Phan Lê Hải Ngân và những trải nghiệm về “săn” học bổng du học
Ngày càng có nhiều người trẻ Bình Định tìm đường du học. Con đường ra biển lớn tri thức dẫu không ít khó khăn, nhưng họ quyết tâm với ước mong thu gặt kiến thức, hiểu biết để về phục vụ quê hương. Phan Lê Hải Ngân (SN 1977), nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Bình Định, hiện là ứng viên tiến sĩ Trường ĐH Monash (Melbourne, Australia) chuyên ngành Tiếng Anh, là một trong số đó. Một cuộc trò chuyện với nữ nghiên cứu sinh này về con đường du học cùng những kinh nghiệm trong việc tìm kiếm học bổng du học.
Hành trình tìm kiếm tri thức
Tốt nghiệp bằng đỏ khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Quy Nhơn năm 1998, rồi trở thành giáo viên Trường CĐ Bình Định, 6 năm sau, Phan Lê Hải Ngân tự kiếm được học bổng toàn phần Ford Foundation IFP để theo học thạc sĩ chuyên ngành giảng dạy tiếng Anh tại Trường ĐH Hawaii, Mỹ. Và bây giờ chị tiếp tục nhận học bổng toàn phần Phát triển Úc (Australia Awards Scholarships), làm nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Monash (Melbourne, Australia). Con đường học tập với người nữ giáo viên này dường như không có điểm dừng.
* Với nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, đi học đôi khi là một sự đánh đổi. Còn với chị?
- Thú thật là hồi trước, cũng đã có lúc tôi từng nghĩ vậy. Nhưng giờ thì thấy không phải. Không có gì là đánh đổi cả khi mình đã hiểu và xác định mục tiêu của mình là gì. Và đó là những gì mình chọn, chứ không ai buộc mình chọn một trong hai cả.
* Những khó khăn mà chị gặp phải đầu tiên khi đặt chân đến Úc là gì? Liệu kinh nghiệm du học ở Mỹ có giúp được nhiều trong thời gian đầu ở Úc?
- Khó khăn đầu tiên là sự thay đổi thời tiết. Dù đã được thông tin về sự không ổn định thời tiết, tôi vẫn bị “choáng”. Ngày đầu tiên đặt chân đến nước Úc là một ngày nắng nóng đến 410C. Cho tới bây giờ, dù đã quen thời tiết ở Melbourne, tôi vẫn thấy hơi khó chịu mỗi khi thời tiết thay đổi đột ngột như thế.
Việc thứ hai là khả năng kết bạn bản xứ khá hạn chế. Tôi hơi ngạc nhiên vì so với người Mỹ, người Úc có vẻ khép kín hơn nên mình cần chủ động để làm bạn với họ. Kinh nghiệm du học ở Mỹ đã giúp tôi rất nhiều trong việc hòa nhập cuộc sống ở một nơi xa lạ, hạn chế shock văn hóa. Bởi thế, hiện nay, tôi đã hòa nhập và tham gia các hoạt động tình nguyện ở trường như chương trình trao đổi ngôn ngữ, tình nguyện bảo vệ môi trường.
Tôi đang làm nghiên cứu sinh về ngôn ngữ học năm thứ hai tại khoa Arts, Trường ĐH Monash. Giáo sư hướng dẫn của tôi là người rất giỏi về lĩnh vực này. Hiện tại, mọi việc đang đi đúng tiến độ.
Khát khao cái mới
* Giáo dục đại học ở Mỹ, Úc như thế nào?
- Giáo dục của Mỹ và Úc xem ra khá giống nhau về bản chất. Các hoạt động ở lớp học phong phú, chú trọng chất lượng từng thành viên vì lớp học ít người. Sinh viên phải tự học nghiêm túc, không được phép đạo văn. Họ được phát huy sự tự tin cũng như khả năng tư duy, suy nghĩ logic cao hơn trong học tập.
* Và, chị nhận xét gì về việc học của sinh viên trong nước hiện nay?
- Thật ra tôi dạy ở trường cao đẳng nên chỉ có thể nói về sinh viên của mình thôi. Hiện sinh viên bị ảnh hưởng bởi chương trình giảng dạy quá nhiều. Chẳng hạn, họ bị áp lực thi cử; họ học vì thi và nghĩ về điểm số nhiều hơn là về những gì mình cần học. Còn chuyện đạo văn thì đúng là khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân là từ phương pháp giáo dục của mình ít dùng trích dẫn của người khác để làm bài viết của mình được thuyết phục hơn. Sinh viên đọc của tác giả khác rồi cứ thế mà copy. Nói thật, tôi trăn trở về điều này từ khi còn đi học ở Mỹ và muốn thay đổi. Nhưng vẫn thấy khó.
* Nhưng có những điều chị học ở Mỹ và đã áp dụng được tại khoa Ngoại ngữ của Trường CĐ Bình Định đấy chứ. Chẳng hạn việc sinh viên đánh giá giáo viên?
- Đúng là hồi đó, sau khi lấy bằng thạc sĩ từ Mỹ trở về, năm 2006, tôi có thí điểm áp dụng việc sinh viên đánh giá giáo viên theo ba nội dung chính: giáo trình, tài liệu học tập; phương pháp giảng dạy của giáo viên; kết quả mà sinh viên thu được trong học phần đó. Nay thì việc này đã thành nếp. Nhờ đó mà có lẽ chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên được đánh giá tốt hơn. Còn với sinh viên, không chỉ hưởng ứng, mà còn thẳng thắn đưa ra những nhận xét mang tính xây dựng cao. Bản thân tôi cũng khá bất ngờ trước những nhận xét về mình: “Cô nói tiếng Anh nhanh quá”, “ở trên lớp cô dạy hay nhưng khi về nhà em không hiểu lắm”… nhờ đó mà tôi đã kịp điều chỉnh lại cách dạy của mình. Tôi cũng đã chứng minh là sinh viên hoàn toàn được “an toàn” khi nhận xét giáo viên…
Đừng ngại “nói tốt” về mình
Hai lần xin học bổng là hai lần Hải Ngân được chấp nhận. Bên cạnh tự “săn” học bổng cho mình, chị cũng tư vấn một số người trong quá trình làm hồ sơ xin học bổng. Đến nay, đã có 5 người thành công: 2 người đi du học tại Mỹ và 3 người học ở Úc. Hiện, chị đang tư vấn cho một trường hợp nữa.
* Chị có thể chia sẻ chút kinh nghiệm về việc “săn” học bổng được không?
- Theo tôi, việc trước tiên nên làm là đọc thật kỹ tất cả thông tin liên quan của học bổng, xem mình có phải là đối tượng của học bổng đó hay không; sau đó, tiếp tục nghiên cứu mục tiêu học bổng, về những điều kiện họ muốn tìm thấy ở ứng viên. Tiếp đó là đầu tư vào hồ sơ, để sao cho hồ sơ thể hiện được thế mạnh của mình, tất cả tiềm năng và điều kiện mình có.
Nhưng quan trọng hơn cả là cố gắng viết làm sao cho thật khác biệt, thật ấn tượng, vì hãy hình dung là những ứng viên khác họ cũng viết tốt về mình để thuyết phục hội đồng tuyển chọn. Sự khác biệt ấn tượng này có thể tùy vào từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn, có người được tôi tư vấn đã từng dạy ở đảo, nên tôi đề xuất phải nhấn mạnh việc đó để hội đồng thấy được tâm huyết của mình và vì đó là điều mà học bổng tuyển chọn. Và cái chính là phải viết sao cho phù hợp với tiêu chí mà học bổng đề ra. Hơn nữa, không viết suông mà phải có dẫn chứng thuyết phục. Thay vì nói tôi tin rằng tôi sẽ học tốt hoặc nghiên cứu tốt, hãy chứng minh cho họ thấy mình học tốt như thế nào, thành quả đạt được trong quá khứ hoặc công trình nghiên cứu. Đặc biệt, đừng nên ngại “nói tốt” về mình một cách hợp lý.
* Còn lúc phỏng vấn thì sao?
- Đầu tiên phải nắm vững tất cả những gì mình đã viết trong hồ sơ, vì vẫn có trường hợp viết hộ và khi phỏng vấn thì… bị lộ. Sau khi nắm chắc, luôn có ví dụ, dẫn chứng, câu chuyện... để chứng minh những gì mình đã thể hiện trong hồ sơ, vì họ muốn kiểm tra mình có đúng là nhân vật trong hồ sơ hay không. Cần chủ động đoán trước các câu hỏi (dù có thể không chính xác) và chuẩn bị câu trả lời. Như trường hợp của tôi, tôi đã đoán trước đúng ba câu. Trong khi phỏng vấn, phải hết sức bình tĩnh và cực kỳ tự tin, dù mình run cũng phải tỏ vẻ tự tin. Hãy suy nghĩ một chút để chuẩn bị câu trả lời cho thật thuyết phục.
Khi trả lời cũng phải tạo được ấn tượng tốt với họ. Trong giảng dạy, tôi cũng có chút kinh nghiệm phỏng vấn sinh viên nên tôi biết, nếu sinh viên nào cũng nói na ná như nhau thì người phỏng vấn sẽ không ấn tượng mấy. Nhưng nếu thí sinh đó trình bày có gì đó thật khác biệt, họ sẽ lưu tâm hơn.
* Vậy còn khả năng ngôn ngữ, nhất là phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài?
- Khả năng ngôn ngữ là thế mạnh nhưng cũng không hẳn là điều kiện tiên quyết. Chẳng hạn, khi được phỏng vấn bằng tiếng Anh, nếu tiếng Anh tốt thì mình sẽ làm ý kiến mình rõ ràng hơn. Tuy nhiên, nội dung rất quan trọng, vì người phỏng vấn muốn kiểm tra cũng như muốn hỏi thêm về những gì mình viết trong hồ sơ để họ chọn được ứng cử viên phù hợp với mục tiêu học bổng.
* Xin được hỏi thêm, ở tuổi 36, vẫn còn “một mình”, giá như được chọn lại từ đầu, chị có thay đổi quyết định đi du học của mình hay không?
- Tôi vẫn chọn con đường du học. Hơn nữa, đâu phải đi du học là không thể làm được những việc khác. Nếu biết kết hợp thì mọi việc vẫn rất tốt, thậm chí là tốt hơn (cười).
* Cảm ơn chị!
Ông Võ Văn Bồng, Hiệu trưởng Trường CĐ Bình Định:
Phan Lê Hải Ngân là Trưởng khoa Ngoại ngữ của trường trước khi cô ấy du học bên Úc. Ngân không chỉ giỏi trong chuyên môn mà trong cả công tác quản lý, và rất quan tâm đến sinh viên. Trước khi đi du học, cô ấy đã được cơ cấu vào trong Ban Thường vụ Đảng ủy của nhà trường. Từ đề xuất cho sinh viên đánh giá giảng viên của Ngân áp dụng đầu tiên tại khoa Ngoại ngữ, chúng tôi đã nhân rộng cách đánh giá này tại các khoa khác.
THU HÀ (Thực hiện)
Love and respect you by all of my heart. http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=3844#
Trông hình chị có vẻ bè ngoài yếu đuối mong manh nhưng lại chứa cả một tinh thần lớn lao, em sẽ cố gắng để học tốt và thực hiện ước mơ của mình. Đọcbài của chị mà em thấy mình như đươc tiếp thêmđộng lực. Em cũng là người con của đất Bình Địa mình, cũng rất mong muốn được đi du học tiến sỹ bên Úc nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, Tòa soạn có thể cho em xin địa chỉ email của chị Hải Ngân để học hỏi kinh nghiệm được không. Xin chân thành cảm ơn !
Hải Ngân thật giỏi. Cô ấy luôn luôn đứng đầu trong nhiều hoạt động.