Mùa vui ở biển
Cũng như các địa phương miền biển trong tỉnh, Lễ hội Cầu ngư ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn được bắt đầu từ ngày 11.2 (âm lịch) và kéo dài vài ba ngày sau đó tại Lăng Ông Nam Hải. Và ngoài các phần cúng tế còn có múa hát Bả trạo do Đội Bả trạo của xã thực hiện, khá thu hút người xem.
Lễ hội Cầu ngư ở xã Nhơn Hải diễn ra hằng năm ở Lăng Ông Nam Hải (nơi thờ cá Ông, tức cá Voi). Đây là lễ hội cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, trời êm biển lặng, biển được mùa tôm cá của ngư dân địa phương. Nét đặc sắc trong Lễ hội Cầu ngư ở xã Nhơn Hải ngoài Đội múa gươm hầu thần, còn có hát múa Bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật trong Lễ hội Cầu ngư.
Nói về Đội Bả trạo của xã, ông Trần Kim Thông, Đội trưởng, cho biết: “Lực lượng diễn viên trong Đội đa số là con em trong xã, chủ yếu là ngư dân và một số đang làm ở các ngành nghề, cùng tập hợp lại luyện tập. Chỉ mới hoạt động được 3 năm nhưng Đội vinh dự được tham gia Chương trình khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh Bình Định, lần thứ XI - 2014 tổ chức tại TP Quy Nhơn”.
Hiện nay Đội Bả trạo xã Nhơn Hải có 23 thành viên, gồm: Tổng sanh, tổng thương, tổng lái, 2 người cầm lồng đèn, 2 bộ hổ và 16 trạo phách. Để chuẩn bị cho Lễ hội Cầu ngư năm Ất Mùi 2015 của xã, các thành viên của Đội đã tích cực luyện tập. Mặc dù thời gian gấp rút, chỉ có tập luyện vào ban đêm vì ban ngày các thành viên của Đội đều đi làm ở các doanh nghiệp, hoặc đi biển… nhưng nhờ những người tham gia Đội đều có chút ít năng khiếu nghệ thuật, đặc biệt là đam mê hát bội nên đều thể hiện tốt vai diễn.
Anh Trần Văn Hải, ở thôn Hải Nam, chia sẻ: “Năm nay, em và một số bạn là thanh niên trong xã, lần đầu tiên tham gia Đội Bả trạo em thấy rất là vui, vì đã đóng góp một phần công sức để Đội biểu diễn thành công tốt đẹp.”
Lực lượng tham gia Đội Bả trạo xã Nhơn Hải không ổn định. Nhưng được cái, hễ người này đi vắng thì có ngay người khác thế vào. Tất cả cùng chung niềm đam mê được tham gia chút gì đó cho làng xã, đồng thời từ đó phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cư dân miền biển. Có người dù đi làm ăn xa vẫn nhớ về Đội Bả trạo ở quê nhà. Anh Nguyễn Văn Thật, ở thôn Hải Đông trước kia là thành viên của Đội nay làm việc tại Malaysia, qua email, bộc bạch: “Tham gia Đội Bả trạo xã từ lúc thành lập, gắn bó với anh em tập luyện và biểu diễn trong các lễ hội. Năm nay, vì điều kiện đi làm ăn xa, không được tham gia trong Đội cũng thấy tiếc. Ở ngay quê nhà thì thấy cũng bình thường, nhưng khi đi xa rồi, nhớ nghĩ nhiều lại thấy nghi lễ bả trạo rất hay. Lễ hội cầu ngư nói chung, hát bả trạo nói riêng, giúp tình làng nghĩa xóm thêm đằm thắm, bà con láng giềng vùng ven biển nhờ thế mà đoàn kết với nhau thêm!”.
Nói về Lễ hội Cầu ngư và Đội Bả trạo của địa phương, ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Lễ hội Cầu ngư là nét đẹp văn hóa của ngư dân miền biển. Ba năm trở lại đây, địa phương đã tập trung bảo tồn loại hình nghệ thuật Chèo bả trạo bổ sung vào hoạt động trong Lễ hội Cầu ngư của xã, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo thêm một nét mới đối với Lễ hội này”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Theo các nhà nghiên cứu, “bá” là trăm, “trạo” là chèo, và từ “bá trạo” dùng để chỉ tất cả những người bạn chèo (cũng có người cho rằng phải viết là “Bả trạo”, với nghĩa: bả là nắm chắc). Bả trạo là một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: Chèo thuyền, đánh lưới, những khó khăn khi ngư dân ra khơi như gặp giông bão… hoặc đặc tả cảnh đưa rước linh hồn “Nam Hải thần ngư” về lăng trong những ngày lễ hội qua những câu hát theo làn điệu hò khoan.
Ngoài ý nghĩa biểu dương công đức cũng như tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với cá Ông, nghệ thuật hát múa Bả trạo còn mang một nội dung khác, đó là thể hiện những tâm tư, tình cảm của ngư dân trước cuộc sống đầy thách thức giữa biển cả. Đồng thời, phản ánh ước vọng cuộc sống an lành, no đủ của cộng đồng ngư dân miền biển.