Vân Canh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất
Do định cư trên vùng đất có cấu trúc địa chất khắc nghiệt, hàng ngàn hộ dân ở các xã Canh Vinh, Canh Thuận, Canh Liên, Canh Hiệp (huyện Vân Canh) thường phải sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô. Và đó là điều hiện nay đang diễn ra ở địa phương này.
Đến huyện Vân Canh vào những ngày đầu tháng 4 này, vấn đề thiếu nước là câu chuyện thường trực ở mọi nơi, từ công sở cho đến quán xá và trong mỗi gia đình, khiến cho người viết có cảm giác cứ ở đâu có từ hai người trở lên là ở đó sẽ có câu chuyện về nước.
Vào mùa thiếu nước
Theo Phòng NN&PTNT huyện Vân Canh, thì trong 830ha lúa vụ Đông Xuân (2014 - 2015) của toàn huyện hiện đã có đến 125ha lúa bị khô hạn, 154ha có nguy cơ thiếu nước tưới làm ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng; thiệt hại nặng nề nhất là ở xã Canh Vinh.
Công trình cấp nước sinh hoạt chỉ phục vụ được 1.200 hộ dân sinh sống tại 3 địa phương là thị trấn Vân Canh, xã Canh Hiển, xã Canh Hiệp với công suất thiết kế là 1.400m3/24 giờ; nhưng mùa khô nguồn nước sụt giảm trầm trọng.
- Trong ảnh: Phòng điều khiển Nhà máy cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh.
Thật ra, huyện Vân Canh có 8 hồ chứa nước lớn nhỏ, 1 đập dâng với dung tích chứa thiết kế khoảng 7,5 triệu khối nước. Nhưng hiện nay lượng nước tại các hồ chứa chỉ đảm bảo tưới đủ cho chừng 342 ha lúa vụ Đông Xuân (hơn 1/3 tổng diện tích) và một phần cho vụ Hè Thu. Diện tích lúa còn lại phải nhờ vào nước trời mưa.
So với nhiều năm trước, lượng nước mưa bổ sung năm vừa qua quá ít nên lượng nước tích trữ trong các hồ chứa đạt thấp. Anh Đoàn Văn Lam, một người dân ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên, tiếc nuối: “Vụ lúa Đông Xuân năm nay nhà tui coi như mất trắng vì 5 sào lúa nước của gia đình đang thời kỳ trổ bông bị khô hạn nghiêm trọng. Tôi đã đào ao, khai mương ở các khe suối dẫn nước về tưới cho cây lúa nhưng cũng không ăn thua gì!”. Hay như trà lúa sớm của gia đình anh Ngô Đức Thọ, ở thôn 4, xã Canh Hiệp chỉ cho năng suất khoảng 43 tạ/ha; năng suất bình quân lâu nay là 60 tạ/ha, cũng chỉ vì thiếu nước tưới.
Không chỉ thiếu nước sản xuất, việc thiếu nước sinh hoạt cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương. Theo Công ty Cổ phần tổng hợp Vân Canh, là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành và quản lý công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, hiện công trình cấp nước sinh hoạt chỉ phục vụ được cho 1.200 hộ dân sinh sống tại 3 địa phương là thị trấn Vân Canh, xã Canh Hiển, xã Canh Hiệp với công suất thiết kế là 1.400m3/24 giờ. Nhưng đến lúc đỉnh điểm của mùa nắng nóng, lượng nước sinh hoạt cung cấp cho các hộ gia đình giảm mạnh.
Ứng phó thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Văn, Giám đốc Công ty này, lý giải: Nguyên nhân dẫn đến việc không cung ứng đủ nước sinh hoạt cho người dân là do nước suối Phướn (làng Đắc Đâm, thị trấn Vân Canh) - nguồn nước tự nhiên giữ việc cấp nước cho nhà máy xử lý nước sinh hoạt đã dần cạn kiệt theo những ngày nắng mỗi lúc một lớn hơn. Chưa kể, giếng đào ở thôn Thịnh Văn 2 (thị trấn Vân Canh) được Nhà nước đầu tư vào năm 2005 với kinh phí 500 triệu đồng cũng không phát huy hiệu quả, đành bỏ hoang.
Ông LANG ĐÌNH BÍNH, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho biết:
Hiện nay, dù đã đóng nhiều giếng khoan nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt phục vụ cho việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại trạm y tế các xã: Canh Liên, Canh Hòa đã trở nên nghiêm trọng. Chúng tôi cũng rất lo lắng bởi việc thiếu nước sinh hoạt sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của người dân địa phương, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da, đường ruột và một số bệnh khác, do phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Được biết, để ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh, cách đây 2 năm UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 1.3.2013 về việc hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện nắng hạn kéo dài, người dân thiếu nước sinh hoạt và chống hạn hán. Đơn cử như hỗ trợ mỗi người trong hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt 20 lít nước/ngày, hỗ trợ chi phí khoan giếng sử dụng nước ngầm 1 triệu đồng/giếng để tưới tiêu cho khoảng 4ha nhằm chống hạn...
Ông Lê Văn Cẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Canh, cho biết: Trước tình trạng khan hiếm nước phục vụ sản xuất, ngành chức năng sẽ chủ động kiểm tra, hướng dẫn các chủ công trình thủy lợi tu bổ, sửa chữa những hư hỏng nhỏ nhằm chống thất thoát, lãng phí nước; nạo vét kênh mương đảm bảo thông thoáng để dẫn nước từ công trình đầu mối đến mặt ruộng. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi, chính quyền địa phương sẽ áp dụng mức hỗ trợ cho người dân theo Quyết định 519 nói trên.
“Về lâu dài, Phòng NN&PTNT sẽ kiến nghị với cấp trên quan tâm, xem xét hỗ trợ kinh phí để xây dựng thêm công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân”, ông Cẩn cho biết thêm. Bài toán giải “cơn khát” cho nhiều khu dân cư và đồng ruộng ở huyện Vân Canh vẫn chưa có kết quả khả quan.
PHÚC LỘC