Tội phạm trên lĩnh vực tài chính - ngân hàng:
Cần có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn
Từ năm 2010 đến năm 2015, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CA tỉnh (PC46) đã điều tra, xử lý 346 vụ/531 đối tượng có các hành vi vi phạm. Trong đó, cơ quan này đã khởi tố 52 vụ/67 bị can, ra quyết định xử phạt hành chính 10 tỉ đồng, thu hồi tài sản hàng chục tỉ đồng.
Theo báo cáo của PC46, tội phạm hoạt động trên lĩnh vực tài chính ngân hàng có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, chủ yếu tập trung vào các hành vi: làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Lợi dụng sơ hở để phạm tội
Có thể kể đến một số phương thức, thủ đoạn như: các nhân viên ngân hàng lợi dụng nhiệm vụ được giao cấu kết với nhau lập sổ tiết kiệm khống rồi rút tiền chiếm đoạt chia nhau. Hoặc, nhân viên ngân hàng chiếm đoạt số tiền của khách hàng quen biết đang làm thủ tục rút tiền để gửi lại nhưng chưa nhận tiền, để giúp người thân của mình trả nợ vay.
Đáng chú ý hơn, một số doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngân hàng như: dùng nhiều tài sản thế chấp vay ngân hàng, sau đó tẩu tán, bán cho người khác; hoặc một tài sản nhưng đem thế chấp nhiều nơi để vay tiền. Ngoài ra, một số trường hợp móc ngoặc với nhau lập hợp đồng khống và các hóa đơn chứng từ chuyển tiền, trên cơ sở hồ sơ đó làm thủ tục vay vốn ngân hàng, sau khi vay xong làm thủ tục chuyển trả tiền lại, đơn vị nhận tiền chỉ nhận tiền bán hóa đơn. Việc này là để cho DN mua hóa đơn có cơ sở thế chấp vay vốn ngân hàng và DN bán hóa đơn kê khai khống chi phí đầu vào để trốn thuế.
Không những vậy, có DN lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi của nhà nước đã lập khống hồ sơ để ngân hàng giải ngân chiếm đoạt tiền hỗ trợ lãi suất. Vụ án Công ty TNHH Đúc Minh Đạt (thị xã An Nhơn) đã bị khởi tố điều tra vào tháng 10.2014 là một điển hình. Lợi dụng chính sách của Chính phủ hỗ trợ lãi suất vay đầu tư sản xuất kinh doanh đối với cá nhân, tổ chức trong giai đoạn kinh tế khó khăn (được hỗ trợ lãi suất 4%), vào năm 2009, Giám đốc Công ty TNHH Đúc Minh Đạt là Bùi Văn Luyến (SN 1972, ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) đã làm khống hồ sơ, chứng từ nhập phế liệu về sản xuất để vay vốn của Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài, sau đó chiếm đoạt trên 1,158 tỉ đồng tiền hỗ trợ lãi suất của nhà nước. Hiện Cơ quan CSĐT CA tỉnh đang tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội của Luyến. Được biết, tổng giá trị hóa đơn Công ty mua vào để lập khống chứng từ giải ngân mua hàng lên đến hơn 80 tỉ đồng.
Cần biện pháp quản lý hữu hiệu hơn
Xảy ra tình trạng phạm tội trên, ngoài lý do nhân viên tín dụng ngân hàng biến chất, DN hám lợi, thì không thể không loại trừ nguyên nhân công tác quản lý của các tổ chức tín dụng còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo, tạo kẽ hở cho tội phạm hoạt động.
Để hạn chế tình trạng tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tiếp tục phát sinh, PC46 kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành đánh giá phân loại các tổ chức tín dụng, triển khai phương án, cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, đảm bảo khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại các công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính. PC 46 cũng đề nghị tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, nợ quá hạn trên cơ sở ban hành các quy định cụ thể và chế tài xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động tín dụng kết hợp với việc phối hợp các ngành chức năng thu hồi nợ. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, thực hiện nghiêm các quy định về phân loại nợ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát bổ sung, sửa đổi các chính sách cho vay chặt chẽ hơn, kết hợp nâng cao trách nhiệm thường xuyên kiểm tra vốn vay, sử dụng vốn vay đúng mục đích và tài sản thế chấp, không để khách hàng tẩu tán tài sản. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán nội bộ các tổ chức tín dụng trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy định hướng dẫn thực hiện thể chế tiền tệ, hoạt động tín dụng thanh toán điện tử liên ngân hàng.
ANH THƯ