Sóng vẫn hát lời yêu thương
Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa Nguyễn Thanh Tân bảo, trên thế giới này, hầu như bệnh viện phong nào cũng nằm cạnh biển, hay ít ra là gần sông. Chẳng biết nước có thật sự làm bệnh nhân phong bớt đau không, nhưng tôi vẫn đồ rằng, những con sóng suốt ngày rì rào ca hát kia sẽ mang lại những phút giây thanh bình cho cuộc đời lắm nỗi nhọc nhằn của họ.
Khu nội trú của cơ sở 2 Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa hiện có 200 bệnh nhân, cùng với đó là gần 500 bệnh nhân nhẹ hơn sống ở làng phong Quy Hòa. Trưởng phòng Điều dưỡng Huỳnh Công Ai cho hay, gần như 100% bệnh nhân phong điều trị nội trú không có người thân thăm nuôi, từ điều trị đến chăm sóc đều cậy vào nhân viên y tế.
Lặng lẽ kiếp người
Khoa Lão của Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa nằm cách xa khu hành chính, lọt thỏm giữa những căn nhà nhỏ của cư dân làng phong. Đây là khoa có lượng bệnh nhân đông nhất, chẳng mấy khi dưới con số bảy mươi. Lọm khọm. Lẩn thẩn. Quờ quạng. Quặt quẹo. Sống ở thế giới ấy dẫu chỉ một ngày, dễ chừng cũng đủ khiến ta thấy cõi đời sao mà buồn bã.
Người tôi gặp đầu tiên là một cụ bà ngồi gọn lỏn trên chiếc ghế - xe lắc (chẳng thể nào gọi đích xác phương tiện ấy). Bà di chuyển bằng cách lắc lắc tấm ván cố định trên 4 bánh xe, loanh quanh giữa phòng, bởi đôi mắt nhờ đục không thể khép lại khiến bà chẳng thể nhìn rõ thứ gì xa quá đôi ba mét. Bà tên Nguyễn Thị Bốn, quê ở Tuy Hòa, Phú Yên. 20 tuổi, bà đã ra Quy Hòa chữa bệnh phong. Bệnh giảm, bà có chồng, 2 đứa con. “Rồi bệnh trở, tui lại vào đây sống tiếp. Mai mốt chết thì chôn ở đây luôn”, bà trệu trạo nói mà nhẹ như không. Trên đầu giường của bệnh nhân 88 tuổi ấy có bát nhang và 3 di ảnh. Bà bảo, đó là chồng, con trai và cô ruột. Người đi đâu hồn theo đó.
Bà kể, đứa con trai nhỏ lưu lạc tận “xứ đá banh gì đó” (anh Ai “chú thích” là Brasil), có 3 đứa con rồi, nhưng làm ăn khổ lắm. Vài ba năm có chút tiền, nó mới về thăm bà một lần. Chứ đâu được sung sướng như bà Lâu kia, năm nào cũng có con cháu vào thăm.
Bà Lâu đó là Huỳnh Thị Lâu, quê ở Phù Cát, năm nay cũng sắp 80. Bà sống ở Quy Hòa hơn 20 năm có lẻ. Vậy nhưng, đến giờ chân trái vẫn lở loét, 2 ngón giữa co rút, cần có người chăm sóc. “Vậy mà mỗi bữa ăn hết chén cơm đầy. Hôm nào khỏe hơn còn chống nạng đi dạo được đấy chứ”, bà khoe.
Nạng nép cạnh giường. Dọc hành lang là xe lăn, xe lắc. Người già yếu, lại thêm tàn tật cụt chân tay, nên chẳng có ai tự đi lại được. Nằm mãi cũng chán, các cụ ông tụ tập đánh cờ tướng - thú tiêu khiển phổ biến ở đây. Phía sau dãy phòng bệnh, mỗi bàn đá là một bàn cờ tướng. Những tiếng cười xen lẫn tiếng ho khục khà khục khặc chẳng đủ làm xao động buổi sớm bình yên.
Là con, là cháu
Bên cạnh các cụ già, đối tượng điều trị nội trú của Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa còn có bệnh nhân phong mới, phản ứng phong, bệnh nhân đa hóa, da liễu trên bệnh nhân phong. Khoa Phong hiện có 27 bệnh nhân, hầu hết tự phục vụ được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, không vì thế mà các điều dưỡng, hộ lý có thể lơ là. Ngoài cho uống thuốc đúng giờ, nhân viên y tế còn phải trực tiếp bôi thuốc lên các vết thương hở.
“Nghiêm trọng nhất là bệnh nhân phản ứng loại 2, thường sốt li bì, phải theo dõi đề phòng nguy cơ tàn tật. Nhiều bệnh nhân bị sưng đau các dây thần kinh, lở loét, phải làm vệ sinh liên tục”, Điều dưỡng trưởng khoa Phong Mai Thị Thu Hà cho biết.
Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa có 150 điều dưỡng, một nửa trong số đó làm việc tại cơ sở 2 ở Quy Hòa. Song, góp công nhiều trong quá trình chăm sóc bệnh nhân phong là lực lượng hộ lý, y công. Điểm khác biệt làm nên đặc trưng của các nhân viên y tế ở nơi đây là nhiều người từng là bệnh nhân phong, hoặc là con em của người bệnh phong.
Năm nay 52 tuổi, nhưng ông Phan Cường đã gắn đời mình với Quy Hòa 34 năm. Năm 1981, ông rời Huế vào Quy Hòa chữa bệnh. Một năm sau thì khỏi, chàng trai ấy quyết định ở lại, xin phục vụ chăm sóc bệnh nhân phong. Chung một con đường, người anh trai của ông - ông Phan Thuận cũng đang hằng ngày chăm sóc những người chung cảnh ngộ.
Công việc hằng ngày của ông Cường là vệ sinh ngoại cảnh, quét dọn từng ngõ ngách, chăm chút cho từng khóm cây. Mỗi khi có bệnh nhân trở nặng, ông lại đưa họ từ nhà đến phòng điều trị. “Có nhà ở đây nên cũng tiện cho công việc. Nửa đêm gà gáy, cứ có người gọi là tôi xách xe đi liền. Mình cũng từng mắc bệnh, nên biết cách chăm sóc tốt hơn”, ông chia sẻ.
Không chỉ quen việc vì từng chăm sóc cha mẹ hằng ngày, hộ lý của khoa Lão Nguyễn Thị Đào cũng không có cảm giác “ghê ghê” khi tự tay chăm sóc các cụ mắc bệnh phong nặng. Tận mắt chứng kiến cảnh chị Đào làm vệ sinh cho cụ Nguyễn Thị Ậm mới thấy hết sự vất vả của những người hộ lý nơi đây. Chiếc giường sắt có lỗ ở giữa để tiện vệ sinh. Thanh chắn của giường không đủ, phải độ chế thêm thanh gỗ giằng ngang, để bệnh nhân 87 tuổi này không bị rơi xuống nền nhà. Cụ già nhỏ thó nằm khoanh tròn nơi góc giường. Đôi chân chỉ tới gối, bàn tay không còn ngón.
Gọi mãi bà cụ chẳng động đậy, chị Đào phải len tay xuống vai, dựng người bà dậy. Lấy chiếc khăn ướt mang theo, chị tỉ mẩn lau mặt, nhẹ nhàng khi chạm đến vùng mắt. Lau mặt mấy lượt, chị lau người, rồi thay quần áo cho cụ. Thấy tôi nhìn chăm chăm về góc phòng, nơi có bình nước nóng treo sẵn, chị giải thích: “Nhiều cụ yếu quá, không thể đưa ra đến nhà tắm, nên phải tắm ở đây luôn”.
Già yếu, chẳng thể tự mình làm gì cả, nhưng lại lẩn thẩn nên thỉnh thoảng cụ Ậm lại chửi um lên. “Không chỉ chăm sóc tận tình, những nhân viên y tế ở đây còn như con, cháu, hết mực chiều lòng ông bà”, cô y sĩ trẻ Trần Thị Hoàng Oanh tâm sự. Sinh ra ở Quy Hòa, ba cũng là bệnh nhân, nên dù mới 22 tuổi, Oanh cũng sẵn sàng chăm các cụ ngay cả những phần việc chẳng lấy gì là sạch sẽ như thay băng, vệ sinh vùng lở loét…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tân cho biết, bệnh viện luôn tạo điều kiện về học tập và việc làm cho bệnh nhân phong và con cái của họ. Đáp lại, những người được nhận vào làm việc đều hết lòng hết sức. “Dù sự kỳ thị về bệnh phong không còn nhức nhối như trước đây, nhưng khó mong chờ một người ở nơi khác đến có thể chăm sóc bệnh nhân phong như con cái trong nhà. Những nhân viên y tế đặc biệt này thật sự góp công lớn vào công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân”, bác sĩ Tân khẳng định.
Trăn trở
Cơ sở Quy Hòa hiện có 3 bếp ăn, trong đó có 2 bếp ăn dành cho bệnh nhân. Mỗi ngày có 3 ca nấu nướng, ca sáng bắt đầu từ lúc 3 giờ 30. Lê Thị Bốn, nhân viên của khoa Dinh dưỡng, cho hay: “Phải dậy sớm để nấu nước sôi, chuẩn bị cháo hoặc bánh canh cho bữa sáng. Cũng may em được Bệnh viện bố trí cho ở nhà tập thể, chứ không…”. Cô gái quê Thanh Hóa bỏ lửng câu nói, bảo công việc của nhà bếp thì có gì đáng để kể đâu.
Cái khổ của những người làm việc ở bếp ăn không chỉ ở công việc lắc nhắc cả ngày, quanh năm chỉ có khói bếp mắm muối. Ngoài các khoản từ thiện được chia, định mức ăn của mỗi bệnh nhân chỉ 10.000 đồng/ngày. “Giá cả tăng vùn vụt, không cần người đi chợ cũng biết nhiêu đó chẳng thấm tháp gì. Vậy mà còn phải tính làm sao có canh có thịt, thay món đổi cách nấu để các cụ ngon miệng”, vừa mạnh tay đảo nồi thịt ba chỉ kho, chị Ngô Thị Phước Diễm, nhân viên nhà bếp khoa Lão, vừa tỉ tê.
Tất cả bệnh nhân phong đều được miễn phí điều trị, chăm sóc. Thời gian gần đây, khi các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm gần hết, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa phải đau đầu tìm bài toán cải thiện đời sống cho bệnh nhân. “Vừa rồi, Hội đồng bệnh nhân đề xuất tăng mức ăn. Chúng tôi thống nhất, đang tính toán nâng mức hỗ trợ tiền ăn hằng ngày, dự kiến khoảng 15-20% tùy theo tình trạng bệnh. Những người già yếu sẽ tăng, còn ai có thể làm việc được thì khuyến khích lao động tăng gia sản xuất, chứ không thể trông chờ mãi vào nguồn bao cấp được”, bác sĩ Nguyễn Thanh Tân chia sẻ.
Tôi hiểu, đằng sau những sẻ chia đó là trăn trở lớn của các y bác sĩ nơi đây. Làm sao để những con người bị bệnh tật giày vò kia được chăm sóc tốt nhất và không có cảm giác bị bỏ rơi. Tạo điều kiện cho họ lao động cũng chính là cách để họ thấy mình vẫn có ích. Với chính bản thân mình và những người cùng cảnh ngộ.
Suy cho cùng, đó cũng là một cách yêu thương.
NGUYỄN VĂN TRANG