Đánh giá hoạt động ngành văn hóa tỉnh giai đoạn 2010 - 2014:
Nhận rõ hạn chế để tìm giải pháp phát triển
Sở VH-TT&DL vừa tiến hành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hoạt động ngành giai đoạn 2010 - 2014. Qua đó, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngành văn hóa trong những năm qua bộc lộ những hạn chế, tồn tại cần được tháo gỡ để đạt kết quả tốt hơn thời gian tới.
Những hạn chế, tồn tại
Đánh giá của Sở VH-TT&DL đã chỉ ra các hạn chế trong hoạt động của ngành nhiều năm qua. Trong đó, nổi rõ là cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VH-TT&DL như Nhà hát tuồng Đào Tấn, Đoàn Ca kịch Bài chòi, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh… ngày càng xuống cấp. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa ở cơ sở còn chắp vá, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Chất lượng phục vụ của nhiều chương trình văn hóa chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc thực hiện chương trình đầu tư, chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích trong các năm qua còn chậm. Kinh phí đầu tư chưa tương xứng với tầm vóc, giá trị di tích; việc quản lý, bảo vệ phát huy tác dụng di tích còn nhiều hạn chế. Một số nơi chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch bảo tồn di tích với quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chưa kết hợp tốt giữa bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử với phát triển dịch vụ, du lịch ở địa phương”.
Về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tuy có phát triển về mặt số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, chưa bền vững. Nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, hoạt động văn hóa còn nghèo nàn. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 108 lễ hội, trong đó có đến 77 lễ hội dân gian. Tuy nhiên, việc phục hồi và phát huy lễ hội dân gian còn mang tính tự phát, chưa khai thác, phát huy đầy đủ giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Hoạt động văn học, nghệ thuật còn một số bất cập trong sáng tác, biểu diễn, phổ biến tác phẩm. Trong triển khai xã hội hóa văn hóa, các hoạt động dịch vụ văn hóa tuy đạt kết quả bước đầu, nhưng những đóng góp về cơ sở hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu những nhà tài trợ lớn. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa ở một số mặt còn bất cập, nhất là việc quản lý các loại hình dịch vụ kinh doanh băng đĩa hình, băng đĩa nhạc.
Kiến nghị và giải pháp
Nhận thức những điểm còn hạn chế, yếu kém trong hoạt động ngành văn hóa giai đoạn 2010 - 2014, Sở VH-TT &DL đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế để đưa sự nghiệp văn hóa phát triển mạnh hơn. Trong đó, kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương ban hành Chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trong tình hình mới, giai đoạn 2016 - 2020 đến từng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm công tác đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích, ưu tiên vốn để hoàn thiện các công trình di tích tiêu biểu gắn với phục vụ phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động trong công tác đầu tư trùng tu tôn tạo di tích, quan tâm hơn nữa việc phối hợp quản lý di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường, tuyên truyền giáo dục quần chúng tham gia bảo vệ di tích.
NSND Hoài Huệ, Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn việc đầu tư cơ sở vật chất cho đoàn sẽ sớm được triển khai, để góp phần động viên các nghệ sĩ, diễn viên nỗ lực hơn trên hành trình bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật truyền thống của tỉnh nhà”.
Xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp của ngành cũng là một trong những “đề nghị trọng tâm” của Sở VH-TT&DL mong tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa. Hiện lãnh đạo tỉnh đã có ý kiến về việc đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Tổng hợp tỉnh gắn với quần thể kiến trúc tại Quảng trường Trung tâm tỉnh. Công trình Nhà hát tuồng Đào Tấn đã có hồ sơ thiết kế cơ sở, và việc xây dựng trụ sở mới cho Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định cũng đã được lập hồ sơ quy hoạch xây dựng.
Sở VH-TT&DL cũng đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển hoạt động ngành văn hóa năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, cũng như các địa phương, ban ngành liên quan: “Cần xác định dự án, công trình văn hóa trọng điểm cần ưu tiên thực hiện hằng năm. Trong quy hoạch xây dựng khu dân cư nông thôn mới, các khu công nghiệp, các đô thị mới… phải dành quỹ đất phù hợp và thuận lợi để xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân”.
HOÀI THU