Làm đạo cụ cho múa
Lung linh sắc màu
Hàng chục năm gắn bó với hoạt động văn hóa văn nghệ trong tỉnh, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, nhìn nhận: “Đạo cụ dùng trong các tiết mục múa phong trào vài năm gần đây phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Nhiều biên đạo trẻ đã tự làm đạo cụ, hoặc đặt làm theo ý tưởng riêng. Các tiết mục múa nhờ vậy có sự độc đáo, khác biệt”.
Nhắc đến đạo cụ múa phong trào, nhiều người sẽ nhớ ngay đến biên đạo Nhật Huy, bởi anh không chỉ được biết nhiều qua những tiết mục múa sôi động mà còn nhờ tài sử dụng các loại đạo cụ rất bắt mắt trên sân khấu. Tuy nhiên, biên đạo Hoàng Việt mới chính là “tên tuổi lớn” trong nghề làm đạo cụ múa trong tỉnh. Đến thăm anh, choáng ngợp trước một không gian đồ sộ những hoa, quạt, trống, kiếm, roi, hoa quả, mặt nạ tuồng… được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như nhựa, ống nước, xốp, composite, vải kim tuyến với đủ kích cỡ. Biên đạo Hoàng Việt chia sẻ, sau hàng chục năm sưu tầm, thiết kế, sáng tạo, càng làm nghề tôi càng say mê.
Diễn viên Minh Tuấn có lẽ là người làm nhiều đạo cụ nhất tỉnh ta hiện nay. Gặp tại nhà khi anh đang chăm chú dán giấy cánh hoa sen hồng thắm, bên cạnh la liệt những thẻ bài chòi, anh cười phân bua: “Bạn bè ở Khánh Hòa nhờ mấy ngày rồi, hứa mãi giờ phải hoàn thành để bạn kịp diễn”. Minh Tuấn chưa từng qua lớp mỹ thuật nào nhưng đạo cụ anh làm được nhiều nơi đặt hàng hài lòng, vừa ý. Hỏi đến bí quyết, anh xua tay: “Nghề dạy nghề cả thôi. Lăn lộn với văn nghệ quần chúng, có điều kiện tiếp xúc với các loại đạo cụ, để ý các nghệ nhân làm, tự nghiên cứu, học hỏi trên mạng, rồi tập tành mà thành”.
Khả năng làm đạo cụ múa của Minh Tuấn được nhiều người ghi nhận sau chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng tỉnh. Anh nhớ lại: “Đạo diễn Lê Hoài đặt tôi làm bộ ba quả trái cây gồm hai quả bí, một quả cam với đường kính 1m/cái. Tôi đã mất khá nhiều thời gian, tỉ mỉ từ khâu chọn chất liệu, màu sơn… Đáng nhớ nhất là hình ảnh những đứa trẻ cùng ôm một quả bí hát nghêu ngao còn đọng lại trong lòng nhiều khán giả đến bây giờ”.
Đạo cụ khỏa lấp khiếm khuyết
Một thời gian dài, những người yêu nghệ thuật của Bình Định tỏ ra ngán ngẩm vì “những gương mặt múa quen thuộc”, “những bài múa quen thuộc”, còn “đạo cụ nghèo nàn, kém sắc sảo”. Không ít người kêu ca “tiết mục nào cũng múa, nhàm chán”. Để vượt khó, các biên đạo múa không chuyên đã tìm tòi, làm mới tác phẩm, đưa vào những đạo cụ mới, lạ, tạo nét quyến rũ, hấp dẫn cho các vũ điệu. Phổ biến nhất hiện nay là những đạo cụ làm từ chất liệu xốp, vải như hoa sen, hoa quả, quạt… bởi chất liệu gọn, nhẹ, chi phí lại thấp.
Anh Minh Tuấn chia sẻ: “Nếu như các loại đạo cụ múa trước đây dễ hư hỏng thì xu hướng hiện nay là đẹp, chắc, bền dù công đầu tư có lớn hơn. Để làm ra được một bông sen, tôi chọn thép tốt, dẻo để uốn cong, chọn vải có màu sắc phù hợp bọc vào thép theo hình hoa sen, sau đó kết nối các nguồn điện để khi lên sân khấu múa điện sáng, hoa sen thêm lung linh, huyền ảo”.
Theo một số biên đạo, trong những hội diễn địa phương, ngành hàng năm, các đơn vị thường sử dụng lực lượng “cây nhà lá vườn”. Các diễn viên này rất nhiệt tình, nhưng khả năng rất hạn chế. Chẳng thể “uốn chân bẻ tay” họ cho đúng ý đồ của mình nên các biên đạo phải mượn đạo cụ để khỏa lấp khiếm khuyết.
“Đạo cụ múa ngày càng đẹp và chất lượng hơn. Vui nhất là anh em trong nghề đều sản xuất được hầu hết các đạo cụ cần dùng, giới trong nghề ở tỉnh bạn bắt đầu đến đây đặt hàng. So với các tỉnh lân cận, múa phong trào tỉnh ta phát triển thuộc vào tốp đầu. Trong nỗ lực tạo sức sống mới cho các vũ điệu, đạo cụ có một vai trò quan trọng”, anh Trần Quốc Dũng, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn, nhận định.
HỒNG THẮM - NGUYỆT ÁNH