Ðối tượng phạm tội chưa đủ tuổi khởi tố hình sự:
Cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn
Thời gian gần đây, số đối tượng chưa đủ 16 tuổi vi phạm pháp luật và tái phạm ngày một gia tăng, mà nguyên nhân cơ bản là từ việc thiếu sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của gia đình và địa phương.
Khoảng tháng 9.2014, Nguyễn Thế Vinh (SN 1998, trú KV4, phường Bùi Thị Xuân, Quy Nhơn) là 1 trong hơn 20 đối tượng chậm tiến, nhiều lần trộm cắp vặt ở địa phương, được CA phường gọi đến tham gia lớp giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, Nguyễn Thế Vinh đã tham gia băng trộm cắp chuyên nghiệp. Được biết, trước đó, Vinh cũng đã thực hiện một số vụ trộm cắp tài sản, nhưng do không đủ tuổi khởi tố hình sự nên địa phương đã lập hồ sơ cho đi trường giáo dưỡng. Sau khi trở về, Vinh tiếp tục đi trộm cắp xe máy và đến thời điểm hiện nay, Nguyễn Thế Vinh đủ tuổi nên đã bị CA TP Quy Nhơn khởi tố, bắt giam về hành vi trộm cắp tài sản.
Đầu tháng 3 vừa qua, 2 đối tượng Hồ Văn Vỹ (SN 1999) và Nguyễn Ngọc Tâm (SN 1999) ở thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước, có hành vi vi phạm pháp luật, cũng được Cơ quan CSĐT CA tỉnh cho tại ngoại do không đủ tuổi để khởi tố hình sự. Tuy nhiên, 2 đối tượng này có tái phạm nữa hay không là điều khó biết trước. Nguyễn Ngọc Tâm từng nằm trong diện quản lý giáo dục ở địa phương, do nhiều lần đánh nhau, trộm cắp vặt. Còn Hồ Văn Vỹ có 1 tiền án về tội cướp tài sản (phạm tội rất nghiêm trọng, dù chưa đủ 16 tuổi vẫn bị khởi tố), vừa ra tù tháng 5.2014. Tuy nhiên, ra tù chưa được bao lâu, Hồ Văn Vỹ đã tiếp tục tái phạm.
Trung tá Nguyễn Ngọc Lâm, Đội trưởng Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA TP Quy Nhơn, cho biết: “Thời gian gần đây, số đối tượng phạm tội ở tuổi chưa thành niên (dưới 16 tuổi) chiếm tỉ lệ cao, khoảng 35%. Nhiều đối tượng do chưa đủ tuổi khởi tố nên cơ quan điều tra cho về, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì tái phạm”.
Người chưa thành niên là người phát triển chưa đầy đủ về tâm, sinh lý; khả năng nhận thức và điều khiển hành vi còn nhiều hạn chế, dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo vào việc thực hiện hành vi phạm tội, nhưng cũng dễ uốn nắn, giáo dục. Dù vậy, công tác cải tạo, giáo dục người chưa thành niên vi phạm để họ tiến bộ hiện vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số trường hợp cho thấy nguyên nhân đầu tiên là do gia đình ít quan tâm giáo dục. Sau khi thấy con mình phạm tội ở tuổi chưa thành niên, một số bậc cha mẹ cho rằng đó là đứa trẻ hư, khó dạy nên xa lánh, khiến chúng càng hư. Số khác thì gia đình đã không quan tâm giáo dục từ trước đó, nên khi chúng phạm tội, không bị cơ quan điều tra khởi tố, đối tượng thường không về nhà, lang thang và tiếp tục gây án. Nguyên nhân thứ hai là khi trở về địa phương, đối tượng không được giáo dục, răn đe, trong khi hầu hết đã bỏ học, “nhàn cư vi bất thiện”, gây án.
Thực trạng trên cho thấy, để giải quyết cái gốc của vấn đề trên, chính quyền địa phương cần củng cố hồ sơ và có biện pháp quản lý giáo dục, răn đe, uốn nắn kịp thời các đối tượng phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên; đồng thời gia đình phải có biện pháp sâu sát, giáo dục các em hiệu quả.
HUY QUANG