Bữa ăn sạch cho gia đình: Dễ và khó
Ý thức tầm quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho gia đình mình, nhiều chị em cố gắng tự trồng, nuôi hoặc nhờ người thân ở quê gởi rau, trái, thịt gia cầm vào. Để có bữa ăn sạch, chị em còn chia sẻ bí quyết cho nhau và thành lập nhóm cung cấp thực phẩm sạch từ gia đình mình cho hội viên trên mạng xã hội.
Rau, thịt “hàng nhà”
Khi con bắt đầu ăn dặm, chị Anh Quỳnh, ở KV8, phường Lê Lợi, Quy Nhơn phát hiện ra cơ địa của con dị ứng với tất cả các loại thức ăn có hóa chất, chất bảo quản… Việc lo tìm thịt, cá, rau củ và các nguyên liệu sạch để chế biến thức ăn hàng ngày cho con khiến vợ chồng chị khá vất vả.
Gia đình chị Thảo Nguyên trồng nấm để cải thiện bữa ăn sạch cho gia đình mình.
Chị Anh Quỳnh tâm sự: “Dù đã đưa con đi TP Hồ Chí Minh khám, chúng tôi vẫn không có cách nào ngoài việc phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho con. Khổ nỗi, tôi chạy khắp các siêu thị, mua rau sạch, thức ăn tươi sống mà vẫn có lúc con bị dị ứng nổi mụn đỏ khắp người”. Cuối cùng, ba mẹ chồng của chị Anh Quỳnh ở Phù Cát phải lo trồng rau, nuôi gà, cá, đóng gói gởi xe vào cho cháu. Dù cả nhà mất thời gian, công sức nhưng bù lại con của chị Anh Quỳnh ít bị dị ứng nổi mẩn đỏ hơn.
Gần 5 năm qua, chị Thảo Nguyên, tổ 24B, KV5, phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn tự trồng rau, làm giá, trồng nấm để có thực phẩm sạch phục vụ nhu cầu gia đình. Trước nhà chị có khoảnh đất trống, chị xin nhờ hơn 10 m2 để trồng các loại rau cải, rau muống, mồng tơi… Trên sân thượng nhà mình, chị dành góc nhà kho làm nấm, ủ giá và trồng một số loại rau khác. Nhờ đó, chị có đủ rau xanh dùng cho cả nhà mà không phải lo nhiễm bẩn hóa chất.
Chị Nguyên kể: “Trước kia, mỗi lần về quê Hoài Ân, tôi lại lấy rau, gà, cá về để tủ lạnh ăn dần, giờ thì không phải đi lại nhiều nữa. Tôi học trên mạng được nhiều cách thức trồng rau sạch, làm giá đỗ, cả nấm nữa… Mỗi ngày dành thời gian chăm sóc vườn rau, thấy vui, tiện lợi và an tâm. Các con tôi cũng giúp ba mẹ làm vườn để thêm hiểu biết và quý trọng thành quả của gia đình làm ra”.
Việc chị em tự trồng rau sạch ở nhà đang trở thành phong trào. Chỉ cần có sân thượng hay khoảnh đất nhỏ, mua vài thùng xốp, mua đất và hạt giống các loại rau về trồng, bón thêm phân vi sinh nữa là có rau sạch để ăn.
Chia sẻ kinh nghiệm
Quả thật, việc tìm kiếm thực phẩm sạch cho bữa ăn gia đình là bài toán khó đối với nhiều người. Song, chỉ rau sạch thôi thì chưa đủ đảm bảo bữa ăn sạch. Một đồng nghiệp của tôi đã cất công nhờ người đặt mua gạo đồng ở quê chở vào Quy Nhơn dùng bởi nghi ngờ gạo bán ngoài chợ có tẩm hóa chất chống nấm mốc. Nhiều chị thì chủ động đi chợ sớm, tìm mua cá đồng, tôm và cá biển do người đi lưới giã cào, rớ, đó vừa bắt lên, với hy vọng các loại thực phẩm từ tự nhiên tốt hơn.
Thế nhưng, ở thành phố, chuyện kiếm mảnh đất hay có sân thượng không phải nhà nào cũng làm được. Nhiều chị không chịu “sống chung” với thực phẩm bẩn, đã cùng nhau chia sẻ qua mạng xã hội, các diễn đàn dành cho phụ nữ, để giúp nhau có bữa ăn an toàn. Chị có nickname Phong Trần trên trang web Mẹ thông thái chia sẻ bí quyết: “Về quê mua đồ đem lên phố là bí kíp nhưng không phải lúc nào cũng thu xếp được. Do đó, mình mua đồ theo kiểu mùa nào thức ấy và “lên lịch” mua trái cây, rau, củ, quả theo mùa với hy vọng trái cây, rau quả đúng mùa ít sâu bệnh, ít phun thuốc, hóa chất bảo quản hơn”.
Nhiều chị cũng chia sẻ cách chọn rau quả, trái cây của Việt Nam vì dễ nhầm lẫn với hàng Trung Quốc, bí quyết trồng rau ở ban công, trồng trong các chậu treo… Các chị còn lập nhóm rau quả, trái cây sạch để các thành viên giúp nhau mua được thực phẩm đáng tin cậy do các thành viên trồng, nuôi hoặc đặt mua được.
Dù vậy, đó cũng chỉ là những giải pháp tạm thời, mang tính đối phó của các chị để mong có bữa ăn sạch. Đa số vẫn mong có những quy định của các cơ quan chức năng, siết chặt việc dùng thuốc kích thích chín quả nhanh, thuốc tăng trọng… Ngoài ra, bản thân các chị em cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức để chọn thực phẩm tốt cho gia đình.
CÔNG HIẾU