Nhà văn Nguyễn Thành Long với ngày giải phóng Quy Nhơn
Quê ở Quảng Nam nhưng nhà văn Nguyễn Thành Long (1925-1991) lại sống và học ở Quy Nhơn từ nhỏ. Bởi thế, ông có nhiều kỉ niệm về Quy Nhơn. Đặc biệt, sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông có nhiều truyện ngắn viết về quê hương vừa giải phóng tràn đầy niềm vui đoàn tụ và hồ hởi bước vào cuộc sống hòa bình, dựng xây đất nước. Đó là những câu chuyện mang đậm tình cảm của ông với quê hương, với Quy Nhơn…
“Chuyện tình trên đảo cù lao Xanh” đầy chất thơ và kịch tính hình như được nhà văn viết dành riêng cho Quy Nhơn. Câu chuyện được viết xen kẽ trong thời gian ông ở cù lao Xanh vào tháng 7.1983 đến tháng 12.1983, khi ông đã ra Hà Nội. Đó là câu chuyện tình của 22 năm, bằng khoảng thời gian đất nước bị chia cắt (1954) cho đến ngày thống nhất (1975). Đó là khoảng thời gian mà bi kịch của sự li tán và niềm vui của ngày sum họp được vận vào cả trong câu chuyện tình của họ. Ngày ấy, anh - một chàng trai 17 tuổi - lần đầu bước chân lên đảo cù lao Xanh và gặp chị - con gái dân chài cù lao. Họ đến với nhau. Người con gái đã mang trong mình hòn máu của chàng ngay từ đêm ấy, trước khi anh lên đường tập kết ra Bắc. “Sau này, người con trai ngẫm nghĩ, tâm sự với bạn bè, có khi khóc, rằng câu chuyện tình của họ chỉ kéo dài có mười tiếng đồng hồ, chớm nở từ lúc bốn giờ chiều và kết thúc lúc hai giờ sáng”- Nguyễn Thành Long mở đầu câu chuyện như thế. Và người con trai ấy luôn mang trong tim mình hình bóng người con gái cù lao.
Tác giả viết tiếp: “Giải phóng, các đội phim chúng tôi vào trước. Tôi bay về Quy Nhơn, xuống cầu Cảng, mua vé ca-nô ra đảo. Tại cầu Cảng này, đã cầm chiếc vé trên tay, tôi lân la dò hỏi và biết sự thật”. Sự thật đó là gì? Người con gái đã có chồng 20 năm trước. Vậy là, anh thôi, không ra đảo nữa. Rồi một lần, đội chiếu phim của anh được cử ra đảo, anh không thể chối từ. Và cũng để “cho dứt điểm” - như nhân vật chính trong truyện đã nói. Nhờ chuyến đi này, anh mới biết, Chủ tịch xã đảo Thêm chính là con trai anh. Anh gặp chị - mẹ của Chủ tịch Thêm. Hai mẹ con đang nói về người thứ ba - chồng chị - đang đánh cá ngoài biển với tất cả sự đầm ấm và hạnh phúc. Ba người họ - như ba chân kiềng - sống hạnh phúc, không hay biết gì quá khứ, không hay sự hiện diện của anh. Anh không dám nói ý định “dứt điểm” tìm chị, nhận con của mình nữa. “Mục đích tôi đi làm cách mạng - nhân vật trong truyện tự nhủ - là để cho người khác sung sướng. Tôi không chắc làm cho ai được sung sướng, vậy thì hãy bảo vệ lấy hạnh phúc của những người này”. Quả thật, câu chuyện tình trên là bi kịch với anh thế nhưng anh chứng kiến một hạnh phúc mà cách mạng mang đến cho mọi người, trong đó có cả người vợ và đứa con của anh. Sự hy sinh thầm lặng tình cảm riêng tư của riêng mình đã được bù đắp, anh còn mong gì hơn thế?
Truyện ngắn “Lý Sơn mùa tỏi” của Nguyễn Thành Long cũng cùng trong mạch cảm xúc về Quy Nhơn cách mạng. “Đường phố Quy Nhơn đầy cát. Không khí nơi ven biển nhẹ và thoáng mát, nhưng trong lặng lẽ và vô tình, gió đông vẫn thổi những hạt cát từ trên bãi vọt qua đầu người, vọt qua chợ búa và quán xá, vọt qua những nhà lầu đúc hai tầng, ba tầng, đến đọng trên mặt những con đường. Nhưng thử ngồi xuống, lấy tay khỏa, ta chắc chắn tìm thấy một mặt đường rất đen, rất mịn, ấy là mặt đường nơi quê hương cách dây hai chục năm, ngày ta ra đi”.
Nguyễn Thành Long mở đầu câu chuyện như vậy. Câu chuyện gợi lại 20 năm trước - năm 1954, ngày nhân vật Tôi trong truyện tập kết ra Bắc. Ở nhà, em gái anh vẫn treo bức ảnh anh chụp chung với các cháu. Trong tình hình chính trị ở miền Nam lúc bấy giờ, bọn Mỹ ngụy luôn nhòm ngó, “một cái ảnh như vậy có thể gây tai họa” cho cô em “chí ít là tạo cơ hội cho kẻ địch làm tiền, năm lạng, mười lạng” chưa nói là sẽ bị gây khó dễ, tù đày, vì có ảnh của người nhà đi tập kết ra Bắc. Tuy có sợ, nhưng cô em gái vẫn treo bức ảnh đấy trong nhà suốt hai mươi năm, đến ngày giải phóng.
Trong nhà cô em gái có “một con ở” đi chợ, ẵm em, đóng mở cửa, giặt giũ, đứng quầy… Chính người con ở đấy lại là biệt động thành, “đúng bà nội là quân giải phóng rồi” - như lời người em gái kể cho anh nghe sau này, đã góp phần vào chiến công đánh sập lầu Việt Cường ở Quy Nhơn - nơi bọn Mỹ trú - làm thương vong rất nhiều lính Mỹ. “Năm ấy, quân giải phóng đột nhập đánh sập lầu Việt Cường, một trú xá quan trọng của Mỹ ở đây để cảnh cáo việc chúng đánh rộng ra ngoài Bắc, thành phố Quy Nhơn rung dữ như động đất”. Người con ở ấy lấy tên là Sanh, được người em gái nhân vật “làm ngơ”, coi như không có chuyện gì xảy ra. “Bà nội tiến lên thêm, có đêm không ngủ nhà, có bữa họp hành ngay trong này, có khi mình gặp, sợ muốn run lên”.
Chính “bà nội là quân giải phóng” ấy đã lấy anh trong tấm ảnh treo trên tường trong nhà người em gái làm ám hiệu cho sự an toàn (nếu còn treo ảnh) hay bất an (nếu ảnh không còn treo nữa), làm “thước đo lòng trung hậu” của người dân. Và anh, sau giải phóng, đã quyết đi tìm tung tích người con ở tên Sanh.
Rồi anh đến Lý Sơn ngay giữa mùa tỏi, chứng kiến người con ở tên Sanh ấy giờ đã là trạm trưởng trạm ngoại thương, với cái tên Mùi, vẫn đang thầm lặng tiếp tục cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa trong vai trò mới. Một cô trạm trưởng ít học nhưng biết lắng nghe, học hỏi nhiều hơn nói, xăng xái với công việc. “Em rất nghèo, cha mẹ anh em chị đều hy sinh hết, tất cả lẽ sống bây giờ chỉ là cách mạng thôi”.
“Lý Sơn mùa tỏi” là một câu chuyện cảm động về sự đùm bọc, che chở thầm lặng của người dân Quy Nhơn đối với cách mạng, là câu chuyện những người phụ nữ nhỏ bé làm cách mạng một cách kiên cường trong chiến tranh nhưng lại khiêm tốn trong cuộc sống đời thường.
Cách mạng giải phóng dân tộc đã hun đúc những con người bình dị nhưng rất kiên cường, can đảm, giàu lòng hy sinh trở nên vĩ đại trong chiến tranh cũng như trong đời thường qua truyện ngắn của Nguyễn Thành Long là vậy.
Nhà văn Nguyễn Thành Long (1925-1991) quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, con một gia đình viên chức nhỏ. Ông sống và học tập chủ yếu ở Quy Nhơn. Đến năm 18 tuổi, ông chuyển ra học ở Hà Nội và có viết cho báo Thanh nghị (1943). Sau cách mạng tháng tám, Nguyễn Thành Long tham gia kháng chiến chống Pháp (1946-1954) ở khu V và bắt đầu viết văn vào thời gian này. Năm 1995 ông tập kết ra Bắc công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên về sáng tác và biên tập. Ông là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và kí.
Nhà văn Nguyễn Thành Long in dấu ấn của mình trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại với những truyện ngắn xuất sắc, trong đó có “Lặng lẽ Sapa” - một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long.
TRẦN XUÂN TOÀN