Tuyên truyền pháp luật bằng bài chòi
Biến những nội dung, chủ trương, pháp luật của Ðảng và Nhà nước vốn khô cứng thành những lời ca mềm mại dễ thuộc, dễ nhớ và ai cũng có thể hát được, đó là cách thức mà các thành viên CLB Bài chòi huyện Vĩnh Thạnh áp dụng để tuyên truyền pháp luật thời gian qua.
“Khoản một quy định ngừa phòng/Tình trạng bạo lực ở trong gia đình/ Bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân/ Ai ai cũng phải góp phần tham gia/Cơ quan, tổ chức, mọi nhà/ Mọi người đều phải tham gia ngăn ngừa”. Đây là một đoạn trong bài ca tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, được sáng tác theo làn điệu bài chòi, do ông Hồ Văn Nên (59 tuổi), thành viên CLB Bài chòi huyện Vĩnh Thạnh sáng tác. Cùng với nhiều bài ca khác theo làn điệu dân ca, bài ca trên thường được trình bày trong các dịp văn nghệ, cuộc thi tìm hiểu dưới hình thức sân khấu hóa, hay những buổi sinh hoạt tìm hiểu pháp luật tại các khu dân cư.
Là Ủy viên Thường trực Hội Luật gia huyện Vĩnh Thạnh, ông Hồ Văn Nên hiểu được khả năng tiếp cận các kiến thức pháp luật của người dân quê mình, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, còn có những hạn chế nhất định. Điều này, cộng với sự yêu thích và khả năng sáng tác, ông đã sáng tạo ra hình thức tuyên truyền mới: Chuyển thể các kiến thức pháp luật vốn khô cứng, khó nhớ thành bài hát, thành kịch bản tiểu phẩm. 10 năm qua, ông đã sáng tác hơn 20 bài ca theo làn điệu bài chòi và tiểu phẩm với nội dung tuyên truyền pháp luật.
Ông Nên nhìn nhận: “Tôi thấy việc lồng ghép như thế này sẽ giúp người dân dễ nghe, dễ nhớ hơn rất nhiều. Tùy vào từng nội dung tuyên truyền mà xây dựng kịch bản sao cho vừa phù hợp chủ đề vừa chuyển tải những kiến thức pháp luật cần thiết đến với người dân. Nội dung các bài ca là các tình tiết cụ thể, gần gũi với sinh hoạt thường ngày của người dân, nghe là hiểu ngay, qua đó góp phần xây dựng ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân. Chẳng hạn như tuyên truyền bà con chấp hành luật giao thông, tôi đặt: “Quanh co đèo dốc đường này khó qua/ Tai nạn liên tục xảy ra/ Người dân ý thức thật là mỏng manh/ Tai nạn ập đến cho mình/ Tài sản của cải gia đình bỏ ra/ Một là thiệt hại cho ta/ Hai là bồi đủ cho người mình gây...”.
Các bài ca, tiểu phẩm do ông Nên sáng tác thường được trình bày, biểu diễn tại các buổi sinh hoạt định kỳ của Hội Luật gia, tổ chức định kỳ 1 lần/tháng tại các xã, và tại các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Hội đồng Tuyên truyền phổ biến pháp luật của huyện, hay các hội, đoàn thể tổ chức. Đã có nhiều bài ca, tiểu phẩm tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn trật tự ATGT, bảo vệ rừng và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch cúm gia cầm, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, xây dựng nông thôn mới... được các thôn xóm, cơ quan xây dựng và biểu diễn, thu hút đông đảo người dân tham dự.
Ông Nên chia sẻ: “Lời cải biên phải làm sao phù hợp với nội dung tuyên truyền, ngắn gọn, dễ nhớ dễ hát… thì mới đi vào lòng người nghe. Vĩnh Thạnh vốn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nên khi sáng tác tôi cũng lồng vào một số tiếng Bana để người dân dễ tiếp thu. Nhưng cơ bản người dân bây giờ cũng tiến bộ nên nghe nhạc, tiểu phẩm họ nắm bắt nhanh lắm”.
Với việc tổ chức tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú và gần gũi, phù hợp với trình độ, nhận thức về pháp luật của người dân miền núi Vĩnh Thạnh đang từng bước được nâng cao, hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật. Ông Đinh Lôi, một người dân xã Vĩnh Thuận, nhận xét: “Cũng là tuyên truyền pháp luật nhưng với cách này, bà con chúng tôi vừa được xem hát, được xem kịch, vừa được nghe nói về pháp luật nên ai cũng hào hứng”. Ông Nguyễn Duy Cảnh, ở thôn Định Thái, xã Vĩnh Quang, một trong những “diễn viên” trực tiếp tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng dân ca, hò vè, chia sẻ: “Việc thể hiện các quy định của pháp luật dưới hình thức này giúp cho bà con có thể dễ dàng cảm nhận, suy ngẫm và vận dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Việc tuyên truyền cũng không đòi hỏi phải cầu kỳ, tốn kém về trang phục hay chi phí luyện tập. Còn diễn viên thì chỉ cần đội ngũ “cây nhà lá vườn”, có chút ít năng khiếu văn nghệ là được”.
NHẬT LINH – XUÂN DŨNG