Liên hoan tiếng hát Dân ca bài chòi ngành GD&ĐT huyện Phù Mỹ, lần thứ I:
Khẳng định sức sống dân ca bài chòi
Trong các ngày từ 4-12.4, tại huyện Phù Mỹ diễn ra Liên hoan tiếng hát Dân ca bài chòi ngành GD&ĐT huyện Phù Mỹ lần thứ I-2015. Đây là lần đầu tiên Liên hoan nghệ thuật truyền thống có quy mô lớn do một phòng GD&ĐT huyện tổ chức, thu hút hơn 1.000 diễn viên là cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường mầm non, tiểu học (TH), THCS trên địa bàn huyện tham gia.
Ban tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn cho trường THCS thị trấn Phù Mỹ (giữa). Ảnh: XUÂN LỘC
1.
Liên hoan diễn ra tại ba cụm: cụm phía Đông ở Mỹ Thọ (ngày 4.4), cụm Bắc ở thị trấn Bình Dương (9.4), cụm Nam ở thị trấn Phù Mỹ (11.4) và công diễn ngày 12.4. Với chủ đề chính ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, tình yêu lao động, gương người tốt, việc tốt, các đơn vị, diễn viên đã trình bày khá nhiều tiết mục phong phú, đa dạng trong kho tàng dân ca bài chòi, các làn điệu dân ca địa phương và khu vực. Bên cạnh các điệu lý, hò, vè, các bài bản trong sân khấu ca kịch bài chòi nguyên gốc của Bình Định và Khu vực Nam Trung bộ, một số đơn vị đã tìm tòi, khai thác những làn điệu còn ít người biết đến như Lý thượng du, Lý cây khế, Thân gái dặm trường… Đặc biệt, có đơn vị còn đặt lời mới hay kết hợp các làn điệu khác nhau trong cùng một tiết mục, đã làm tăng thêm nét độc đáo của từng làn điệu và nâng cao chất lượng nghệ thuật biểu diễn.
Dù dân ca bài chòi không xa lạ với nhiều người, nhưng khi tham gia Liên hoan không ít thầy, cô giáo đã bị lôi cuốn vào không khí sôi nổi của các tiết mục, nhất là những tiết mục có cả thầy và trò cùng hòa điệu trong câu hò, điệu lý… Cô Nguyễn Thị Thùy Mơ, giáo viên trường Mầm non thị trấn Bình Dương, tâm sự: “Tuy các giọng hò, điệu lý mới mẻ so với các em, nhưng do làn điệu dễ nghe, câu từ dễ thuộc nên các em tiếp nhận rất nhanh và thích thú. Sau Liên hoan chúng tôi sẽ tiếp tục học tập và truyền lại cho các em những làn điệu của dân ca bài chòi ở địa phương”. Cùng nhận xét với cô giáo Thùy Mơ, thầy Trần Văn Nhân, giáo viên trường THCS Mỹ Lợi, cho biết: “Liên hoan là cơ hội rất tốt để những giáo viên trẻ như chúng tôi học hỏi, tìm hiểu thêm về dân ca bài chòi địa phương, giá trị của loại hình văn hóa phi vật thể đang hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Ban tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho trường THCS thị trấn Phù Mỹ; giải Nhì cho trường THCS Mỹ Thành và TH số 2 Mỹ Thắng; đồng giải Ba cho 5 trường TH số 1 thị trấn Phù Mỹ; TH Mỹ Quang; Mẫu giáo Mỹ Thọ; TH số 2 Mỹ Hiệp và TH số 1 Mỹ Hòa. Ngoài ra, còn nhiều giải nhất, nhì, ba và khuyến khích cho từng thể loại đơn ca, song ca, tốp ca.
Đánh giá về sự thành công Liên hoan, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Phù Mỹ, cho biết: “Liên hoan lần này thu hút 61/67 trường mầm non, TH, THCS trên địa bàn huyện tham gia. Dù không tránh khỏi những hạn chế nhưng thành công của Liên hoan là khá lớn, khẳng định sức sống bài chòi trong đời sống hiện nay. Có những bạn trẻ rất “có duyên” hát dân ca bài chòi; nhiều đơn vị có những tiết mục tự biên chất lượng như trường THCS thị trấn Phù Mỹ, THCS Mỹ Thành, trường TH số 1 thị trấn Phù Mỹ, TH số 2 Mỹ Hiệp, Mẫu giáo Mỹ Thọ... Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho việc đưa Dân ca bài chòi vào trường học”.
2.
Có thể nói, Liên hoan tiếng hát Dân ca bài chòi ngành GD&ĐT huyện Phù Mỹ lần thứ I-2015 đã khép lại nhưng dư âm vẫn còn vang vọng. Điều đó cho thấy việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ có tài năng và niềm đam mê ca hát bài chòi ngay từ nhà trường là một trong những hướng đi phù hợp của huyện Phù Mỹ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân ca, bài chòi. Ông Lê Văn Bích, Phó phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ, tâm đắc: “Từ năm 2011, Phòng GD&ĐT huyện cùng với Trung tâm VH-TT-TT huyện ký kết dự án đưa dân ca vào trường học. Cùng với việc thành lập Câu lạc bộ dân ca, bài chòi và triển khai đến các trường học trong các tiết học ngoại khóa, huyện đã mạnh dạn tổ chức Liên hoan. Sự thành công của Liên hoan đã cổ vũ cho bước đi tiếp theo của dự án, để đưa dân ca bài chòi phát triển rộng rãi trong cộng đồng, trước tiên là trong các trường học”.
THANH TRỌN