Western Bank xin Nhà nước 37.000 tỷ để hợp nhất
Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) vừa thông báo tổ chức họp đại hội đồng cổ đông năm 2013 vào ngày 16.3 để bàn kế hoạch hợp nhất với Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC). Đồng thời, hai bên cũng xin Ngân hàng Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí hỗ trợ thanh khoản 37.000 tỷ đồng cho quá trình hợp nhất này.
Tài liệu chuẩn bị cho đại hội này đã được Western Bank gửi đến các cổ đông, trong đó có báo cáo của Hội đồng Quản trị về tình hình hợp nhất với PVFC, cũng như bản tóm tắt đề án hợp nhất sơ bộ.
Theo bản tóm tắt đề án hợp nhất, trong giai đoạn hiện nay, định hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là hết sức đúng đắn. Các ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cấu trúc, phải hợp nhất - sáp nhập với tổ chức tín dụng tốt hơn đảm bảo sự lành mạnh cho hệ thống.
Cụ thể, theo đề án, hai bên sẽ hợp nhất thành ngân hàng mới nhằm giải quyết những tồn tại của WesternBank cũng như giảm được phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại PVFC. Ngân hàng sau hợp nhất sẽ có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, bằng tổng vốn điều lệ của Western Bank (3.000 tỷ) và PVFC (6.000 tỷ). Tổng tài sản của 2 bên sau khi hợp nhất khoảng hơn 105.641 tỷ đồng và trở thành một trong 18 ngân hàng lớn nhất hệ thống.
Cả Western Bank và PVFC đều cho biết sẽ không thực hiện việc chia tách cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu hay làm tăng hay giảm số cổ phiếu, pha loãng giá trị sổ sách cổ phiếu đang lưu hành dưới bất kỳ hình thức nào.
Một trong những đề xuất được 2 bên đưa ra để hỗ trợ đề án này là việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cũng như Petro Vietnam (đơn vị nắm 78% vốn của PVFC) hỗ trợ 37.000 tỷ đồng. Cụ thể, để hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng hợp nhất, hai bên đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho vay từ nguồn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại khoảng 30.000 tỷ đồng, đề xuất PVN gửi thêm cho PVFC số tiền 7.000 tỷ đồng với kỳ hạn tối thiểu 6 tháng.
Ngoài ra, để ngân hàng mới sớm khắc phục khoản lỗ phát sinh trước khi tái cơ cấu, đề án này còn nêu rõ đề nghị cho phép duy trì dự trữ bắt buộc 50% bằng tiền mặt, 50% bằng các giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Bộ Tài chính. Đồng thời, ngân hàng sau hợp nhất còn xin "đặc quyền" được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong 5 năm. Theo đó, ngân hàng này chỉ phải chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng một phần năm so với quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
Về thuế, ngân hàng sau sáp nhập muốn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm sau khi hợp nhất và giảm 50% theo mức thuế hiện hành trong hai năm tiếp theo để có thể tích lũy vốn sau khi tái cơ cấu.
Western Bank là một trong 9 ngân hàng trong diện được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tái cơ cấu trong năm nay, do thanh khoản kém, nợ xấu cao. Hoạt động cho vay của ngân hàng này còn được cho là liên quan nhiều tới cổ đông nội bộ và công ty sân sau. Trong khi đó, PVFC là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Tập đoàn này đang chịu áp lực lớn phải thoái vốn ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực tài chính. PVFC cũng đứng trước sức ép lớn khi Thủ tướng yêu cầu “không duy trì” Công ty tài chính PVFC trong nội dung Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
. Theo Vneconomy, VNE