Trịnh Công Sơn và một ngày
Đó là ngày 1.4.2001. Ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất. Một ngày cách đây đã mười bốn năm.
Hồi còn sống, ông có thể ở chỗ này nơi khác. Bước chân lang thang cho phép ông rong ruổi đi qua rất nhiều vùng miền của đất nước mình. Và cả nữa, ở chân trời góc biển nào đó xa xăm. Suốt khoảng thời gian ông vắng mặt nơi cõi đời này, áng chừng như ông còn đi nhiều hơn nữa. Và thật kỳ diệu. Bởi cùng lúc ông có thể hiện hữu ở rất nhiều nơi. Trong một quán rượu tồi tàn. Ở một phòng trà sang trọng. Nơi một bãi biển khi, các chàng trai quần tụ lại và giành nhau cất tiếng. Cùng với âm thanh dữ dội của sóng và những giai điệu mảnh yếu của tiếng ghi-ta. Hay góc tối khoảng hiên nhà với người phụ nữ lẻ loi, ngồi bó gối…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Ấy! Là khi thứ âm nhạc của ông cất lên. Một thứ âm nhạc hết sức đặc biệt. Không chung lẫn, trộn hòa. Không mất biến nhòa nhạt vào bất cứ một dòng chảy âm nhạc nào khác. Âm nhạc của ông có cõi người, có cuộc đời, có tình yêu, có tuyệt vọng, có những tha thiết, có sự dửng không… Và giờ, sau ngần ấy tháng ngày ông đi xa. Sao ta không thêm một lần nữa, thấu nhận…
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “…dù những trầm tư của tác giả đi xa tới đâu, âm nhạc Trịnh công Sơn vẫn là một cõi riêng dành cho tình yêu…”. Và phải thâm nhập vào cái cõi riêng của ông qua, hết thảy, những tâm trạng qua bao dấu mốc thời gian. Từ lúc khởi đi cho tới hồi kết thúc. Từ buổi ban mai cho mãi tận chiều tà. Từ ngày sang đêm với tận cùng hạnh phúc và ngập ngụa khổ đau. Cứ mở rộng và trải hết tâm hồn của mình ra để, chu du khắp cùng cõi tình của ông dù, cho rất thênh thang dù có là thăm thẳm. Bởi sẽ khám phá được vô vàn những lạ lẫm những cũ quen. Quả thật, tình của ông là tình thơ, tình mộng. Tình của ông vượt trên những bụi bặm trần gian, những rác rưới đời thường. Tình của ông để ngó nhìn, rọi soi, nhớ tưởng… Để vui vừa phải để buồn chừng chừng. Để khóc, cười vơi vơi…Không bằng sự dữ dội mà bằng những dịu dàng, thoang thoảng mà đằm sâu. Một cõi tình rất đỗi Trịnh công Sơn và được ông đón nhận hết sức dửng không, hẳn vậy.
Còn cuộc đời? Tất nhiên, một cõi đời không phải của những tính toán thiệt hơn: khốc liệt và lạnh lùng. Không phải cuộc đời của những đổi thay vay trả: đảo điên và khốc liệt. Một cuộc đời như không có thực và như ông đã tự tình: “Trên những trang giấy tinh khôi, chúng ta không bao giờ thấy bóng dáng của những đường kiếm mưu đồ…”. Và ông, cùng với sự bao dung vốn sẵn vẫn ngời ngợi một niềm tin dâng đời. Vẫn tìm đến đời xin được góp mặt hồn nhiên. Vẫn bước vào cuộc đời này như thể bước vào một cuộc chơi với những bước đi thanh thản trong lồng lộng thương yêu.
Có vẻ như ý nghĩ ông xuyên suốt được hết thảy. Cảm được những hạn kỳ trong một kiếp người, một duyên phận… Biết được những phù du, hư ảo… của những chói lòa vinh quang và sự không tồn tại của những tang thương tàn tạ. Và bằng cái cách của mình cứ bình tâm mà chờ đợi. Phải chăng trong cái nhìn của ông: tai ương và may mắn là một, hạnh phúc đâu có tách lìa khỏi những sầu đau… Nên ông thâm thúy và ông lãng đãng. Nên ông bền chặt và ông chông chênh. Nên ông già nua và ông thơ trẻ… Nên ông hắt hiu buồn và hắt hiu…vui, khi tâm sự về âm nhạc của mình: “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với đời sống, mỗi lời nhắn nhủ thầm kín về tuyệt vọng và cũng là nỗi lòng tiếc nuối không nguôi đối với buổi chia lìa( một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã chia sẻ buồn vui cùng mọi người”.
Và như từ trước đó như suốt mười mấy năm qua chúng ta vẫn không ngừng nghe âm nhạc của ông. Nghe và cảm như ông chưa hề nói lời cách xa dẫu, một ngày đầu tháng tư khi ông giã từ cõi trần ai này, là có thật.
NGUYỄN MỸ NỮ