Xây dựng các cụm công nghiệp ở huyện Tây Sơn: Liệu có lãng phí tài nguyên đất?
Ðể thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế, huyện Tây Sơn đã xây dựng nhiều cụm công nghiệp (CCN). Tuy nhiên, điều đáng lo là nhiều diện tích đất sau khi thu hồi của dân lại “treo” đó, có nơi xây dựng xong CCN nhưng không thu hút được nhà đầu tư đến thuê. Ðất đai bị bỏ hoang thật sự là một sự lãng phí tài nguyên lớn.
Vắng!
Đó là ấn tượng đập ngay vào suy nghĩ của tôi khi đến CCN Nước Xanh. Theo UBND xã Bình Nghi, CCN Nước Xanh được thành lập năm 2007. Với 37,9 ha ở vào địa thế đẹp, có thể nói Công ty cổ phần CCN Cầu Nước Xanh - chủ đầu tư CCN có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, chủ đầu tư chỉ xây dựng được mỗi một dãy nhà kho giữa cánh đồng trơ trụi; cơ sở hạ tầng ở CCN này gần như vẫn chưa có gì.
Ông Văn Ngọc Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghi thừa nhận, thu hồi chừng ấy đất để xây dựng CCN, để rồi từ năm 2007 đến nay không sinh ra chút lợi nào là một sự lãng phí lớn. Trước năm 2007, địa phương cho đấu giá quyền sử dụng đất, bình quân mỗi sào được 800 ngàn đồng/mùa vụ. Cứ vậy mà nhân lên với 40 ha sẽ thấy ngân sách địa phương bị thiệt hại đến đâu. Đó là chưa kể đến việc phải nghe dân họ ta thán nữa.
Quả thật, nhìn cả vùng đất rộng mênh mông bị bỏ hoang, với lèo tèo vài nhà xưởng trơ ra giàn thép đã hoen gỉ vì nắng mưa, nhiều người nông dân nơi đây không thể kìm lòng. “Để làm cái CCN này, Nhà nước đã thu hồi, chuyển mục đích sử dụng gần 40 ha đất sản xuất nông nghiệp của dân. Vậy mà mấy năm nay chả làm được trò trống gì. Đi qua đây ai cũng tiếc đất đứt ruột” - một người dân địa phương cho biết.
Sử dụng chỉ 5 - 50% diện tích
Huyện Tây Sơn hiện có 12 CCN với tổng diện tích gần 370 ha. Tuy nhiên, hầu hết các CCN đều rơi vào tình trạng thiếu vắng nhà đầu tư. Phần lớn các CCN chỉ sử dụng khoảng 5% diện tích đất, chỗ nhiều cũng chỉ 50%, còn lại bị bỏ hoang.
Tại CCN Hóc Bợm rộng 35,7 ha, dù có 144 cơ sở sản xuất lò gạch, ngói thủ công và 4 công ty sản xuất gạch, ngói theo công nghệ Hoffman hoạt động, nhưng phần đông trong số này đang đứng trước nguy cơ phải nghỉ sản xuất. Trước đây, CCN này là nơi để địa phương gom các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung thủ công nằm trong khu dân cư. Tuy nhiên, theo chính sách mới, đến cuối năm 2016, tất cả các lò sản xuất gạch, ngói nung thủ công trên địa bàn huyện phải chấm dứt hoạt động. Điều này đồng nghĩa, sau năm 2016, tất cả các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung thủ công đang hoạt động trong CCN Hóc Bợm sẽ phải chấm dứt sản xuất.
Tương tự, dù nằm sát quốc lộ 19, CCN Phú An, xã Tây Xuân được thành lập năm 2004 với diện tích gần 20 ha. Sau 11 năm đi vào hoạt động, CCN chỉ thu hút được 29 dự án đầu tư, tuy nhiên hiện đến nay chỉ có 11 doanh nghiệp hoạt động; các doanh nghiệp còn lại chỉ mới xây dựng tường rào và một phần nhà xưởng rồi bỏ hoang.
Vì đâu nên nỗi?
Theo ông Võ Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý CCN huyện Tây Sơn, trên địa bàn huyện hiện có 12 CCN đã đi vào hoạt động, do địa phương quản lý, song kết quả thu hút đầu tư rất thấp. Vì thế diện tích đất bị bỏ hoang còn lớn. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do đơn vị quy hoạch CCN chọn địa điểm không hợp lý. Mức độ phát triển công nghiệp, TTCN chưa có tính đột phá, hiệu quả công tác thu hút đầu tư còn thấp; một số dự án đầu tư xây dựng ở CCN còn kéo dài.... Đặc biệt, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp thoát nước, đường giao thông, xử lý chất thải, chất thải) tại nhiều CCN còn thiếu đồng bộ.
Lấy ví dụ như CCN Hóc Bợm, do không có đường vận chuyển riêng, nên ô tô của doanh nghiệp phải lưu thông xuyên qua khu dân cư. Hậu quả là đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khiến đời sống của người dân bị đảo lộn. Việc khắc phục, xử lý tình trạng này gặp rất nhiều khó khăn.
Trước câu hỏi: Hướng phát triển nào cho CCN Hóc Bợm sau năm 2016 và giảm bớt lãng phí ở CCN Nước Xanh, ông Dũng thận trọng: “Hiện nay, chúng tôi đang rà soát, thống kê lại các ngành nghề; qua đó, sớm có phương án chuyển đổi, quy hoạch lại, tham mưu trình cho UBND huyện. Riêng về CCN Nước Xanh, huyện đã ra tối “hậu thư” cho chủ đầu tư, hạn chót đến cuối năm 2015, nếu nhà đầu tư không hoàn thiện các hạng mục để sản xuất, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép”.
Để các CCN phát triển bền vững, ông Dũng kiến nghị: Cần hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng cơ sở hạ tầng trong các CCN; sớm ban hành các chính sách hỗ trợ như hỗ trợ quy hoạch chi tiết, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông, lưới điện… để thu hút các nhà đầu tư.
Người dân kêu cứu
Gần đây, việc xe vận chuyển vật liệu đất, cát phục vụ cho các cơ sở sản xuất gạch, ngói nung thủ công tại CCN Hóc Bợm, xã Bình Nghi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, nhà nào cũng đang rơi vào cảnh “cửa đóng, then cài” suốt ngày để chống bụi. Thế nhưng, chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan của huyện Tây Sơn vẫn chưa có biện pháp xử lý, khắc phục khiến mâu thuẫn giữa người dân với doanh nghiệp ngày càng tăng.
TRỌNG LỢI
Năm 2015 là năm Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để giải phóng sức sản xuất. Hy vọng Tây Sơn cũng như lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Trong kinh doanh cơ hội là một trong những yếu tố rất quan trọng, đầu tư đúng thời điểm doanh nghiệp thuận lợi, mất cơ hội sẽ gặp khó khăn. Công ty TNHH Gạch không nung Phương Thảo ý thức được vấn đề này, đây là cơ hội tốt để đầu tư lĩnh vực gạch không nung. Hy vọng Tây Sơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp .... chớp được cơ hội để đầu tư, nếu kéo dài chúng tôi sẽ mất cơ hội.
Gạch không nung Phương Thảo mới xúc tiến có 1/2 năm mà đã chán rồi sao. Có đơn vị đi tới đi lui chỉ mất 3 năm là xong việc thôi, bạn hãy có gắng nhiều hơn, Tây sơn đang kêu gọi đầu tư đó, cố gắng, cố gắng,...
Thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất gạch đất nung thủ công, công ty chúng tôi nộp hồ sơ cho huyện Tây Sơn để được giới thiệu địa điểm đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung công suất 20 triệu viên năm, nguyên liệu sản xuất từ xi măng và cát. Hơn nửa năm chỉ qua chỉ lại và chờ thông qua các ngành,... ban thường vụ huyện ủy, đến nay tôi vẫn chưa có mặt bằng để xây dựng nhà máy, chưa được chấp thuận mỏ cát để thăm dò xin cấp phép khai thác,... Kiểu làm của lãnh đạo Tây Sơn như vậy ai dám đầu tư? Quá thất vọng với kiểu làm của lãnh đạo huyện này!?