Có một con đường
Dạo này quốc lộ 1A như cô gái đang trong giai đoạn đại phẫu thuật chỉnh trang. Từng đoạn lồi lõm, mật độ xe cộ dày đặc và bụi bặm khiến người sử dụng xe máy từ Quy Nhơn ra các huyện phía Bắc tỉnh ngợp trong căng thẳng. Nhưng mà giỗ bà nội chồng, có ngợp kiểu gì cũng phải về. Giỗ quải xong, chuẩn bị quay vào, cô em gái mách cho một lối đi khác “vừa ít xe cộ vừa đỡ nắng” nối từ thị trấn Tăng Bạt Hổ - Hoài Ân đến Mỹ Hiệp - Phù Mỹ. Thế là đi.
Đi, mới hay đó là đường 631, tuyến tỉnh lộ Hoài Ân - Phù Mỹ. Nó đáng được gọi là con đường bóng mát vì suốt mấy chục cây số, ánh nắng nhiệt đới dữ dội đến đâu cũng không thể giữ nguyên sự gay gắt khi xuyên qua những vạt dừa thanh xuân của thôn xóm thanh bình và những cánh rừng keo lai trùng điệp hai bên núi.
Ở những quãng người ta vừa xẻ ủi năm ngoái để làm đường, trên vách đất sỏi cây dại chưa kịp phủ kín, chúng tôi bắt gặp những chùm bông trang núi thắm thiết, dâng tràn mãnh liệt như tín điệp của sự sống. Vẻ đẹp dung dị và tự tin của nó khiến tôi không đừng được mong muốn chia sẻ, vun trồng. Xin núi một đóa mang về không phải dễ dàng gì, chúng tôi phải nhoài người để khươi từng nhánh rễ, và dĩ nhiên là chịu xây xước một chút. Xây xước một chút để mang sứ giả của núi về nhà, là cả một niềm vui.
Êm đềm, thơ mộng là cảm giác lan tỏa như sương khi dừng xe ngắm hồ Thạch Khê bãng lãng lúc chiều tà. Mặt nước mênh mang tưởng chừng rộng gấp đôi bởi bóng núi bóng trời in ngược. Hai người bất giác nhìn nhau: “Giá mà có một con thuyền…”.
Nước hồ Thạch Khê bắt nguồn từ dòng suối lớn có tên là Suối Đá chảy dọc đèo Màn Lăng. Ngày xưa, cọp trong núi sâu hay mò ra đây uống nước và ngồi đợi săn mồi. Tiếng đồn về đoạn đèo hoang dã làm người đi rừng sởn gai ốc trước những ngọn gió mang hơi cọp dữ. Có một vị sư đến đây dựng lều tu hành, phát nguyện đưa người qua đèo, hàng trăm khách bộ hành được ông dẫn đường bình yên. Một đêm trăng sáng, sư ông đang đưa một đôi vợ chồng với đứa con nhỏ qua đèo thì chúa sơn lâm thình lình xuất hiện. Giữa lúc người lớn hoảng sợ lúng túng, đứa bé tò mò rời tay cha mẹ chạy ngược về phía mãnh thú. Sư ông vội vàng lao tới nhưng không kịp, đứa bé đã ở bên miệng cọp. Ông bèn lên tiếng xin chúa sơn lâm tha cho đứa bé, đổi lại ông sẽ hiến mình để đền bù. Kỳ diệu thay, chúa sơn lâm lui lại, ra dấu bằng lòng để ông dắt đứa bé trả cho cha mẹ nó. Đôi vợ chồng vừa mừng vừa sợ bế con chạy thoát thân, còn sư ông ngồi xuống xếp bằng giữa đường đèo.
Từ đó, khách qua đường không thấy dấu vết sư ông nữa.
Cũng từ đó, đoạn đường này không còn xảy ra cảnh cọp vồ người.
Ít lâu sau, trên trảng đất rộng giữa đèo và suối, tại nơi có túp lều cũ nát của vị sư ông nọ, một ngôi chùa đơn sơ được dựng lên, gọi là chùa Suối Đá. Truyền rằng người đời nhớ ơn vị sư đã xả thân cứu khách bộ hành nên lập chùa thờ phụng. Ai biết chuyện này, có dịp đi qua đều ghé vào dâng hương tưởng niệm.
Sự tích chùa Suối Đá đã được Quách Tấn kể lại trong “Nước non Bình Định”. Cái tên Thạch Khê - Suối Đá trên miệng người chăn bò vô tình làm thức dậy truyền thuyết cũ. Hỏi đèo Màn Lăng - đáp rằng chính là đoạn đường đang cất mình lên triền núi, nơi những cây hòe hoa vàng đang rướn thân ngóng mây bay. Hỏi chùa Suối Đá - đáp rằng chùa đã sập trong chiến tranh, chốn cũ chỉ còn một cái am nhỏ cạnh cây sung cổ thụ. Từ Hoài Ân sang Phù Mỹ, am nằm bên tay phải, có tượng Phật, lư hương, ngựa trắng, ngựa hồng, bình bông, chén nước. Khi tìm tới thắp một nén hương, chúng tôi thấy trong lòng cái đĩa nhỏ, người hữu tâm nào đó đã đặt lên một chùm sung chín, trái đỏ như son.
Rưng rưng. Người xưa ạ, hoang vu đã nhường bước trước tấm lòng nhân ái lay động nghìn đời. Một con đường đã mở, xuyên qua nơi xưa kia người ra sức chở che đồng loại trước sự tấn công của mãnh thú. Chùa không nệ to, tượng không nệ lớn, nhưng ngọn lửa nghĩa nhơn lồng lộng mãi lưu truyền hậu thế. Chân tu, nào phải tìm ở những gì mầu nhiệm xa xôi, mà chính từ những nghĩa cử hy sinh lặng lẽ.
Qua đèo, hiện dần những xóm nhà, những cánh đồng Mỹ Trinh rồi Mỹ Hiệp. Phía sau lưng, bóng tối bắt đầu giăng màn trên những rặng cây. Khi xe rẽ vào Quốc lộ, dường như chúng tôi vẫn mang theo con đường hiền hòa ấy trong câu chuyện của mình.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG