Đất Võ mở Hội thi chim chào mào
Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Định và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, hôm nay (29.3) tại khu đất số 02 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn sẽ khai mạc Hội thi Tiếng hót chim chào mào toàn quốc năm 2015 do Chi hội Chim cảnh (Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định) tổ chức.
Các vùng núi rừng ở khắp 3 miền đất nước đều là nơi sản sinh ra những dòng chim chào mào có những nét riêng độc đáo. Trong đó, chim chào mào Bình Định nổi bật lên nhờ những ưu thế nổi trội rất riêng.
Vang danh chào mào đất Võ
“Mỗi vùng đất đều sản sinh ra dòng chim chào mào có thể hình và thể chất khác nhau. Giới chơi chim khắp nơi đều rất ưa thích chim chào mào Bình Định bởi có phong cách chơi hay, đáp ứng nhiều tiêu chí như chuyền cầu, giọng hót…”, ông Trương Đình Hoàng, hội viên Chi hội Chim cảnh Cầu Xéo ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh đã nhận xét.
Còn nghệ nhân Hà Tấn Khanh, hội viên CLB Chào mào TP Quảng Ngãi, thì nhìn nhận: “Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dòng chim chào mào tại Bình Định và Huế được đánh giá cao nhờ có phong cách thi đấu, âm rõ và hay…”.
“Uy tín của một cuộc thi phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ những người “cầm cân nảy mực”. Bởi thế, Ban Tổ chức Hội thi đã cân nhắc và mời 22 trọng tài là những nghệ nhân có uy tín, giàu kinh nghiệm, được nhiều người tin cậy về tính công bằng, khách quan”
Nhiều người đam mê chim chào mào trên địa bàn tỉnh bằng sự tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm chăm sóc, huấn luyện riêng đã trở thành nghệ nhân có uy tín, sở hữu những chú chim chào mào làm mê mẩn người chơi, đoạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi chim tầm khu vực và quốc gia. Nghệ nhân Trần Văn Hà, Chi hội phó Chi hội Chim cảnh Bình Định, cho biết: “Bình Định là một trong những địa phương có phong trào chơi chim chào mào phát triển mạnh nhất trong cả nước. Số lượng các trường chim ngày càng nhiều ở các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn với hơn 20 trường chim…”.
Nhờ sự phát triển mạnh của phong trào chơi chim ở tỉnh, nhất là TP Quy Nhơn, Chi hội Chim cảnh Quang Trung (thuộc Hội Sinh vật cảnh TP Quy Nhơn) đã mạnh dạn tổ chức hai Hội thi chim chào mào TP Quy Nhơn mở rộng trong 2 năm qua. Tại Hội thi chim chào mào TP Quy Nhơn mở rộng lần thứ II - 2014, sau khi vượt qua gần 390 “thí sinh chim” qua 11 vòng đấu, chim chào mào Bình Định mang số báo danh 299 đã lọt vào vòng đấu cuối cùng cùng hai chim chào mào ở địa phương khác. Dù chỉ đoạt được giải Nhì, nhưng nhờ thể hiện ấn tượng trong Hội thi này cùng giải thưởng ở những cuộc thi trước, chim chào mào mang số báo danh 299 đã “nâng tầm đẳng cấp”, được một người chơi chim ở TP Hồ Chí Minh mua lại với giá 140 triệu đồng.
Chờ xem chim biểu diễn “tài nghệ”
Chào mừng 40 năm Ngày giải phóng Quy Nhơn - Bình Định, đồng thời góp phần đẩy mạnh quảng bá cho chào mào đất Võ, Chi hội Chim cảnh tỉnh mạnh dạn tổ chức Hội thi Tiếng hót chim chào mào toàn quốc năm 2015. Nhờ thực hiện vận động xã hội hóa, Hội thi có được nhà tài trợ kim cương là Công ty TNHH Prfect Companion Việt Nam, cùng sự đóng góp ủng hộ của hơn 50 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, trường chim ở nhiều địa phương trong tỉnh để Hội thi diễn ra.
Tính đến ngày 27.3, Hội thi đã nhận được đăng ký tham gia của hơn 200 lồng chim của hội viên các CLB, hội, nhóm những người chơi chim ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Ban Tổ chức dự kiến số lượng lồng chim tham gia còn tăng lên rất nhiều, nhất là trong buổi sáng trước khi khai mạc Hội thi, nên đã nhờ các nghệ nhân ở tỉnh Gia Lai hỗ trợ thêm một số giàn treo bằng sắt đúng quy chuẩn, để đủ chỗ treo đến 500 lồng chim khi thi đấu.
Uy tín của một cuộc thi phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ những người “cầm cân nảy mực”. Bởi thế, Ban Tổ chức Hội thi đã cân nhắc và mời 22 trọng tài là những nghệ nhân có uy tín, giàu kinh nghiệm, được nhiều người tin cậy về tính công bằng, khách quan. Trong số này, ngoài một số là nghệ nhân trong tỉnh, còn lại đến từ một số tỉnh, thành khác như: Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế.
Trong mấy ngày qua, chuẩn bị tiếp đón các “cao thủ chim” ở nhiều vùng miền trong cả nước về thi tài, các nghệ nhân, những người đam mê chim chào mào ở các trường chim Bình Định đã tuyển lựa, chăm sóc tốt những “chim cưng” để chờ ngày xung trận. Những người đến xem hội thi sẽ được thưởng thức những màn thi đấu của những chú chim chào mào Bình Định đã đoạt giải cao ở nhiều cuộc thi như chim chào mào mang biệt danh 72, có phong cách chơi hay của nghệ nhân Mai Chí Quốc, chim chào mào “đuôi xòe” của chủ nhà hàng Trầu Cau ở TP Quy Nhơn. Hai chú chim chào mào có lông màu trắng quý hiếm của nghệ nhân Trần Văn Hà, thường ngày “giấu kỹ” ở quán cà phê Bình Minh (20 Phạm Hồng Thái, TP Quy Nhơn), cũng được đem đến Hội thi cho mọi người thưởng lãm.
“Các trọng tài được phân công xen kẽ để đảm bảo khách quan, sẽ tập trung quan sát chấm và loại dần chim qua các vòng thi theo các tiêu chí: Chim thi đấu có thái độ linh hoạt, nhảy cầu, chuyền cầu, dáng đứng vươn mình. Thi đấu rê cầu (sàn cầu), ra đuôi, ra cánh dọa nạt đối thủ. Chim mau mỏ ra giọng đều đặn bền bỉ trong suốt quá trình thi đấu, chim hót đổ nhiều giọng, đảo giọng, luyến láy âm tiết rõ ràng, chim ra giọng quát hoặc giọng ché (chéc) thị uy dọa nạt đối thủ tối thiểu phải đủ 3 âm tiết trở lên; không có âm tiết trùng lắp. Chim có hình dáng đẹp, bóng bộ, cân đối, thon gọn”.
Nghệ nhân Trần Văn Hà, Phó Trưởng ban tổ chức Hội thi, nói về các tiêu chuẩn chấm điểm cho chim
HOÀI THU