Đánh giá tác động luật pháp: Còn hình thức thì khó khả thi
Tại diễn đàn đại biểu Quốc hội chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội, không ít ý kiến cho rằng, khâu đánh giá tác động trước khi ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan chức năng thực hiện còn hình thức, nên hiệu lực của văn bản chưa cao.
Sáng 15/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách bắt đầu 3 ngày làm việc bằng việc góp ý vào xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đánh giá tác động trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 32) nhận được nhiều ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội dù nội dung này không nằm trong danh mục các vấn đề xin ý kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo.
Đại biểu Lê Thị Nga ở Ủy ban Tư pháp nêu vấn đề: Vừa qua, một số trường hợp có quy định văn bản luật, văn bản dưới luật khi đưa ra thực hiện thì tính hiệu lực chưa cao. “Cử tri nói chất lượng một số văn bản của Quốc hội, Chính phủ có vấn đề”, bà Nga cho biết.
Từ đó, đại biểu cho rằng, muốn thực hiện việc đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật thực chất thì dự án luật phải quy định lại tiêu chí của việc đánh giá tác động gồm nội dung gì. Hiện, dự án cũng nêu tiêu chí đánh giá tác động, nhưng lại giống với phần mục đích, nội dung của pháp lệnh, chính sách, nên phải tách hai nội dung này và bổ sung chi tiết hơn.
Thứ hai, việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản được làm không đầy đủ, một số trường hợp làm hình thức ở các quy trình xây dựng văn bản (gồm 4 quy trình: Soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và đưa ra Quốc hội xem xét). Bà Nga cho rằng, mỗi quy trình đều phải lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp. Ví dụ: Luật Tạm giữ, tạm giam thì phải lấy ý kiến người quản lý trại giam, người chấp hành hình phạt. “Quy định về hỏi cung thì có cần ghi âm, ghi hình không? Vì đây là các quyền của người dân, nên phải hỏi ý kiến họ”, bà Nga chia sẻ.
Thứ ba, phải làm tốt phản biện độc lập về chính sách và coi đây là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, dự án luật đã quy định phản biện của Mặt trận nhưng chỉ quy định chung chung là trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có sự tham gia phản biện của Mặt trận và các hiệp hội. Cần phải đưa quy định đây là quy trình bắt buộc ở các quy trình xây dựng để tính khả thi cao hơn.
“Nếu còn hình thức khi thực hiện báo cáo tác động thì văn bản quy phạm pháp luật khó khả thi”, bà Nga nói.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với bà Lê Thị Nga, đồng thời còn kiến nghị bổ sung thêm quy định đánh giá về mức độ lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp đã hiệu quả chưa và trách nhiệm của cơ quan soạn thảo không lấy ý kiến thì sẽ ra sao? “Nếu có chế định rõ trách nhiệm việc lấy ý kiến thì sẽ có hiệu quả hơn trong thời gian tới”, một đại biểu Quốc hội nói.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn “quá chậm”, làm thiệt hại quyền của Nhà nước và quyền của công dân thì ai là người chịu trách nhiệm? Phải xác định trách nhiệm ban hành hướng dẫn chi tiết văn bản quy phạm pháp luật với yêu cầu số một là tính kịp thời, sau đó mới là nội dung hướng dẫn phù hợp với điều khoản quy định, phù hợp với Hiến pháp và văn bản pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng tình với nhận định của đại biểu chuyên trách rằng, báo cáo đánh giá tác động văn bản quy phạm pháp luật còn hình thức và cho rằng cần phải quy định rõ hơn nữa về yêu cầu này.
Theo Thành Chung (Chinhphu.vn)