Thích ứng để “sống chung”
Trong khi nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt chưa từng có trong nhiều năm qua thì ở tỉnh ta tình hình vẫn tương đối khả quan. Ngành nông nghiệp cho biết nước tưới cho vụ sản xuất Hè Thu vẫn được đảm bảo, song hiện nay một số nơi trong tỉnh đã xảy ra tình trạng hạn cục bộ, dẫn đến thiếu nước cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Bây giờ đang là thời điểm bắt đầu vào mùa nắng nóng nên sắp tới tình hình khô hạn ở tỉnh ta diễn biến như thế nào thì vẫn còn phải chờ.
Ngay từ trước khi thời tiết dần đi vào thời kỳ cao điểm của nắng nóng và khô hạn hàng năm, ngành khí tượng thủy văn đều có những cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước để người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng có sự chủ động đối phó... Năm nay cũng không ngoại lệ, khi dự báo tổng lượng mưa tại ba khu vực trên trong 2 tháng đầu năm bị thiếu hụt từ 20 - 70%. Trên thực tế, tình hình đã diễn ra đúng như dự báo của các chuyên gia, nhất là ở vùng Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, do khả năng ứng phó của nhiều địa phương còn nhiều hạn chế, không ít địa phương vẫn chỉ ứng phó một cách thụ động hoặc buông xuôi trước sức ép hạn hán khốc liệt. Do tính chủ động chưa cao nên ở các địa phương này nhiều diện tích cây trồng thiếu nước tưới nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến mất trắng, là một thực trạng đáng buồn.
Chúng ta đều biết, những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) đã không còn là hiện tượng riêng lẻ của một địa phương, một quốc gia hay châu lục nữa mà đã trở thành mối lo chung có tính toàn cầu. Tác động của BĐKH dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác nhau, như: khô hạn, ngập lụt, xâm nhập mặn, bão lớn và nước biển dâng… Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi của BĐKH. Do đó, việc quan trọng nhất là phải chủ động thích ứng với nó, chủ động sống chung với nó một cách hiệu quả, giải pháp tốt nhất là từng địa phương phải chủ động chuyển đổi sản xuất cho phù hợp với tình hình và diễn biến của thời tiết, khí hậu.
Từ việc xác định BĐKH đã thực sự là nguy cơ hiện hữu, ‘nhãn tiền” với nước ta, để chủ động giảm thiểu tác hại của nó, trong các năm qua Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai việc hỗ trợ kinh phí giúp các địa phương đánh giá tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, từng khu vực. Với bối cảnh hạn hán có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa bàn trong cả nước, trong đó có Bình Định, một trong những ưu tiên để đảm bảo tính bền vững cho sản xuất nông nghiệp và đời sống là tăng cường các giải pháp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ tưới tiêu tiết kiệm, tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp…, để giảm tối đa thiệt hại do hạn hán gây ra.
Với dự báo diễn biến BĐKH trong tương lai sẽ ngày càng phức tạp hơn, cộng đồng cần ý thức hơn về tầm quan trọng của việc ứng phó với BĐKH, chủ động nâng cao năng lực ứng phó, chủ động hành động thực tế, phù hợp và hiệu quả để có thể “sống chung” với bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai.
Hải đăng