Cát Sơn bí ẩn
Ghi chép của TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
Chúng tôi lại lên đường, mỗi tuần mỗi chuyến đi, dù nắng dù bụi vẫn thích đi, hòa vào thiên nhiên, cảm nhận bầu khí quyển quanh mình đang chuyển động.
Như tên gọi của nó, Cát Sơn là vùng đất lấy núi làm đặc sản, án ngữ ở chóp Tây Nam huyện Phù Cát, phía Nam giáp Cát Lâm, phía Đông giáp Mỹ Hòa huyện Phù Mỹ, phía Bắc giáp Ân Nghĩa huyện Hoài Ân, phía Tây giáp hai huyện Vĩnh Thạnh và Tây Sơn. Đó là nói về địa lý, còn theo mắt thường, thì Cát Sơn phía Tây giáp… núi, để rồi núi nối liền với trời cao.
Một góc hồ Hội Sơn
Cái tên núi Ngà Voi gợi lên trong bạn điều gì? Hai ngọn núi sóng đôi sừng sững và vút cong ư? Không phải. Theo những truyền thuyết lấm lem bùn đất, tôi được nghe rằng ẩn sâu trong rặng núi phía Tây Cát Sơn nối liền với sơn mạch Tây Nguyên hùng vĩ, có một hang động khuất tịch giữa rừng già, voi rừng trước khi chết về trút ngà ở đấy. Viễn cảnh giàu có đã thu hút bao nhiêu người vượt nỗi sợ sệt ma thiêng nước độc, đi về phía mặt trời lặn để săn lùng ngà voi. Và những lời đồn đãi lan rộng trên miệng thế gian không hồi kết.
Có một truyền thuyết mới về Cát Sơn trong thế kỷ XX, rằng đó là miền anh hùng cứ địa. Núi vươn mình che chở những người đi ngược chiều với dân săn ngà voi. Họ là những chàng trai theo dãy Trường Sơn từ miền Bắc vào trú giữa núi sâu, âm thầm chuyển động về phía mặt trời mọc. Chuyển động về phía mặt trời mọc nhưng họ phải đi đêm để qua mắt quân thù. Theo chân giao liên những đêm tối trời, họ trải nilon băng qua Quốc lộ, đi đến đâu cuốn nilon đến đấy. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” đã trở thành yếu quyết sinh tồn của quân giải phóng.
Tôi vẫn còn tìm thấy những khuôn bếp bằng đất nặn đã bạc màu trắng phớ trong các ngách đá trên Hang Chàng Lía, tại Hòn Một xã Cát Trinh. Đó là dấu vết còn lại của những cánh quân giải phóng từ phía Tây băng đường về đây trú ẩn rồi dần dần chiếm lĩnh những vị trí trọng địa khác của Núi Bà, bền bỉ nối với dân, tổ chức đánh địch thất điên bát đảo. Từ trong lòng những ngọn núi xanh từ Tây sang Đông Phù Cát, họ đã trỗi dậy như sấm chớp, cùng quân dân địa phương làm nên kỳ tích lịch sử tháng 3 năm 1975.
Nếu đi từ ngã ba Chùa Vàng đi về phía Tây, qua khỏi Cát Lâm là bắt đầu địa phận Cát Sơn, con đường bê-tông rộng rãi băng qua một ngôi chợ trù phú họp buổi sáng hàng ngày. Gần chợ, xúm xít những xóm nhà tỏa hơi thở thị tứ với mươi quán tạp hóa; vài quán ăn vừa bún vừa bánh tráng trứng vịt; vài tủ kem lạnh, đồ chơi trẻ em; vài hiệu sửa xe; vài xe nước mía; cơ sở ép dầu phộng… rồi chuyển dần từ nhộn nhịp sang trầm tĩnh với các ngôi nhà vườn rộng rãi.
Nhà vườn Cát Sơn được xây kiên cố trên đất, kiến trúc tương tự các vùng quê khác của Bình Định, nhưng lại khiến người ta ngạc nhiên vì những tường rào cổng ngõ vượt hẳn ngôi nhà về quy mô và độ sang trọng.
Ngồi khiêm tốn sau lưng chồng trên yên chiếc xe máy cà tàng, thả mắt qua những cổng trụ lợp ngói vảy cá, những dãy tường rào, tôi nhẩm tính số cột quây thành chu vi của mỗi khuôn tường dễ thường xây được một cái nhà to gấp ba ngôi nhà hiện có trên mặt đất. Vậy thì, cái cần được bờ tường ấy bảo vệ không chỉ có ngôi nhà, mà bao gồm đất (hiển nhiên), và những giọt vàng đang hoài thai trong đất. Những túi vàng ấy của Cát Sơn, tôi và bạn sẽ khui vào một dịp khác, như kiểu người tiền sử chỉ chẹt đá đánh lửa khi đã có gạo và mồi.
Bây giờ tiếng ve đã ran trong những vòm cây trường tiểu học, mà đích đến - hồ Hội Sơn - theo bảng dẫn đường còn mấy cây số nữa. Một thôn dân nheo mắt cười cười: Ở tận kia kìa, sát núi.
Dưới chân núi, hồ Hội Sơn thanh thản những con thuyền mảnh mai gối đầu trên bến bãi. Chúng tôi vừa đặt chân lên bãi đất ven hồ, hàng trăm chiếc quạt tí hon vụt xòe ra sáng một góc trời. Tôi không ghìm được một tiếng reo kinh ngạc: Bướm xanh! Dọc đường, bướm vàng, bướm trắng từng đàn rập rờn như sóng, nhưng ở lòng hồ bướm khoác áo voan xanh để hòa trong màu nước, màu cỏ xuân. Tiết Kinh trập rồi đây, sâu bọ hóa thân, vũ trụ trở nên mềm mại thơ ngây trong vô vàn cái chớp cánh và mùi hương mật của bông ổi tàu ngũ sắc, của những cụm hoa mua tím tràn bờ bụi...
Giữa lúc chúng tôi đang cố “đọc” những mùa lũ đã qua trên các ngấn vạch trên thân cột đo mực nước dâng, thì chợt nghe bập bùng nhạc cưới. Nhìn sang bãi đất rộng dưới tán cây già, một nhóm thanh niên nam nữ đang quây quần chia vui với đôi bạn trẻ. Sự kiện quan trọng nhất cuộc đời họ đang diễn ra giữa nơi trời và đất gặp nhau, trước sự chúc phúc của bao người, của núi cao hồ rộng. Màu áo đỏ cô dâu và tiếng hát nồng nàn của chú rể làm nao nức một vùng không gian xanh thẫm và có phần u tịch.
Để người trong cuộc tự nhiên, chúng tôi đứng từ xa trông lại, lòng xao xuyến vui lây. Hãy hạnh phúc nhé đôi bạn trẻ! Một đời người, nghe thì dài, nhưng qua rất nhanh. Chúc các bạn đạt được điều mong ước, con cháu đề huề, và yêu - thật yêu mảnh đất dưới chân mình.
T.T.H.T