Dấu ấn của những công trình VNDG Bình Định
Có thể nói không ngoa rằng, chưa bao giờ, ở lĩnh vực văn nghệ dân gian (VNDG), các hội viên Chi hội VNDG Bình Định (Hội VNDG Việt Nam) lại bội thu về công trình như năm năm vừa qua. Với 19 hội viên, Chi hội có 19 công trình VNDG trình làng - một con số ấn tượng. Trong đó, có nhiều công trình đoạt giải cao của Hội VNDG Việt Nam trao hàng năm và được xét nhận giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu…
Đầu tiên, phải kể đến tập sách “VNDG Bình Định- Tác giả, tác phẩm” (Nxb Khoa học xã hội, 2010). Có thể nói, đây là “tập đại thành” các công trình của của 20 hội viên trong chi hội VNDG Bình Định (kể cả hội viên đã mất và chuyển sinh hoạt) lần đầu tiên được công bố. Có được tập sách này là sự nỗ lực của Chi hội, của Ban biên tập mà đặc biệt là sự hỗ trợ kinh phí của Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định. Tập sách đề cập đến hầu hết những lĩnh vực văn nghệ dân gian ở Bình Định, từ lễ hội như Đổ giàn- một lễ hội dân gian đặc sắc của miền đất võ Bình Định (Phạm Cao Viết Hiền) đến các loại hình nghệ thuật dân gian như Vì sao sân khấu bài chòi có thêm làn điệu, bài ca (Nguyễn Kiểm), Làng tuồng ở Bình Định (Võ Sĩ Thừa); từ âm nhạc dân gian như Tìm hiểu âm nhạc dân gian trong âm nhạc tuồng (Đào Duy Kiền) đến văn học dân gian như Thử tìm hiểu một vài đặc điểm về văn học dân gian miền biển Bình Định (Trần Xuân Toàn), từ văn hóa một miền quê như Đi tìm hình bóng cảng thị Nước Mặn thuở phồn vinh (Nguyễn Xuân Nhân) đến những phong tục, tập quán cụ thể của người dân Bình Định như Nhuộm răng, ăn trầu- một cách làm đẹp của người Bình Định xưa (Mai Thìn)… Đây là nét phác thảo chân dung văn nghệ dân gian Bình Định mà sau này, nếu có điều kiện, các hội viên sẽ đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu để hình thành nên những công trình chuyên sâu, dày dặn hơn.
Nhiều công trình khác của hội viên đã đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể của VNDG Bình Định. Trong đó, văn hóa dân gian ở những vùng đất được các hội viên chú tâm nghiên cứu. Võ Ngọc An tìm hiểu về Văn hóa các xã bãi ngang, Mai Thìn viết về xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn qua công trình Văn hóa dân gian làng ven thành. Nguyễn Phúc Liêm - Châu Minh Hùng tìm hiểu về Văn hóa dân gian làng Gò Bồi. Văn hóa dân gian huyện Hoài Nhơn của Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng là công trình được giải của Hội VNDG Việt Nam. Để thực hiện công trình Văn hóa dân gian Cù lao Xanh, hội viên Nguyễn Xuân Nhân, dù tuổi đã ngoài 80, vẫn tự mình ngồi thuyền thúng, bấm máy ảnh, trực tiếp đi điền dã tại xã đảo này 4-5 lần. Trước đấy, để hoàn thành công trình Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền (Nxb Khoa học xã hội, 2010), tác giả Nguyễn Xuân Nhân phải bỏ gần 5-7 năm trời điền dã, nghiên cứu tài liệu.
Nghiên cứu về một thành tố văn hóa dân gian hay văn hóa dân gian của một tộc người ở Bình Định cũng là một thế mạnh của các nhà nghiên cứu VNDG ở Bình Định. Văn hóa người Chăm Hroi ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định của Nguyễn Xuân Nhân - Đoàn Văn Téo (Nxb Văn hóa dân tộc, 2013) cho ta cái nhìn toàn diện về văn hóa của một trong những tộc người (Chăm Hroi) ở Bình Định. Lễ hội dân gian (lễ hội của người Bana Kriem và Chăm Hroi; lễ hội cầu ngư miền biển) thu hút sự nghiên cứu của các hội viên Yang Danh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Xuân Nhân. Với văn hóa dân gian tộc người, các nhà nghiên cứu Yang Danh, Nguyễn Văn Ngọc đã tìm hiểu về cồng chiêng, đám cưới, cây cúng… trong văn hóa Bana Kriem. Văn hóa dân gian làng nghề như làng nghề rèn Phương Danh, các làng nghề khác ở An Nhơn là mối quan tâm tìm hiểu của Đinh Bá Hòa. Công trình Nghề đánh cá thủ công của ngư dân Hoài Nhơn (Trần Xuân Toàn - Trần Xuân Liếng, Nxb Thời đại, 2013) đã góp phần vào việc nghiên cứu văn hóa dân gian miền biển Bình Định - một mảng đề tài đầy tiềm năng nhưng hiện vẫn còn thưa vắng công trình nghiên cứu.
Nhóm công trình về ngữ văn dân gian cũng là một thành tựu của hội viên chi hội trong 5 năm qua. Nguyễn Phúc Liêm - Châu Minh Hùng đã xuất bản công trình Ca dao, hò, vè mang sắc thái Bình Định; Nguyễn Xuân Nhân bổ sung và tái bản sách Văn học dân gian Tây Sơn và Truyện cổ thành Đồ Bàn- vịnh Thị Nại; Nguyễn Quý Thành đoạt giải A với công trình Cấu trúc ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt nhìn từ góc độ văn hóa…Tập sách Câu hò bên sông Côn (Nxb Đà Nẵng, 2010) được xuất bản là cố gắng lớn của nhà nghiên cứu Hà Giao và Lê Trần Tỵ, vì đây là sách tự bỏ kinh phí để in.
Chỉ riêng việc tìm hiểu, nghiên cứu về Chàng Lía - một nông dân Bình Định đứng lên chống ách áp bức, tham tàn, với hành động nghĩa hiệp “cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo”, tạo tiền đề cho những cuộc khởi nghĩa nông dân sau này ở Đàng Trong - được nghiên cứu dưới góc nhìn văn hóa dân gian đã có hai cuốn sách được xuất bản. Cả hai công trình đều có giá trị, bổ sung cho nhau. Nếu Vè chàng Lía (Trần Xuân Toàn - Đặng Thị Bích Ngọc, Nxb Thanh Niên, 2010) tìm hiểu chàng Lía thông qua tác phẩm văn học dân gian là bài vè chàng Lía phổ biến ở Bình Định và vùng Nam Trung Bộ thì Chàng Lía - từ góc nhìn văn hóa dân gian (Trần Thị Huyền Trang, Nxb Văn hóa Thông tin, 2014) lại tiếp cận nhân vật chàng Lía ở góc nhìn rộng hơn - góc nhìn văn hóa dân gian, xem xét Lía trong mối quan hệ đa chiều gắn với môi trường xã hội lúc bấy giờ.
Công trình Một số phương pháp điền dã sưu tầm văn học dân gian (Trần Xuân Toàn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011) cũng nhằm trang bị những kiến thức, công cụ cần thiết cho người nghiên cứu, sưu tầm khi đi điền dã tìm hiểu về văn học dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung.
19 công trình được xuất bản là dấu ấn lớn trong hoạt động sưu tầm, nghiên cứu của các hội viên Chi hội VNDG Việt Nam tại Bình Định mà người viết không thể điểm qua hết. Có được thành tựu trên, trước hết phải kể đến công của, mồ hôi, trí tuệ của bản thân các nhà nghiên cứu. Chẳng hạn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, tuổi đã cao, ngoài 80, vẫn nhiệt huyết với văn hóa dân gian tỉnh nhà, không kể gì sóng gió trùng khơi, đèo cao suối sâu, lúc lên vùng núi cao, lúc xuống biển đảo, đi điền dã, miệt mài sưu tầm, nghiên cứu… Tuy nhiên, phải nói cho thật lòng, trong điều kiện tài chính còn hạn hẹp, cá nhân các nhà nghiên cứu không thể xuất bản sách theo phương thức tự lo. Nếu không có sự hỗ trợ của Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định thì một số công trình sẽ không có điều kiện ra mắt bạn đọc. Đặc biệt, Dự án “Công bố và phổ biến tài sản văn hóa - VNDG các dân tộc Việt Nam” do duyệt, Hội VNDG Việt Nam chủ trì đã là “bà đỡ” cho rất nhiều công trình của hội viên Chi hội. Dự án có Hội đồng thẩm định chất lượng công trình, Chính phủ tài trợ kinh phí xuất bản và sách được phát hành rộng khắp… Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với VNDG là niềm vui, tạo động lực cho những người sưu tầm, nghiên cứu VNDG cả nước nói chung và Bình Định nói riêng.
Tháng 4.2015
KHẢ XUÂN