Cơ quan BHXH khởi kiện DN đòi nợ BHXH: Thắng kiện trên giấy phỏng có ích gì?
Doanh nghiệp (DN) cố tình chây ì, không chịu nộp BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH khởi kiện ra tòa án. Tòa xử cơ quan BHXH thắng kiện, buộc DN phải nộp khoản tiền nợ BHXH. Án đã có hiệu lực nhưng việc thi hành án hầu như dậm chân tại chỗ... Ðó là thực trạng đang diễn ra ở Bình Ðịnh và nhiều địa phương trong cả nước.
Năm 2013 và 2014, cơ quan BHXH tỉnh đã khởi kiện tổng cộng 21 DN trong tỉnh chây ì, nợ đọng BHXH ra tòa án các cấp. Ngoại trừ 6 trường hợp tòa trả đơn kiện do thiếu hồ sơ hoặc DN cam kết trả nợ, các trường hợp còn lại đã được tòa án các cấp thụ lý giải quyết. Tổng số tiền nợ BHXH tại thời điểm khởi kiện gần 9,82 tỉ đồng.
Nợ nhà nước, quỵt tiền của công nhân
Đến nay, tòa án đã đưa ra xét xử, buộc 10 DN phải trả nợ tổng cộng trên 7,1 tỉ đồng tiền BHXH (các trường hợp còn lại chưa đưa ra xét xử). Cụ thể: Buộc Công ty Cổ phần dịch vụ các KCN Bình Định phải trả trên 619,5 triệu đồng, Công ty TNHH Hoàng Phát: 533,4 triệu đồng, Công ty Cổ phần thương mại sản xuất Khải Vy: trên 1,88 tỉ đồng, Chi nhánh Công ty TNHH MTV 508 tại miền Trung: 975 triệu đồng, Công ty TNHH Trí Tín: trên 904 triệu đồng...
“Cơ quan BHXH không có thẩm quyền điều tra tài sản của DN, cũng không thể yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin, tài khoản khách hàng, thì làm sao có thể xác minh được điều kiện thi hành án của DN. Vì vậy, đến nay việc thi hành án đòi nợ BHXH hầu như dậm chân tại chỗ”
Ông Huỳnh Ðức Hùng, Trưởng Phòng Thu, BHXH tỉnh
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Thu, BHXH tỉnh thì mới chỉ có 2 DN thi hành án với số tiền 212 triệu đồng. Trong đó, tích cực nhất là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Minh Phước trả hết số nợ BHXH phải trả là 202 triệu đồng; Công ty Cổ phần dịch vụ các KCN Bình Định trả được 10 triệu đồng trong tổng số 619,5 triệu đồng phải thi hành án. Chiếu theo số tiền nợ chốt đến ngày 31.3.2015 thì nợ BHXH lũy kế của các DN bị khởi kiện đã gần 13,4 tỉ đồng.
Thực tế, có nhiều DN dù làm ăn hiệu quả nhưng vẫn dây dưa, khất nợ BHXH, viện lý do chưa thanh toán hết nợ vay đầu tư sản xuất kinh doanh nên sẽ trả chậm. Thậm chí có DN còn gửi danh sách người lao động tham gia BHXH gửi lên cho cơ quan BHXH nhưng chưa bao giờ nộp tiền. “Điển hình là DNTN Minh Đức còn nợ trên 997 triệu đồng, Công ty TNHH Sản xuất & thương mại Nam Gia nợ trên 728 triệu đồng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, công ty có thu số tiền trích nộp BHXH của người lao động nhưng chưa bao giờ nộp cho BHXH cả”, ông Hùng đơn cử.
Thắng kiện, rồi sao nữa?
Ông Trương Quốc Dũng, Chánh án TAND TP Quy Nhơn, cho hay: Trong 2 năm trở lại đây, TAND TP Quy Nhơn đã thụ lý nhiều vụ án do cơ quan BHXH khởi kiện đòi trả tiền BHXH. “Nếu cơ quan BHXH nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính không xong, khởi kiện ra tòa thì chúng tôi thụ lý. Hầu hết, chúng tôi đều ra quyết định buộc bị đơn phải trả nợ BHXH cho nguyên đơn”.
Án có hiệu lực nhưng thi hành án lại không đơn giản. Ngoại trừ 2 DN tự nguyện thi hành án nêu trên, các DN còn lại đều không chịu thực hiện phán quyết của tòa mà khất lần, hẹn lữa. Khi BHXH tỉnh đề nghị cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết việc thi hành án của DN thì được hướng dẫn - bên được thi hành án (BHXH tỉnh) phải tự xác minh điều kiện thi hành án của bên phải thi hành án (DN) theo quy định tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP.
Đề cập vấn đề này, ông Hùng bức xúc: “Cơ quan BHXH không có thẩm quyền điều tra tài sản của DN, cũng không thể yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin, tài khoản khách hàng, thì làm sao có thể xác minh được điều kiện thi hành án của DN. Vì vậy, đến nay việc thi hành án đòi nợ BHXH hầu như dậm chân tại chỗ”.
Chánh án TAND TP Quy Nhơn Trương Quốc Dũng cho biết thêm, tòa đã từng thụ lý vụ việc người lao động kiện DN vì họ đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được làm chế độ lương hưu, do DN không chịu nộp BHXH, trong khi hàng tháng vẫn trích trừ lương của họ cho khoản này. Ông Dũng nhận xét: “Như vậy, từ một tranh chấp này (BHXH kiện DN) dẫn đến một tranh chấp khác (người lao động kiện chủ sử dụng lao động). Trường hợp này chúng tôi hướng dẫn đương sự nên tạm xuất tiền túi nộp cho đủ để được nhận sổ BHXH, sau đó mới khởi kiện chủ sử dụng lao động để đòi số tiền mà mình đã trích nộp”.
Về nguyên tắc, chủ sử dụng lao động nộp BHXH đến đâu thì cơ quan BHXH chỉ thanh toán đến đó. Trong trường hợp DN nợ BHXH, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người lao động bởi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Có ý kiến cho rằng, xét về khía cạnh nào đó thì đây là hành vi chủ sử dụng lao động chiếm dụng tiền của người lao động.
Bình Ðịnh hiện là một trong những tỉnh thành có tỉ lệ nợ đọng BHXH cao so với bình quân chung trong cả nước (6,2%/4,07%).
Liên quan đến nội dung này, trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên số ra ngày 6.4, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khẳng định: “Sẽ bổ sung những quy định nhằm ngăn chặn sai phạm trong BHXH. Ðặc biệt, hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH gây hậu quả nghiêm trọng đang được xem xét, đề nghị đưa vào dự thảo Bộ luật Hình sự”...
Theo Luật BHXH mới (có hiệu lực từ 1.1.2016), cơ quan BHXH được trao quyền thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, sẽ góp phần buộc các DN nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH. Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể hơn về việc người lao động được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan BHXH cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng BHXH của mình.
NGUYỄN SƠN