CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG BÌNH ĐỊNH (31.3.1975 - 31.3.2015)
“Chiến thắng Bình Định - Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện”
Đó là nội dung của buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Bình Định (31.3.1975 - 31.3.2015) do Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài PT-TH Bình Định tổ chức, chiều 30.3. Tham dự buổi tọa đàm có các đồng chí: Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phan Cao Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Quân khu 5…
Phát biểu đề dẫn, đại tá Cao Thứ, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: 40 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm về chiến thắng Bình Định vẫn còn nguyên giá trị. Buổi tọa đàm “Chiến thắng Bình Định - Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện” đã tiếp tục làm rõ những chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Khu ủy Khu 5; nghệ thuật chỉ đạo, điều hành và phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân của Tỉnh ủy Bình Định và Ban Chỉ huy Tỉnh đội; góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường trong các cuộc chiến tranh giải phóng và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.
Quang cảnh buổi tọa đàm “Chiến thắng Bình Định - Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện”. Ảnh: VĂN LƯU
Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp
Theo đại tá Cao Thứ, Bình Định luôn là chiến trường nóng bỏng của cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ. Thắng lợi mùa Xuân 1975 ở Bình Định là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện, của nhiều yếu tố tạo thành, bắt nguồn từ đường lối chiến lược, sự chỉ đạo về phương châm, phương pháp cách mạng đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đó là thắng lợi của lòng tin và ý chí tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, đồng thời biết tranh thủ thời cơ chung, tận dụng thời cơ tại chỗ, đánh địch bằng ba mũi giáp công quân sự, chính trị, binh vận; trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn đồng bằng và thành thị; kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, thực hiện đánh địch trên mọi quy mô đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ của lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giành quyền làm chủ. Quán triệt và nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, thực hiện tiến công và nổi dậy đánh bại hoàn toàn quân địch, giành thắng lợi triệt để và trọn vẹn.
Ông Phạm Đình Đôn, Trưởng Phòng Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho rằng: Căn cứ các chủ trương của Trung ương và Khu ủy, ngày 12.2.1973, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị chỉ đạo các địa phương sử dụng và kết hợp chặt chẽ 4 mũi giáp công: “Vũ trang, chính trị, binh vận và pháp lý”. Kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi địch lấn chiếm vùng giải phóng và làm chủ. Tích cực xây dựng lực lượng tại chỗ, tố cáo địch vi phạm và phá hoại Hiệp định Paris. Ngày 6.3.1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị sử dụng lực lượng du kích tại chỗ diệt bọn ác ôn, sử dụng lực lượng vũ trang diệt bọn đầu sỏ. Trước bước ngoặt chuyển biến sang giai đoạn mới, Tỉnh ủy vẫn kiên trì lập trường và tư tưởng cách mạng tiến công, kịp thời đề ra một số chủ trương đúng đắn, kiên quyết, nhất là chủ trương kếp hợp và đẩy mạnh 4 mũi giáp công, quyết tâm chống địch lấn chiếm và “bình định” có tác dụng tích cực đối với phong trào cách mạng địa phương trước khó khăn, phức tạp mới. Với sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quân và dân toàn tỉnh kiên quyết phản công và tiến công địch.
Theo ông Đôn, cùng với quân sự, phong trào quần chúng tham gia đấu tranh chính trị công khai hợp pháp, đòi quyền tự do dân chủ diễn ra khá sôi nổi. Những chiến công của quân và dân tỉnh Bình Định trong việc đấu tranh góp phần chống địch phá hoại Hiệp định Paris là nền tảng căn bản, là sự tiếp nối chiến công, góp phần quan trọng cùng với quân và dân miền Nam “thắng Mỹ, diệt Ngụy”, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975.
Bà Lê Thị Thu Sương, nguyên Trợ lý dân quân Tỉnh đội giai đoạn 1973-1975, dẫn chứng thêm: “Cùng với lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương thì có thể nói, trong bối cảnh lúc ấy, lực lượng du kích không chỉ tham gia tuyên truyền vận động nhân dân mà còn phối hợp kịp thời với lực lượng nòng cốt chiến đấu, bổ sung quân cho các đơn vị chủ lực tiến công giải phóng các địa phương trong tỉnh, góp phần giải phóng tỉnh Bình Định”.
Cùng với lực lượng địa phương, có sự đóng góp của các đơn vị chủ lực của Bộ, Quân khu 5. Ông Trịnh Đình Chiểu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 405 Quân khu 5, cho biết: “Trong chiến dịch tham gia giải phóng Quy Nhơn, giải phóng tỉnh Bình Định, đơn vị được chia làm hai cánh quân, cánh thứ nhất đánh chiếm Phú Tài và chặn đường rút chạy của địch về Phú Yên; cánh thứ hai đánh chiếm chốt bà Hỏa, khu vực Ghềnh Ráng… Có được chiến thắng này là nhờ sự phối hợp tác chiến giữa các đơn vị của Bộ, Quân khu 5 với các đơn vị của Bộ và LLVT tỉnh trên chiến trường Bình Định”.
Theo ông Mai Xuân Thưởng, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, thắng lợi Xuân 1975 ở Bình Định, ngoài những yếu tố trên, còn một vấn đề quan trọng góp phần làm nên chiến thắng ngày 31.3.1975, đó là thế tiến công áp đảo cả về chiến dịch và chiến lược của các binh đoàn chủ lực cơ động của Bộ và các chiến trường. Nếu không có chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, không có chiến dịch Huế - Đà Nẵng, cao trào tiến công và nổi dậy toàn miền thì quân dân Bình Định không thể nhanh chóng giành thắng lợi.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng
Buổi tọa đàm “Chiến thắng Bình Định - Chiến thắng của sức mạnh tổng hợp toàn dân, toàn diện” là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, những chiến công hiển hách của Đảng bộ, quân và dân Bình Định 40 năm về trước. Đồng thời cùng trao đổi, học tập vận dụng sáng tạo những chủ trương, giải pháp của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, toàn dân, toàn diện của thắng lợi Xuân 1975 ở Bình Định vào việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh. Cũng là dịp để chúng ta giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống lịch sử tốt đẹp mà các thế hệ quân và dân Bình Định đã lập nên. Từ đó, bằng năng lực, trí tuệ và sức trẻ ra sức khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trích phát biểu của Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Kim Toàn tại buổi tọa đàm
Theo ông Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, với chiến thắng ngày 31.3.1975 đã giải phóng hoàn toàn quê hương Bình Định, Đảng bộ, quân, dân Bình Định đã góp phần xuất sắc vào thắng lợi chung của cả nước thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ông Huệ cho hay, chiến thắng Bình Định trong cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là kết quả sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố. Trước hết là sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc sảo, đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Khu ủy Khu V, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sáng tạo của Tỉnh ủy Bình Định, đặc biệt có sự đóng góp của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng; sự hiệp đồng tác chiến của các lực lượng binh chủng trên chiến trường Bình Định.
Ông Phan Văn Huệ cho biết: Chiến thắng Bình Định ngày 31.3.1975 có ý nghĩa, bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bài học thứ nhất, đó là quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Trong cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh nhà đã huy động sức mạnh toàn dân, đánh giá đúng khả năng cách mạng của nhân dân, không chỉ lực lượng quần chúng cơ bản mà còn phát huy lòng yêu nước của tất cả các thành phần, dân tộc, tôn giáo trong toàn tỉnh. Trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày hôm nay, bài học này còn giá trị rất lớn, khi chúng ta đang tập trung xây dựng, phát triển, chúng ta cần phải huy động toàn thể nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia, việc xây dựng xã, phường vững mạnh toàn diện nếu không có người dân tham gia sẽ thất bại, sẽ không có được sức mạnh tổng hợp. Bài học thứ hai, nâng cao năng lực lãnh đạo và vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn. Bài học thứ ba, xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, là nhân tố quyết định thắng lợi của phong trào cách mạng tỉnh nhà.
NGUYỄN PHÚC