Sao lại dùng chai nhựa làm bát hương trên mộ Đào Tấn?
Vừa rồi, tôi có dịp đưa một bạn quê ở tận Long An viếng mộ Danh nhân văn hóa, hậu tổ tuồng Đào Tấn trên núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước. Đây là nơi trước khi qua đời, bậc hậu tổ tuồng đã ước nguyện: "Mai sơn tha nhật tàng Mai cốt/Ứng hữu mai hoa tác mộng hồn!" (Núi Mai rồi gửi xương Mai nhé/Ước mộng hồn ta hóa đóa mai).
Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là tại khu mộ Danh nhân văn hóa Đào Tấn, từ chân núi Huỳnh Mai đi lên, không có một dịch vụ gì cho du khách như bán hương hoa cho khách lên viếng mộ, hay chỗ cho khách để xe… Điều đáng nói hơn là khi lên thắp hương cho cụ, chúng tôi không biết cắm nhang vào đâu. Trước bia mộ Danh nhân văn hóa Đào Tấn, thay vì một bát hương cho tử tế, chỉ có một… chai nhựa (ảnh).
Gần đây, tỉnh vừa tổ chức Hội thảo Xúc tiến đầu tư du lịch Bình Định mà mục tiêu chính vẫn là để ngành du lịch tỉnh nhà phát triển xứng với tiềm năng và cơ hội. Nhưng để phát triển du lịch, hãy quan tâm đầu tư ngay từ việc nhỏ như một chiếc lư hương cho ngôi mộ một danh nhân văn hóa.
Cũng cần nói thêm, nhiều chi tiết khác trong chuyến đi cũng khiến bạn tôi - một du khách - không khỏi phiền lòng. Chẳng hạn, đến Bảo tàng Quang Trung, chiếc cổng đóng im ỉm vì đang giờ nghỉ trưa; muốn vào khu Thành Hoàng Đế phải đi qua một con đường đầy mùi rác thải…
Những điều tuy nhỏ nhặt nhưng xem ra ảnh hưởng lớn đến ấn tượng về du lịch Bình Định.
BẢO HOÀNG
Tôi chẳng hiểu ban quản lý Khu di tích này đang hoạt động như thế nào và có khoản phụ cấp không mà tắc trách vậy? Để Bình Định kinh doanh phát triển được "nghề Không Khói" này thì nên loại trừ những vẫn đề phát sinh này ra thì may ra mới tốt được.
Một danh nhân văn hóa nghệ thuật tuồng của quốc gia các tỉnh bạn thèm thồng mà không có,mà ta lại lơ là ,ứng xử vô cảm