại bất nhất, mơ hồ bởi cách giải trình thiếu trách nhiệm của những đơn vị và cá nhân có trách nhiệm đã khiến cho vụ việc “nóng” lên một cách bất thường.
Theo lẽ thông thường, những công việc liên quan hoặc có ảnh hưởng đến người dân thì điều kiện “cần” và “đủ” khi thực hiện là phải tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đây cũng là vấn đề luôn được Quốc hội, Chính phủ đặt ra đối với các cơ quan hành pháp, đồng thời là đòi hỏi chính đáng của người dân. Vì vậy, với những vấn đề, dự án liên quan đến đời sống xã hội, lợi ích thiết thân của người dân thì cơ quan chức năng cần phải công khai thông tin một cách minh bạch để người dân nắm bắt và có sự đồng thuận trước khi thực hiện. Đề án chặt hạ, thay thế cây xanh của Hà Nội liên quan trực tiếp đến lợi ích, tình cảm của người dân Thủ đô nhưng đã được triển khai thực hiện một cách đơn giản, nóng vội nên đã bị dư luận phản đối mạnh mẽ, thậm chí quyết liệt. Thậm chí, việc triển khai thực hiện đề án này còn có dấu hiệu vi phạm quy định của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, về điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị và quy định nghiêm cấm việc chặt phá rừng, cây xanh theo Luật Thủ đô. Vì vậy, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã phải chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc, trả lời đầy đủ trước công luận và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) của các cá nhân, tập thể liên quan.
Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn đội ngũ cán bộ khi làm việc với dân, cho dân cần phải ghi nhớ một điều: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Từ lời dạy của Bác, chiêm nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ vụ chặt cây xanh vừa qua ở Hà Nội. Đó là, với các công trình, dự án liên quan đến cộng đồng, dân sinh, dù cấp thiết hay quan trọng đến đâu, trước khi triển khai cũng cần được công bố thông tin rộng rãi, đầy đủ, minh bạch để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân cả về chủ trương và thực hiện. Bên cạnh đó, việc thực hiện phát ngôn, trách nhiệm giải trình sự việc với dư luận cần nghiêm túc, cầu thị không loanh quanh, bao biện “tiền hậu bất nhất”.
H.Đ