Vĩnh Thạnh: Tích cực ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào DTTS
Với phương châm “hướng về cơ sở”,“lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh đã có những giải pháp tích cực trong việc hạn chế nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Theo số liệu của Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, từ năm 2010 đến tháng 3.2015, toàn huyện xảy ra 40 vụ tự tử, làm chết 39 người và đều là người Bana. Địa bàn hay xảy ra nạn tự tử là các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim và Vĩnh Thuận.
Tự tử vì ức chế
Nạn tự tử trong cộng đồng DTTS xảy ra trên địa bàn huyện, thời gian qua không chỉ để lại nhiều hệ lụy đau lòng cho những gia đình có người thân tự tử mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý cộng đồng.
Theo ông Yang Danh- nhà nghiên cứu văn hóa Bana, hiện định cư ở thị trấn Vĩnh Thạnh, hầu hết các vụ tự tử trên địa bàn huyện đều thực hiện sau khi uống rượu. Điều này, một phần do tính cách tâm lý của người đồng bào DTTS: bộc trực, trọng tín nghĩa nhưng cũng rất tự ti, sống khép kín, ít biểu lộ cảm xúc, nhất là những sự việc có tính tế nhị trong sinh hoạt gia đình, khi phát sinh mâu thuẫn không được giải quyết, họ thường nghĩ ngay đến cái chết như một cách giải thoát. Trường hợp anh Đinh Trà Quyên (SN 2000) tự tử xảy ra ngày 7.2, tại làng K4 xã Vĩnh Sơn là một ví dụ. Chỉ vì chưa được gia đình đáp ứng yêu cầu mua xe máy, anh Quyên đã tự tử. Một trường hợp khác, do hàng ngày hay rượu chè bê tha, anh Đinh Xôi, ở làng K6, xã Vĩnh Kim bị vợ “cấm vận” dài hạn. Lâu ngày sinh ra bực tức, trong một lần uống rượu về, Xôi chui vào giường nằm với vợ. Vợ Xôi lại lẳng lặng bỏ đi chỗ khác. Sáng hôm sau gia đình thấy Xôi treo cổ chết tự lúc nào.
Sự vào cuộc của cả cộng đồng
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thạnh đã ban hành Công văn số 202 về việc “Tuyên truyền, giáo dục ngăn chặn nạn tự tử ở địa phương”. Theo đó Huyện ủy Vĩnh Thạnh chỉ đạo cho Mặt trận và các đoàn thể cùng với chính quyền các cấp hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; vận động và giúp bà con xây dựng đời sống ấm no ở từng cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục sinh động, thiết thực, phù hợp.
Với vai trò tư vấn, trợ giúp pháp luật thời gian qua, Hội Luật gia huyện phối hợp với hội liên quan cùng đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền cụ thể, trong đó tập trung nhất vẫn là những buổi sinh hoạt tại thôn làng. Định kỳ hàng tháng tại các điểm làng đều tổ chức sinh hoạt kết hợp tuyên truyền pháp luật với các nội dung tuyên truyền gói gọn về Luật Giao thông; Luật Bảo vệ và phát triển rừng; Luật Phòng chống bạo lực gia đình đặc biệt chú trọng đến vấn nạn tự tử đang diễn ra phổ biến trong đồng bào DTTS. Từ những cuộc tuyên truyền lưu động, người dân biết đến vai trò của hội, và tự chủ động tìm đến nhờ tư vấn, giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân đến những vướng mắc, tranh chấp, khiếu kiện dân sự.
Đơn cử như trường hợp của vợ chồng Đinh K. và Đinh Thị H., xã Vĩnh Thuận. Do chồng thường xuyên uống rượu lại còn chửi bới, đánh đập vợ con, khuyên mãi không được nên hai vợ chồng luôn mâu thuẫn và căng thẳng với nhau. Thay vì tìm đến cái chết để giải thoát như một số cá nhân đã chọn, chị H. đã tìm đến hội và nhờ tư vấn để cứu vãn hạnh phúc gia đình chị, bởi theo chị H.: “Mình không muốn gia đình thường xuyên căng thẳng, bất hòa nên phải nhờ cán bộ khuyên răn chồng, chứ không chọn cách tự tử đâu, làm như thế là sai, là có tội với những người thân của mình, người ta tuyên truyền như thế mà”. Hay như trường hợp của chị Đinh Thị Tương (làng O3 xã Vĩnh Kim), cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc nên đã nhờ tư vấn thủ tục để ly hôn, chị chia sẻ: “Nay tôi đã có chồng khác và cuộc sống vui vẻ, cũng nhờ đi nghe tuyên truyền nhiều nên tôi không nghĩ quẩn mà có cách giải quyết thỏa đáng”.
Nhờ vậy, số vụ tự tử và số người chết do tự tử trong đồng bào DTTS giảm dần, nếu như năm 2010 toàn huyện có 12 vụ làm 12 người chết thì năm 2012 giảm xuống còn 9 vụ, năm 2013 có 5 vụ và năm 2014 giảm còn 3 vụ.
Ông Tô Thành Việt, Phó Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Thạnh, cho biết: “Với phương châm “hướng về cơ sở”, “lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, các lực lượng làm công tác tuyên truyền đã chủ động, sáng tạo đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động, hấp dẫn, thiết thực, phù hợp với tâm lý và trình độ tiếp nhận thông tin của đối tượng tuyên truyền. Nhờ vậy, hiệu quả tuyên truyền đã có chuyển biến tích cực. Họ đã biết yêu quý cuộc sống của mình hơn, tích cực sáng tạo, thi đua lao động sản xuất, một bộ phận khá lớn đồng bào dân tộc thiểu số biết làm giàu bằng sức lao động chính đáng của mình”.
KIỀU ANH-XUÂN DŨNG