Nuôi hàu, sìa trong rừng ngập mặn đầm Thị Nại: Cần sớm xử lý dứt điểm
Bức xúc trước việc 3 hộ dân ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) lợi dụng việc nhận khoán trồng và chăm sóc rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại đã thả hàu, sìa tư lợi, người dân địa phương gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ.
Theo UBND xã Phước Thuận, năm 2012, các hợp phần thuộc Dự án “Dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Thị Nại” được triển khai trên địa bàn xã, trong đó, có hợp phần phục hồi rừng ngập mặn. Khu vực thôn Nhân Ân và thôn Lộc Hạ được chọn để triển khai chương trình, với tổng diện tích thực hiện là 12 ha. Để công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ 12 ha rừng ngập mặn đạt kết quả, ngành chức năng tiến hành giao khoán cho 3 hộ dân ở thôn Nhân Ân và 4 hộ dân ở thôn Lộc Hạ thực hiện. Đến nay, trong khi các hộ dân ở thôn Lộc Hạ thực hiện khá tốt công tác này, thì 3 hộ dân ở thôn Nhân Ân, gồm các ông Trương Văn Thảo, Ngô Đình Thành và Nguyễn Đình Cẩn (mỗi hộ nhận khoán 2 ha) lại không hoàn thành theo đúng tiến độ cũng như các quy trình và quy chế theo hợp đồng đã ký kết.
Ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho hay: Thay vì trồng hết 6 ha rừng trên diện tích mặt nước đã nhận giao khoán như ban đầu, 3 hộ này chỉ trồng được 2,9 ha; việc chăm sóc cũng hạn chế nên 90% diện tích rừng đã trồng bị chết. Số cây còn sống cũng thưa thớt và diện tích còn lại đều bị các hộ dân chiếm dụng nuôi thả hàu, sìa. Những ngư dân làm ăn chân chính trên đầm bày tỏ sự không đồng tình, dẫn tới mâu thuẫn.
Ông Trinh cũng lấy làm tiếc và trăn trở khi còn không ít hộ dân chưa hiểu hết tính nhân văn và ý nghĩa an sinh xã hội của dự án. Không hiểu được mục tiêu chính của dự án, đó là góp phần giảm tổn thương về biến đổi khí hậu đối với người nghèo sinh sống ở khu vực ven đầm Thị Nại thông qua công tác trồng rừng ngập mặn; nhiều hộ đã chống đối, phá hoại cây rừng khiến công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Trước mắt, chính quyền địa phương đã chọn phương án thanh lý hợp đồng trước thời hạn đối với 3 hộ dân nói trên; đồng thời sẽ tháo dỡ hàng rào và chỉ khoanh vùng bảo vệ 1 ha diện tích rừng trồng hiện có. Hơn nữa, để tránh tình trạng nhổ bỏ diện tích rừng đã trồng còn lại, UBND xã Phước Thuận đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ rừng ngập mặn.
Về lâu dài, UBND xã Phước Thuận kiến nghị ngành chức năng xem lại công tác quy hoạch, phát triển rừng ngập mặn. Bởi, trong diện tích được khoanh vùng để trồng rừng ngập mặn, hiện có nhiều khu vực nằm ở mực nước sâu hoặc nằm gần các luồng lạch, nơi các tàu cá thường xuyên lưu thông để tránh gió, bão, nhất là vào mùa gió nam, dẫn đến hư hại cây trồng.
Để tránh tái diễn nảy sinh bất đồng trong một bộ phận ngư dân trên đầm khi thực hiện dự án, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn hộ nhận hợp đồng; tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến trật tự xã hội địa phương.
TRỌNG LỢI