Nạn phá rừng làm rẫy ở Vĩnh Thạnh: Chưa thể xử lý dứt điểm!
Dù chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, quản lý rừng, song tình trạng phá rừng trái phép để làm rẫy vẫn còn diễn ra phổ biến. Trong khi đó đại diện cơ quan chức năng cho rằng chưa thể giải quyết dứt điểm nạn phá rừng.
Theo Hạt Kiểm lâm (KL) huyện Vĩnh Thạnh, từ đầu năm 2014 đến nay, người dân các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo, Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn đã phá gần 10 ha rừng sản xuất, rừng phòng hộ để làm nương rẫy. Đó là chưa kể, 16,7ha đất có cây trồng chưa thành rừng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tọa lạc ở khu vực giáp ranh giữa xã Vĩnh Thuận và thị xã An Khê (Gia Lai) cũng bị xâm hại. Tuy nhiên, so với thực tế, các vụ vi phạm được lực lượng chức năng phát hiện, xử lý còn rất thấp.
Rừng thành… rẫy
Có mặt tại 3 tiểu khu 226, 217 và 210B thuộc xã Vĩnh Thuận - khu vực rừng giáp ranh với thị xã An Khê, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng một khoảnh rừng rộng lớn vẫn còn loang lổ dấu vết khai phá, cây rừng bị đốt cháy nằm ngổn ngang, đất vương màu tro. Xen vào đó là những chòi rẫy mọc lác đác trên những cánh rừng. Đây là khu vực rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý đã bị người dân ở các xã: Cửu An, Xuân An, Tú An (thị xã An Khê) chặt phá và lấn chiếm thời gian qua.
Nhiều khu vực rừng phòng hộ ở địa bàn hai xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Đứng trên chân đèo Vĩnh Sơn, không khó để nhận thấy nhiều vạt rừng rộng hàng ngàn mét vuông ở xã Vĩnh Kim đã bị người dân húi trọc để trồng chuối, trồng mì.
Số vụ phá rừng làm rẫy xảy ra nhiều ở xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn thời gian qua một phần xuất phát từ tập quán du canh của đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, việc xây dựng các công trình thủy điện đã lấy đi một phần quỹ đất sản xuất của người dân. Hệ quả, người dân thiếu đất sản xuất, phải vào rừng khai hoang, đốt rừng trái phép. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng của các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng không đủ để giữ rừng. Mặt khác, chính quyền cơ sở chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước chưa kiên quyết xử lý việc lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp. Nhiều hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng không thực hiện việc kiểm tra rừng nên không phát hiện kịp thời khi rừng bị phá hoại.
Điều đáng nói, trong số các đối tượng phá rừng có cả cán bộ, đảng viên địa phương; nhiều đối tượng đã bị phát hiện, xử lý nhưng sau đó vẫn tiếp tục phá rừng làm rẫy. Việc xử lý vi phạm của chính quyền các địa phương đối với hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng còn thiếu kiên quyết. Đơn cử trường hợp ông Đinh Vân (SN 1975, trú thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp), dù cuối tháng 3.2014, ông Vân bị Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và buộc trồng lại rừng vì có hành vi xâm hại, phá rừng trái phép với diện tích 937m2, tại khu vực Ô Bà Chiểu, khoảnh 7, tiểu khu 185 (xã Vĩnh Hiệp). Không những không thi hành quyết định xử phạt, đến cuối năm 2014, ông Vân lại tiếp tục vào rừng triệt phá thêm 2.600m2 rừng.
Không thể xử lý dứt điểm(!)
Ông Đoàn Siêng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh: Hiện nay, ở các khu vực rừng thuộc tiểu khu 191, 210A - giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh với huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai) và tiểu khu 226, 217 thuộc khu vực giáp giới hai huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh đang được các đối tượng phá rừng đưa vào “tầm ngắm” để triệt phá. Vì vậy, thời gian đến, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Trước tình hình rừng bị tàn phá làm rẫy đang có chiều hướng gia tăng, huyện Vĩnh Thạnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo Hạt KL huyện và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, song thực tế, công tác bảo vệ rừng chưa phát huy được hiệu quả.
Trong số 72 vụ phá rừng trái phép được phát hiện trong năm 2014, thì số vụ việc được xử lý khá khiêm tốn. Năm 2014, chỉ có 4 vụ phá rừng trái pháp luật bị xử lý hình sự. Trong đó, có 2 đối tượng bị tuyên phạt 3 năm tù giam, 2 đối tượng khác bị phạt 36 tháng tù, cho hưởng án treo.
Theo lý giải của Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh, bên cạnh số vụ xâm hại rừng có tính chất nhỏ lẻ, chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, những vụ khởi tố cũng cần cân nhắc tới yếu tố hoàn cảnh đời sống và nhận thức của người dân. Việc cưỡng chế, thực thi pháp luật cũng hết sức gian nan.
Ông Nguyễn Sơn Tùng, Hạt phó Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh, thừa nhận: “Dù tình trạng phá rừng làm rẫy ở địa phương phần nào đã được hạn chế, song toàn cục thì chưa thể kiểm soát, xử lý dứt điểm nạn phá rừng”.
TRỌNG LỢI
Năm 2014, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã có 4 vụ phá rừng trái pháp luật bị xử lý hình sự. Riêng quý I.2015, Hạt KL huyện Vĩnh Thạnh đã chuyển giao cho Công an huyện và Viện KSND huyện Vĩnh Thạnh thụ lý, điều tra 3 đối tượng phá rừng trái phép. Qua công tác tuần tra, kiểm tra, Hạt KL huyện đã phát hiện, phá bỏ kịp thời gần 3.000m2 cây keo lai được trồng trái phép trên địa bàn xã Vĩnh Hiệp. Ngoài ra, đơn vị còn phát hiện và ngăn chặn gần 5 vụ phát rong, “xí phần” đất rừng phòng hộ trên địa bàn các xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo.