Ký ức của những người khai hỏa trận đánh cứ điểm Gò Loi
Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày chiến thắng Gò Loi (9.4.1972 - 9.4.2015) và 43 năm giải phóng Hoài Ân (19.4.1972 - 19.4.2015), đoàn Cựu chiến binh (CCB) Tiểu đoàn đặc công 40 của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng về thăm lại chiến trường xưa. Dù 43 năm đã trôi qua nhưng ký ức về trận đánh cứ điểm Gò Loi vẫn không bao giờ mờ nhạt trong tâm thức những người lính cũ.
Gò Loi là một cứ điểm quan trọng và kiên cố trong hệ thống căn cứ được mệnh danh là “cánh cửa thép” của Bắc Bình Định, do Mỹ - ngụy xây dựng vào năm 1966, tại ngã ba thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây. Gò Loi là nút giao thông nối các tuyến đường từ Hoài Nhơn, Phù Mỹ qua Hoài Ân lên Vĩnh Thạnh, An Lão và các tỉnh Tây Nguyên.
Chuẩn bị 1 năm, đánh 20 phút
Đứng bên mộ của thủ trưởng Lâm Quang Lự, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đặc công 40, người trực tiếp chỉ huy trận đánh, tại Nghĩa trang liệt sĩ Gò Loi, CCB Đào Xuân Trình nhớ lại: Vào đầu năm 1971, Tiểu đoàn đặc công 40 được giao nhiệm vụ quan trọng là đánh trận mở màn vào cứ điểm Gò Loi trong chiến dịch Xuân - Hè (còn gọi là chiến dịch D6) để giải phóng các huyện Bắc Bình Định. Nhận được nhiệm vụ, Tiểu đoàn đã chọn 40 chiến sĩ đặc công trực tiếp tham gia đánh cứ điểm Gò Loi, cứ điểm kiên cố bậc nhất của Mỹ - ngụy ở Bắc Bình Định. Từ chân đồi lên có 3 tầng lô cốt, hầm, hào bao quanh như vành khăn. Xung quanh còn có 14 lớp rào kẽm gai và bãi mìn dày đặc. Cứ điểm còn có sân bay trực thăng, đường nhựa chạy vòng quanh, hệ thống hầm ngầm, lô cốt rộng để dự trữ đạn dược, lương thực có thể cầm cự hàng tháng trời nếu bị ta bao vây. Ngoài ra, xung quanh cứ điểm Gò Loi còn có các cao điểm đóng quân của địch bảo vệ nghiêm ngặt. Vì vậy việc vẽ sơ đồ cứ điểm Gò Loi là một những nhiệm vụ hàng đầu mà các chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn 40 phải thực hiện.
Trong niềm xúc động, bùi ngùi khi nhớ về đồng đội, CCB Đào Xuân Trình kể tiếp: Khi đó, thông thường, cứ vào ban đêm chúng tôi hóa trang, bí mật bò vào cứ điểm để quan sát, nhớ chính xác từng vị trí, góc ngách của địch, sau đó rút lui trước lúc trời sáng. Tuy nhiên, rất nhiều lần khi rút lui thì gặp địch đi tuần, không thoát ra được, chúng tôi phải nấp sát dưới hàng rào kẽm gai cả ngày hôm sau, dùng lá khô phủ trên người, không nước uống, không mũ, áo trong tiết trời nắng nóng như đổ lửa.
Để chuẩn bị cho trận đánh, chiến sĩ Đại đội 1 và Đại đội trưởng trinh sát Đinh Như Hoàng đã ăn gạo rang, uống nước ruộng, đội cỏ khô nằm mấy tuần lễ giữa hàng rào của cứ điểm để điều tra tình hình địch, xác định từng vị trí đặt súng, từng màu sắc ngụy trang cho chiến sĩ. Phó trung đội trưởng thông tin Trần Văn Ngân nằm phục hết đêm này qua đêm khác trước vọng gác của địch để nghiên cứu cách kéo đường dây điện thoại vắt qua xà ngang cổng đồn vì không thể đào đường nhựa lên được.
Sau khi vẽ chính xác sơ đồ đồn bốt của địch, trở về căn cứ, các chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 40 xây dựng mô hình, đưa ra các phương án đánh và tổ chức tập luyện gần 6 tháng liền, “vì mọi sai sót sẽ trả giá rất đắt không những cho sinh mạng của chúng tôi mà cho cả các lực lượng cùng phối hợp tham gia trận đánh”, CCB Đào Xuân Trình nói.
Trận đánh góp phần giải phóng Hoài Ân
CCB Cáp Sĩ Tuấn nhớ lại: Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3, 19 giờ 30 phút ngày 8.4.1972, Tiểu đoàn đặc công 40 chúng tôi có mặt tại điểm tập kết là khu vực Đồng Bịch gần cứ điểm Gò Loi. Sau khi chấn chỉnh đội hình và ngụy trang, trước giờ xuất quân, Đại đội trưởng Lương Ngọc Chiến đến bắt tay từng chiến sĩ Đại đội 1 và nhắn nhủ “Quyết tâm chiến thắng nhé các em”, Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Quang Phụ cũng đến ôm vỗ vai từng chiến sĩ, động viên chúng tôi bước vào trận với quyết tâm “Có hy sinh đến người cuối cùng cũng phải đập nát cứ điểm Gò Loi!”.
Đúng 1 giờ sáng 9.4, Đại đội trưởng tổ thọc sâu Lương Ngọc Chiến giật quả pháo đầu tiên khai hỏa và hô vang “Đánh! Xung phong!”. Từ 6 hướng, các chiến sĩ đặc công đồng loạt khai hỏa, cả cứ điểm của địch lóe sáng, bốc cháy, tiếng nổ rung chuyển đất trời. Từ các hướng, bóng chiến sĩ lao vút lên trong những chớp lửa, dùng bộc phá đánh sập các lỗ châu mai và các lô cốt chia. Vào phút thứ 20 của trận đánh, Đại đội trưởng Lương Ngọc Chiến đã cắm được lá cờ truyền thống của Tiểu đoàn 40 đặc công lên đỉnh lô cốt 3 tầng, lá cờ chỉ còn một mảnh nhỏ, ướt đẫm máu của tổ trưởng tổ thọc sâu Đỗ Văn Cần. Cứ điểm Gò Loi, “cánh cửa thép” của địch ở Bắc Bình Định đã bị đập nát. Cùng thời điểm này, các cánh quân của Sư đoàn 3 và bộ đội địa phương cũng đồng loạt tiến công giải phóng các chốt điểm trên địa bàn huyện Hoài Ân.
Bên mộ đồng đội, CCB Dương Văn Cảnh, lúc đó là Tiểu đoàn phó, mắt đỏ hoe vì xúc động, nói: “Trong thắng lợi hào hùng ấy, chúng tôi không bao giờ quên sự hy sinh to lớn của 28 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đặc công 40 đã nằm lại nơi này, trong đó có 2 đồng chí Tiểu đoàn trưởng Lâm Quang Lự và Chính trị viên trưởng Nguyễn Quang Phụ, những người anh cả của chúng tôi. Biến đau thương thành hành động, 12 chiến sĩ còn lại của Tiểu đoàn đặc công 40 và chiến sĩ Sư đoàn 3 tiếp tục tấn công đánh chiếm các chốt điểm còn lại, tiến công giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân vào ngày 19.4.1972 và giữ vững vùng giải phóng đến ngày 30.4.1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước”.
VĂN HÙNG