Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian: Cần “tầm nhìn xa”
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Ðịnh đã có bước đi tích cực với việc “hồi sinh” hội đánh bài chòi cổ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, để bài chòi dân gian thực sự bén rễ trong đời sống xã hội, cần phải có kế hoạch bảo tồn, phát huy dài hơi hơn.
Nhiều địa phương tổ chức hội đánh bài chòi cổ
Kể từ khi Dự án bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ được Sở VH-TT&DL thực hiện thành công năm 2010, việc tổ chức các hội đánh bài chòi cổ được nhiều địa phương hưởng ứng. Hội đánh bài chòi cổ không chỉ diễn ra trong các dịp lễ tết, mà còn đưa vào nội dung thi ở các ngày hội, liên hoan cấp huyện, tỉnh. Ngoài TP Quy Nhơn đi đầu trong việc khôi phục hội đánh bài chòi cổ những năm qua, các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn cũng từng bước triển khai hình thức trò chơi dân gian này hiệu quả. Ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH - TT & TT huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Trên địa bàn Hoài Nhơn hiện có hai CLB bài chòi cổ dân gian ở xã Hoài Thanh và Tam Quan Bắc hoạt động rất tích cực, hội đánh bài chòi cổ được tổ chức phục vụ bà con trong dịp lễ, tết. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục động viên các địa phương khác cố gắng xây dựng các CLB bài chòi cổ”.
Hội đánh bài chòi cổ Bình Định ngày càng được quảng bá rộng hơn đến với đông đảo người dân và du khách. Tại TP Quy Nhơn, Hội đánh bài chòi cổ đã được tổ chức định kỳ vào những ngày cuối tuần, thu hút được lượng khách khá ổn định. Đi xa hơn, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam mời các nghệ nhân Bình Định ra tổ chức hội đánh bài chòi cổ phục vụ cán bộ và nhân dân thủ đô tại trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Hội đánh bài chòi cổ Bình Định cũng gây ấn tượng đẹp tại Ngày hội Người Bình Định tại TP Hồ Chí Minh trong các năm 2014, 2015.
Anh Hoàng Việt, người tích cực tham gia vào việc bảo tồn và phát huy hội đánh bài chòi cổ cho biết: “Vào tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên một công ty ở Khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn đã liên hệ với Trung tâm Văn hóa tỉnh để tổ chức hội đánh bài chòi cổ trong lễ khánh thành công ty. Trong hai giờ buổi sáng trước khi khai mạc chương trình chính, các hiệu chúng tôi đã phục vụ khá thành công”.
Cần kế hoạch dài hơi
Hội đánh bài chòi cổ ngày càng lan rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh, tạo được “nền tảng ban đầu” trong việc thu hút mọi người đến với bài chòi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải làm thế nào để nghệ thuật bài chòi dân gian được bảo tồn tốt ở nhiều hình thức hơn chứ không chỉ có hội đánh bài chòi cổ; đồng thời nó thực sự trở thành nhu cầu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong buổi làm việc mới đây với Sở VH-TT&DL về hoạt động ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Đông Hải đã nhấn mạnh: “Nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định được nâng tầm lên khi Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung đề cử UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại. Vậy làm thế nào để tạo được sự chuyển biến đưa di sản đi sâu vào đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân trong tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững”.
Muốn nghệ thuật bài chòi dân gian trở thành “món ăn tinh thần” khi mọi người có nhiều loại hình giải trí như hiện nay, thì không thể làm trong ngày một ngày hai mà phải xây dựng kế hoạch dài hạn. Trong đó, cần tập trung gầy dựng lực lượng trẻ để kế thừa bảo tồn di sản. Trước mắt, Sở VH-TT&DL cần sớm hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ đó, có thể triển khai thực hiện một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch, giúp chính quyền địa phương phối hợp với các trường học cùng ngành VH,TT&DL đứng ra tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, biểu diễn ngoại khóa nhằm lồng ghép truyền dạy, cung cấp kiến thức về di sản bài chòi dân gian; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật bài chòi dân gian trong hội đồng đội, thanh thiếu niên phù hợp với lứa tuổi.
Tại Hội thảo “Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam, hiện trạng và vấn đề bảo tồn” tổ chức năm 2014, thạc sĩ Phạm Thị Thu Hà (Ðại học Quy Nhơn) trong tham luận “Di sản bài chòi trong đời sống đương đại” đã nêu lên những khảo sát từ thực tế: “Ðối với lứa tuổi dưới 18, số công chúng được tham gia hội đánh bài chòi không nhiều, điều này cho thấy việc thông tin quảng bá, giới thiệu về loại bài chòi dân gian đến các em học sinh phổ thông còn thiếu và yếu. Nhóm công chúng dưới 18 tuổi ít được tham gia sinh hoạt bài chòi dân gian, nhưng các em cũng muốn có nhiều cơ hội để tham gia. Ðây là nhu cầu chính đáng của các em muốn được tham gia hội hè, được sinh hoạt cộng đồng và được trải nghiệm với loại hình sinh hoạt dân gian truyền thống”.
HOÀI THU