Ước mơ thắp sáng khát vọng Việt
Thành tích đầy mình nhưng Trương Phạm Hoài Chung rất ít muốn nói về mình. Chung dành nhiều thời gian để chia sẻ về khát khao du học, không với cái nghĩa là bước chân vào trường đại học ở nước ngoài để kiếm tấm bằng, mà chính là bước ra thế giới để hiểu khả năng của mình và thâu nhận kiến thức.
Hoài Chung sinh năm 1984 trong một gia đình nhà giáo ở Quy Nhơn. Ngày nhỏ, gia đình anh sống tại Phú Tài. Khát khao khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài nên Chung dành nhiều thời gian để học tiếng Anh. Dẫu khó khăn vì internet khi ấy chưa phổ biến, nhưng Chung vẫn gắng học và đoạt giải Nhì tiếng Anh cấp tỉnh lớp 8 và lớp 9. Hỏi Chung về bí quyết học tiếng Anh, anh cười nhớ lại: “Đơn giản mà. Tôi vào vai giáo viên đang đứng giảng trước những học sinh vô hình bên dưới. Vừa nói, vừa viết, nên rất tập trung, học được từ nào là nhớ rất lâu”.
Đang học lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Chung tham gia thi và nhận học bổng toàn phần hệ trung học của Chính phủ Singapore. Vậy là từ năm lớp 11, Chung sang Singapore học. Sau khi tốt nghiệp trung học với kết quả học tập luôn nằm ở nhóm dẫn đầu của trường, cùng nhiều hoạt động ngoại khóa khác, Chung đệ đơn vào Trường ĐH Havard (Mỹ) nhưng không đạt. Bù lại, anh được học bổng theo học ngành Hóa học tại ĐH Williams, một trường danh tiếng khác của Mỹ. Mãi đầu năm nay, Chung mới nhận học bổng theo học Thạc sĩ giáo dục tại Havard.
● Tôi từng đọc một chia sẻ của anh trên Facebook rằng, cơ hội việc làm luôn chia đều cho cả những người tốt nghiệp ở các trường tỏa sáng và những trường tạo cơ hội cho mình tỏa sáng. Vậy sao với anh, Havard lại quan trọng vậy?
- Quan trọng nhất khi chọn trường là đánh giá năng lực cũng như xuất phát từ mục tiêu của mình. Với tôi, học sau đại học tại một trường tốt không còn là để giành một mảnh bằng đặng kiếm việc làm tốt hay để ở lại Mỹ làm việc; quan trọng hơn là sau này sẽ phục vụ tốt nhất cho công việc của mình. Với ngành tôi chọn lựa để học Thạc sĩ - Quản lý giáo dục - Havard là một cơ sở đào tạo vào loại danh tiếng nhất thế giới. Vào Havard, tôi sẽ không đơn thuần được thu nhận kiến thức mà còn mở rộng kết nối với những người chuyên nghiệp. Tại Việt Nam hiện tại, tôi đang xây dựng một mô hình giáo dục, mới nhưng nhỏ thôi. Với mạng lưới kết nối được ở Havard, tôi sẽ học hỏi thêm từ họ và khi về nước, sẽ phát triển mô hình này. Hơn nữa, tôi cũng muốn học sinh của mình thấy rằng, hãy dám mơ ước lớn và biết đứng lên từ thất bại. Đó là lý do tại sao tôi kiên trì với Havard đến vậy.
Thắp sáng “khát vọng Việt”
Mô hình mà Chung nói tới chính là Stella Education, được thành lập bởi anh và một cựu du học sinh Mỹ khác là Trần Thị Hồng Ngọc. Chung chia sẻ:
Tôi và Ngọc thành lập Stella mục tiêu là chuẩn bị hành trang cho các bạn học sinh lên kế hoạch du học ngay từ năm lớp 9 hay sớm hơn nữa. Khi phụ huynh đưa con đến, chúng tôi sẽ kiểm tra tiếng Anh; sau đó lên kế hoạch và cùng học sinh chuẩn bị dần hành trang du học.
Chẳng hạn, sẽ trang bị cho học sinh vốn tiếng Anh học thuật, thi bài thi tiếng Anh TOEFL hoặc IELTS. Học sinh lớp 10 còn phải chuẩn bị kỳ thi SAT... Stella còn mở các hoạt động ngoại khóa như các CLB về nghệ thuật, dạy tiếng Anh cho trẻ đường phố và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Các bạn phải tự đề ra hoạt động cho CLB và lên kế hoạch thực hiện; qua đó, thể hiện khả năng lãnh đạo và luyện các kỹ năng như tổ chức và thiết kế hoạt động, gây quỹ, làm việc nhóm... Đến giữa năm lớp 12, vào giai đoạn nước rút, Stella sẽ cùng học sinh căn cứ vào hồ sơ từng bạn và khả năng tài chính để xác định mức học bổng nhắm tới và nộp đơn vào các trường.
Nói chung, càng muốn học bổng giá trị cao càng phải nỗ lực trong kế hoạch của mình. Năm 2014 vừa rồi, Stella đã giúp 40 học sinh nhận được học bổng theo học các trường đại học Mỹ, mức học bổng từ 20-80% học phí.
● Stella xét đến cùng vẫn là tổ chức lợi nhuận và đối tượng chính là những học sinh có hoản cảnh kinh tế gia đình tương đối khá. Vậy anh có cách nào hỗ trợ cho những bạn trẻ hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn khát khao du học?
- Đó là ấp ủ của tôi lâu nay. Và năm ngoái, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cũng là người gốc Bình Định, đã liên hệ để cùng thực hiện chương trình Thắp sáng khát vọng Việt. Mục tiêu của chương trình là bất cứ bạn trẻ nào đang học lớp 11, 12 ước muốn du học bậc đại học và những người có kế hoạch du học ở bậc sau đại học sẽ đăng ký. Chương trình sẽ thu xếp một anh, chị đã và đang học ở Hoa Kỳ kèm một người mong muốn đi du học ở cùng lĩnh vực.
Ngoài định hướng ngành học qua việc lên kế hoạch thực hiện theo từng tháng một, những người đi trước sẽ hướng dẫn cách làm bài luận, phỏng vấn... Bên cạnh đó, tùy khả năng và nỗ lực cũng như hoàn cảnh, một số bạn sẽ được nhận những khoản tài trợ để học và thi các bài kiểm tra như TOEFL, IELTS, SAT... Năm 2015, chương trình dự kiến chọn 100 bạn tham gia, hồ sơ đăng ký sẽ đóng vào ngày 30.4 tới.
● Vậy sao anh không về Bình Định để hỗ trợ các bạn trẻ tỉnh nhà - những người cũng đang có ước mơ bước chân ra với thế giới học vấn rộng lớn bên ngoài?
- Tôi rất mong có một cơ hội như vậy. Cách đây mấy năm, tôi cũng đã thử, nhưng có lẽ cái “mác” tư vấn du học khiến không ít người nghi ngại, nên đành thôi. Thực ra, tư vấn du học hiện là một ngành kinh doanh nên bị mọi người e ngại cũng là dễ hiểu. Nhưng tôi vẫn tiếc. Hơn thế, nhiều thầy cô vẫn xem nặng việc luyện cho học sinh đi thi đoạt giải quốc gia hay nâng tỉ lệ đậu đại học của trường, chứ chưa chú tâm khuyến khích học sinh xin học bổng du học. Thực ra hai điều ấy đâu có đối lập nhau. Càng đạt giải cao ở các kỳ thi quốc gia thì cơ hội xin học bổng càng lớn. Và điều này cũng giúp nâng danh tiếng của trường lên nhiều.
“Đừng chỉ có học”
“Để có thể học hiệu quả, không rơi vào tình trạng “đuối sức”, bạn cần có thời gian thư giãn và tham gia các hoạt động khác. Học bao lâu không quan trọng bằng hiệu quả tiếp thu kiến thức của bạn” - đó là lời khuyên của Chung với các học sinh của mình. Bản thân Trương Phạm Hoài Chung là minh chứng rõ nhất cho lời khuyên này. Ngoài học và làm việc, anh là đồng sáng lập KIDS Việt Nam - một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trẻ em nghèo. Năm 2013, Chung phát động chương trình Giày cho trẻ em Sa Pa và gây quỹ hàng trăm triệu đồng. Năm 2014, Chung đứng ra quyên góp cho chương trình Học cụ cho Bình Định... Đặc biệt hơn, Chung còn sáng tác ca khúc và tự biểu diễn. Năm 2011, anh ra album “Ngôn ngữ tình yêu” gồm 10 bài hát tiếng Anh và tiếng Việt do chính anh viết...
● Hồi đó,“Ngôn ngữ tình yêu” nhận được khen ngợi từ truyền thông. Vậy sao anh không tiếp tục với con đường âm nhạc và trụ lại với giới showbiz?
- Nói thế nào nhỉ, những ca khúc tôi viết trước tiên là cho mình. Những bài hát ấy là sự gợi nhớ, về quê nhà, giữa khi tôi đang là du học sinh “tìm đâu ngày xưa thuở nào chạy trên đất quê...”, là quê hương qua hồi nhớ của một người con xa quê, về bóng dáng một người em gái dịu dàng, những câu chuyện tình yêu... Nghĩa là tất cả những gì tôi thương quý. Với tôi, ra album là sẻ chia những ngọt ngào ấy với mọi người. Đơn thuần vậy, chứ tôi không nghĩ mình sẽ đi tiếp vào showbiz. Đam mê của tôi vẫn là giáo dục. Còn lại, tôi vẫn sáng tác và hát như một cách tạo sự cân bằng trong cuộc sống.
● Vậy âm nhạc có hỗ trợ nhiều cho anh trong công việc chính - giáo dục không?
- Âm nhạc thắp lên khát khao sáng tạo, mà công việc nào không cần sáng tạo. Hơn thế, qua đó, tôi muốn lấy mình như một tấm gương cho học sinh, rằng đừng chỉ biết “Học, học và học”, hãy sống cân bằng và theo đuổi đam mê. Tôi quan niệm, không hoạt động giải trí nào là vô bổ. Ngay chơi game cũng có thể thành một đam mê tốt nếu biết kết hợp với lập trình để tạo nên game mới, nghĩa là biến đam mê thành cảm hứng cho sáng tạo.
● Cảm ơn anh.
LÊ VIẾT THỌ (Thực hiện)