Giảm chi phí cho thay khớp và nội soi khớp
Trước đây, bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối và nội soi khớp đều phải vào TP Hồ Chí Minh để làm với chi phí rất cao. Từ đầu năm 2013, kỹ thuật này đã được triển khai thường quy ở BVĐK tỉnh, BHYT đã thực hiện thanh toán các dụng cụ phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng và nội soi khớp. Đây là tin vui đối với hầu hết bệnh nhân.
Bà Trần Thị Hương, 92 tuổi, ở Nhơn Khánh, An Nhơn, vừa được thay khớp háng tại Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, BVĐK tỉnh. Ông Ngô Đức Kích, con trai bà Hương, cho biết: “Cách đây gần 1 tháng, khi đang vịn cầu thang đi, mẹ tôi bị tuột tay té xuống, đỡ không kịp dẫn đến chấn thương. Khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán mẹ bị gãy xương khớp háng bên phải, phải mổ để thay khớp háng nhân tạo”.
Cùng đợt phẫu thuật ngày 9.5 với bà Hương là bà Nguyễn Thị Sót, 91 tuổi, ở Nhơn Hòa, An Nhơn. Tuổi cao sức yếu, bà Sót vẫn cố gắng đi lại để không phiền con cháu. Cuối tháng 4.2013, trong một lần tự đi vệ sinh, bà bị té gãy cổ xương đùi, phải nhập viện điều trị.
Đây là 2 trong số nhiều bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp và nội soi khớp tại BVĐK tỉnh. Trước đây, bệnh nhân phải chịu hoàn toàn chi phí thay khớp và nội soi khớp (giá mỗi bộ dụng cụ dùng cho tái tạo dây chằng khớp gối là 25 triệu đồng; mỗi bộ khớp háng nhân tạo bán phần 32 triệu đồng, toàn phần hơn 52 triệu đồng). Từ đầu năm 2013, kỹ thuật này được đưa vào danh mục thanh toán BHYT, bệnh nhân chỉ phải trả mức phí chênh lệch (đối với bệnh nhân đồng chi trả 5% và 20%).
Được giảm chi phí điều trị và đi lại, nên số bệnh nhân phẫu thuật tại BVĐK tỉnh đã tăng lên đáng kể. Trong năm 2012, các bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng thay khớp háng, nội soi khớp gối cho 30 bệnh nhân; từ đầu năm 2013 đến đầu tháng 5, số ca phẫu thuật đã lên đến 18 ca.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, phẫu thuật thay khớp háng thường sử dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi bị gãy cổ xương đùi do các chấn thương rất nhẹ, tưởng chừng như vô hại như trượt chân ngã trong nhà, hay các bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng, khớp gối nặng, một số trường hợp viêm tiêu chỏm, lao khớp háng ổn định… Trong khi đó, phẫu thuật nội soi khớp gối thường sử dụng cho các bệnh nhân trẻ tuổi bị tổn thương dây chằng, rách sụn, thoái hóa khớp gối… dẫn đến đau đớn và hạn chế vận động.
Việc phẫu thuật thay khớp và nội soi khớp giúp bệnh nhân giảm đau, sớm vận động, tránh các biến chứng do nằm lâu. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, khớp háng nhân tạo không thể hoàn hảo như khớp háng của người khỏe mạnh. “Để tránh trật khớp háng nhân tạo, bệnh nhân không được bắt chéo hai chân qua nhau, không gấp háng quá 90 độ, không ngồi xổm”, bác sĩ Trương Kim Hùng, Phó trưởng khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình - Bỏng, lưu ý.
NGUYỄN HOÀNG