Những nỗ lực nghiên cứu văn hóa dân gian Bình Ðịnh
Trong 5 năm hoạt động ở nhiệm kỳ III (2010 - 2015), hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam tại Bình Ðịnh đã cho ra đời 19 công trình, trong đó có nhiều công trình chất lượng được ghi nhận bằng những giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam, Giải thưởng Ðào Tấn - Xuân Diệu về văn học nghệ thuật của tỉnh. Thành tích này phản ánh hiệu quả hoạt động nghiên cứu VNDG ở Bình Ðịnh, cũng như nỗ lực của những người lặng lẽ “nhặt vàng rơi trong dân gian”.
1.
Trong các công trình VNDG mà hội viên Chi hội VNDG Việt Nam tại Bình Định đã dày công sưu tầm điền dã, nghiên cứu và xuất bản, phổ biến trong vòng 5 năm có thể liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu như: Tuyển tập Văn nghệ dân gian Bình Định - tác giả, tác phẩm của 18 hội viên và 2 cộng tác viên (năm 2010); Văn hóa làng Gò Bồi của Nguyễn Phúc Liêm - Châu Minh Hùng; Nghề rèn Phương Danh của Đinh Bá Hòa; Vè Chàng Lía của Trần Xuân Toàn - Đặng Thị Bích Ngọc; Nếp sống cổ truyền của người Chăm ở huyện Vân Canh và Văn hóa người Chăm ở huyện Vân Canh của cùng tác giả Nguyễn Xuân Nhân (năm 2011); Văn hóa xã hội Bình Định, Các làng nghề An Nhơn, Bình Định” (in chung) của Đinh Bá Hòa; Núi Chúa hòn Ông của Đoàn Văn Téo, Câu hò bên sông Côn của Hà Giao- Lê Trần Tỵ (năm 2012); Chàng Lía từ góc nhìn văn hóa dân gian của Trần Thị Huyền Trang…
Bên cạnh những công trình đã xuất bản, Chi hội VNDG Việt Nam tại Bình Định còn có 4 công trình khác mà trong năm 2014 đã ký hợp đồng xuất bản với Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, VNDG các dân tộc Việt Nam. 4 công trình này gồm: Ca dao Việt Nam 1945 -1975; Ngôn ngữ văn hóa dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương của Trần Xuân Toàn; Cấu trúc cú pháp ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt nhìn từ góc độ văn hóa ngôn ngữ của Nguyễn Quý Thành; Văn hóa cổ truyền của người Hre ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định của Nguyễn Xuân Nhân. Các công trình này khi được xuất bản, công bố tiếp tục làm phong phú thêm hoạt động nghiên cứu VNDG trong tỉnh.
2.
Qua hơn 20 công trình VNDG đã và sẽ phổ biến trên, có thể thấy, đề tài, lĩnh vực, các loại hình, loại thể văn hóa, VNDG trở thành đối tượng nghiên cứu của các tác giả là rất phong phú, đa dạng. Có công trình đi sâu vào những lĩnh vực cụ thể của VNDG Bình Định ở một vùng đất (như các công trình: Văn hóa làng Gò Bồi, Nghề rèn Phương Danh …); hoặc nghiên cứu nét đặc sắc trong văn hóa dân gian của một số tộc người (đa phần là dân tộc thiểu số miền núi) (như các công trình: Nếp sống cổ truyền của người Chăm ở huyện Vân Canh, Văn hóa cổ truyền của người Hre ở huyện An Lão…); có tác giả chọn ngữ văn dân gian làm đối tượng nghiên cứu (các công trình: Ca dao, hò, vè mang sắc thái Bình Định, Truyện cổ Thành Đồ Bàn - Vịnh Thị Nại, Văn học dân gian Tây Sơn…). Sự đa dạng, phong phú trong đề tài, lĩnh vực nghiên cứu này là điều hết sức đáng mừng và đáng ghi nhận, vì nó cho thấy từng loại hình, loại thể VNDG dù mai một hay đang tồn tại đều được các tác giả - với lợi thế chuyên môn nghề nghiệp, đam mê, năng khiếu, sở trường riêng - đặt tâm huyết, bỏ công sức để tìm tòi, góp nhặt, nghiên cứu. Và như vậy, VNDG Bình Định - từ sự giàu có, đặc sắc trong tồn tại ở đời sống, qua rất nhiều “lăng kính” nghiên cứu - trở nên đầy đủ, sâu sắc hơn.
3.
Không chỉ nhiều về số lượng và đa dạng về đề tài, lĩnh vực nghiên cứu, mà hơn hết là ở nội dung, chất lượng các công trình, những người làm công tác nghiên cứu VNDG Bình Định đã chứng tỏ “bút lực” của mình. Tiêu biểu như công trình “Cấu trúc cú pháp ngữ nghĩa của tục ngữ tiếng Việt nhìn từ góc độ văn hóa ngôn ngữ” của tác giả Nguyễn Quý Thành, có độ dài 4.000 trang, đã đoạt giải A giải thưởng Hội VNDG Việt Nam. Đằng sau mỗi công trình là công sức và tâm huyết của từng tác giả. Chặng đường 5 năm đã ghi nhận nỗ lực của một số tác giả khi liên tục công bố công trình mới, như Nguyễn Phúc Liêm, Nguyễn Xuân Nhân, Châu Minh Hùng, Trần Xuân Toàn. Trong số này, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân luôn được các thế hệ hậu bối làm công tác nghiên cứu VNDG ở Bình Định xem là tấm gương lao động khoa học cần mẫn, tận tụy. Sức đi, sức viết và bầu nhiệt huyết với di sản VNDG Bình Định của ông thật đáng nể, đáng quý. Ở tuổi trên 80, ông vẫn lặng lẽ đi điền dã hằng tháng trời ở các huyện miền núi Vân Canh, An Lão, ra tận xã đảo Nhơn Châu…, tìm kiếm, góp nhặt, mang “vàng thô” về “mài giũa”, làm nên các công trình VNDG dày dặn.
Tại Ðại hội cơ sở Chi hội VNDG Việt Nam tại Bình Ðịnh nhiệm kỳ IV (2015 - 2020) vừa diễn ra, Chi hội đã bầu ra Ban chấp hành mới gồm 3 người; nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân tiếp tục được bầu làm Chi hội trưởng (liên tục qua 4 nhiệm kỳ), 2 ủy viên là Trần Xuân Toàn và Yang Danh.
SAO LY