“Đau đầu” với bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách lớn, hướng đến công bằng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, gây khó cho người tham gia BHYT lẫn ngành chức năng.
Quá tải tại các bệnh viện là nỗi ám ảnh của người bệnh và cả với các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện.
- Trong ảnh: Bệnh nhân đăng ký khám bệnh tại BVĐK TP Quy Nhơn.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh vừa tiến hành đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại các địa phương và cơ sở y tế. Theo bà Nguyễn Thanh Thụy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, những ghi nhận thực tế là cơ sở quan trọng để Đoàn đề xuất với Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung những điều khoản chưa phù hợp trong Luật BHYT, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.
Khổ đủ đường
Quá tải tại các bệnh viện là nỗi ám ảnh của người bệnh và cả với các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Tại BVĐK tỉnh, nhiều khoa điều trị nội trú như Ung bướu, Phụ sản, Ngoại chấn thương thường xuyên thiếu giường bệnh. Ở các bệnh viện tuyến dưới, tình trạng quá tải khám chữa bệnh BHYT cũng diễn ra khá phổ biến, đặc biệt tại BVĐK TP Quy Nhơn. Có tình trạng này là do Luật BHYT quy định người có thẻ phải đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại tuyến huyện và tương đương trở xuống.
Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc một người mới lần đầu cầm trên tay thẻ BHYT vẫn có mức hưởng phí KCB ngang bằng với người đã tham gia BHYT 15-20 năm là khó chấp nhận. Mức trần chi trả phí KCB phải tương xứng với thời gian tham gia BHYT của đối tượng.
KCB khổ đã đành, nhiều người còn “ngán” hơn khi gặp rắc rối với thẻ BHYT. Tình trạng thẻ BHYT sai thông tin gây phiền hà rất lớn. Nguyên nhân được ngành chức năng chỉ ra là thông tin về người được cấp thẻ thiếu chính xác; việc rà soát, thẩm tra chưa tốt; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ. Tuy nhiên, một vấn đề cần đặt ra là trách nhiệm của người tham gia cấp thẻ khi xử lý sai sót. “Hễ thẻ BHYT sai là lại bắt chủ thẻ đi hết nơi này đến nơi nọ xác minh, xác nhận để làm lại, trong khi người làm sai chẳng “bị” gì, thậm chí nhiều khi còn gây khó khăn cho chủ thẻ nữa. Ngành Y tế và BHYT làm việc rất quan liêu!”, một cán bộ xã ở Phù Cát bức xúc.
Một nhóm đối tượng khác cũng gặp khó với thẻ BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi. Để thẻ “nằm” trong khi trẻ đi KCB không có thẻ sử dụng, ngoài một phần trách nhiệm của phụ huynh, lý do chính là địa phương chưa thực sự quan tâm và thống nhất trong quy trình cấp phát thẻ. Nhiều ý kiến đề xuất chuyển thẻ BHYT cho trạm y tế - nơi trẻ được tiêm phòng trong những tháng đầu sau sinh - để tránh tình trạng sót thẻ BHYT.
Với đối tượng thuộc hộ nghèo, nhiều cơ sở KCB đề nghị bỏ quy định đồng chi trả 5%, vì rất nhiều trường hợp không thể đóng được khoản tiền này. “Thực tế, chúng tôi phải miễn giảm khoản kinh phí 5% cùng chi trả của nhiều người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số do họ thật sự khó khăn, không có tiền nộp viện phí”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho hay.
Tăng tỉ lệ tham gia BHYT: vẫn là bài toán khó
Hiện nay, việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân ở tỉnh ta chưa đạt được tiến độ theo Luật BHYT. Năm 2012, tỉ lệ người dân tham gia BHYT chỉ đạt 63,5%, giảm 0,4% so với năm 2011. Nguyên nhân chính được chỉ ra là số hộ nghèo giảm. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất ảnh hưởng đến tiến trình “phủ sóng” BHYT.
“Hễ thẻ BHYT sai là lại bắt chủ thẻ đi hết nơi này đến nơi nọ xác minh, xác nhận để làm lại, trong khi người làm sai chẳng “bị” gì, thậm chí nhiều khi còn gây khó khăn cho chủ thẻ nữa. Ngành Y tế và BHYT làm việc rất quan liêu!”
Bức xúc của một cán bộ xã ở Phù Cát.
Ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH bày tỏ lo ngại tình trạng người lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chiếm phần đông trong số đối tượng chưa được tiếp cận BHYT. “Hiện, chỉ có 20% số doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT”, ông Quang thông tin. Lý do là chủ sử dụng lao động “lơ là” nghĩa vụ, trong khi một bộ phận người lao động chưa thật sự quan tâm đến quyền lợi về BHYT của bản thân.
Nhiều năm qua, tỉ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT có tăng nhưng vẫn chưa đạt tối đa (cụ thể, năm 2010 là 93%, 2011 là 95%, 2012 là 97%). “Đã có Luật BHYT, nhưng chế tài xử phạt vi phạm chưa có, chúng tôi lấy gì để xử lý khi đối tượng cố tình không tham gia?”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Văn Bình đặt vấn đề.
Trong khi đó, tỉ lệ tham gia BHYT của nhóm đối tượng tự nguyện vẫn “lẹt đẹt” (27,7% năm 2009; 23,4% năm 2010; 34,9% năm 2011 và 34,4% năm 2012). Người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, phụ nữ sắp sinh… mới tham gia để được hưởng chi phí KCB BHYT. Đáng lưu ý là tần suất KCB của đối tượng này ngày càng tăng (năm 2009 chỉ 1,8 lần/năm, năm 2012 đã đạt 3,39 lần/năm); đồng thời chi phí trung bình cho một lần KCB cũng tăng rất cao (năm 2009: 160.561 đồng/lần, năm 2012: 243.691 đồng/lần).
Thực tế đó đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được tăng cường; đồng thời phải có những quy định, chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm, nâng dần tỉ lệ người dân tham gia BHYT. Một giải pháp được nhiều người đồng tình là buộc đối tượng BHYT tự nguyện phải tham gia theo hộ gia đình để chống lại việc lựa chọn ngược, tức là chỉ người có bệnh mới mua thẻ.
Cả cơ quan Bảo hiểm Xã hội và ngành Y tế đều thừa nhận rằng, thủ tục hành chính về KCB BHYT vẫn phức tạp và phiền hà cho dân, khiến các cơ sở KCB mất nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính, thanh quyết toán. Một số quy định về KCB BHYT chưa cụ thể, khó thực hiện. Nhiều văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, làm cho việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Việc quy định quá nhiều đối tượng, mức đóng, mức hưởng gây khó khăn cho việc quản lý KCB BHYT.
NGUYỄN VĂN TRANG
BN có thẻ BHYT đến BVĐK tỉnh Bình Định bị câu kéo ra BV Hòa Bình giải thích để được mổ nhanh, BN cùng chi trả 50-50%, nhưng thực tế BN phải trả tiền mổ rất cao cho BS mổ, và nhiều khoản bất hợp lý khác nữa. Vậy đoàn ĐBQH tỉnh có biết không??? Hãy vào cuộc cho BN nghèo BN nông thôn nhờ...