Bếp “kỷ niệm”
Ngày trước ở quê, người ta chỉ dùng rơm rạ khô hoặc củi để đun nấu tạo lên những làn khói bếp quen thuộc. Bởi vậy mà khi đi đâu xa nhà, cứ thấy khói bếp là tôi nghĩ ngay đến quê, nhớ đến nội. Rồi cuộc sống phát triển, không chỉ ở thành phố mà ở quê cũng đều thay những bếp lửa củi bằng bếp ga, bếp điện tiện lợi. Ở quê tôi cũng thế, chẳng còn mấy ai dùng củi để nấu nướng, trừ ngày tết khi nấu bánh chưng, bánh tét thì mới bắt bếp nổi lửa, ai cũng quen dần với việc không thấy khói bếp. Nhưng riêng nhà nội tôi vẫn có một bếp củi mà sáng sớm nào cũng ánh lên ngọn lửa hồng ấm áp. Nhà vẫn có bếp ga nhưng chẳng khi nào nội dùng. Bếp ga chỉ để bác tôi nấu ăn, riêng bà tôi vẫn trung thành với cái bếp củi cũ kỹ. Sáng nào nội cũng dậy sớm, nhóm lửa bắt ấm nước nóng, chế bình trà rồi cứ ngồi đẩy lửa mà chẳng nói năng gì. Cái bếp chỉ có mình bà dùng. Đó như một thói quen của bà, quen đến mức, mọi người không gọi là bếp củi nữa mà gọi là “bếp của bà”.
Rồi bà ốm, bà phải nằm viện hơn tháng, bác tôi cũng dẹp luôn cái bếp cho gọn, cũng chẳng ai để ý đến sự tồn tại của nó. Bà khỏi bệnh về nhà, bác gái tôi lại lục cục bày cái bếp ra chỗ cũ. Lúc này ai cũng tò mò, cô tôi về thấy, bảo sao chị không dẹp luôn cái bếp củi đi, có ai dùng nó đâu. Bác tôi bảo, không thấy bếp bà sẽ buồn lắm đó! Chỉ câu nói của bác, chẳng thấy ai ý kiến gì thêm nữa, mọi người như tự vỡ lẽ ra một điều gì đó. Bác gái vẫn bảo, bà nhóm lửa là để nhớ người. Bà là người hoài niệm, lại già rồi nên thế. Bà thường ngồi tần ngần bên bếp vậy thôi, chứ thiệt bà đang sống lại với những kỷ niệm một thời đấy. Bà nhớ đến ông nội đã mất mấy năm nay, nhớ đám con cháu ở xa, nhớ cái thời không có cơm trắng để ăn, các cô chú tôi cứ ngồi quanh bên bếp lửa chờ củ khoai, trái bắp luộc chín, cười nói vô tư như sự khó khăn của cuộc sống không hề tồn tại, chỉ cần biết rằng bếp mà đỏ lửa thì mới no được,…
Bà khỏe hơn, bà lại bắt đầu nhóm lửa vào mỗi sáng sớm tinh mơ. Một lần về ngủ chung với bà, tôi cũng lò mò dậy nhóm lửa trong sự ngái ngủ. Khi nghe bà kể chuyện thì tôi tỉnh hẳn, bà kể cho tôi nghe đủ chuyện ngày xưa, kể chuyện tình yêu thời ông bà, rồi kể cô chú tôi lúc còn bé ra sao, bà nhớ mấy đứa cháu con chú út ở xa bà, sợ lúc “nhắm mắt” chúng không về kịp, cứ thế bà vừa đẩy lửa vừa kể bằng cái giọng móm mém thương đến lạ. Lúc này tôi mới thấy sao mà bếp lửa gần gũi thế, như một phần quan trọng trong cuộc sống của bà, chắc nó nghe chuyện bà kể còn nhiều hơn tôi. Chốc chốc bà lại ngừng và đưa ánh mắt sâu lắng nhìn vào bếp lửa, chắc là bà lại đang nhớ lại đoạn kỷ niệm nào đây. Tôi thầm nghĩ.
HỒNG YÊN