Nghe nông dân hát
Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015) và 54 năm Ngày thành lập Hội Nông dân giải phóng miền Nam (21.4.1961 - 21.4.2015), tối 16.4, tại UBND xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thi Tiếng hát đồng quê - năm 2015.
Đậm chất “đồng quê”
Khoảng 19giờ (16.4), dù “sân chơi” chưa khai mạc nhưng khán giả đã tập trung chật kín sân trụ sở UBND xã Tam Quan Nam để chờ nghe “Tiếng hát đồng quê” và cổ vũ cho các thí sinh thi tài. Tham gia Hội thi có gần 20 thí sinh là cán bộ, hội viên nông dân đến từ 3 đơn vị là các xã Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc và thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.
Với chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của giai cấp nông dân…, các thí sinh phải thực hiện 3 phần thi (giới thiệu về đội của mình, kiến thức âm nhạc, tài năng âm nhạc). Mở đầu phần thi Giới thiệu về đội của mình, chị Nguyễn Thị Lý, thành viên đội thị trấn Tam Quan, đã cất giọng hò tha thiết: “Tam Quan quê mình nghĩa tình son sắt/ Đất và người bền chặt thủy chung/ Trải qua năm tháng hào hùng/ Cùng nhau xây dựng (mà) quyết không ngại gì!” khiến nhiều khán giả vỗ tay tán thưởng.
Ở tuổi 40, cuộc đời gắn liền với ruộng vườn, chuồng trại nhưng sớm được trời “ban phú” cho chất giọng ngọt ngào cộng với niềm say mê ca hát bài chòi từ nhỏ, chị Lý đã giúp đội nhà “ghi điểm” ngay từ giây phút đầu tiên. Tiếp theo các đội khác Giới thiệu về mình không kém phần sinh động bằng những câu hò, điệu lý ngắn gọn nói lên những vẻ đẹp đặc trưng về con người và quê hương của mình. Nơi ấy gắn liền với những hàng dừa xanh rợp bóng mát, nơi dòng sông Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc), là bánh tráng nước dừa Tam Quan... Tuy nhiên, kết quả phần thi này thị trấn Tam Quan đã nhận giải “Giới thiệu về đội mình” hay nhất.
Về phần thi Kiến thức âm nhạc, nhiều tên tác giả, bài hát khá khó nhưng nhờ có sự chuẩn bị kỹ nên hầu hết các thí sinh đều trả lời nhanh và chính xác. Qua đó thể hiện tinh thần đồng đội và sự chịu khó, ham học hỏi của thí sinh. Phần thi Tài năng âm nhạc đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với người xem. Với hơn 15 tiết mục đặc sắc (đơn ca, song ca, tốp ca), các đội đã cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đầy hấp dẫn và sinh động. Các ca khúc như “Khúc ca biển đảo” (trình bày Nguyễn Thị Lý, thị trấn Tam Quan), “Quê hương tình yêu và tuổi trẻ” (Văn Hoàng, xã Tam Quan Bắc), “Chúng con canh giấc ngủ Người” (Phạm Văn Thế, xã Tam Quan Nam), “Càng yêu biển đảo quê mình” (thị trấn Tam Quan), “Rạng rỡ Việt Nam” (Tam Quan Bắc)... là những tiết mục gây ấn tượng thu hút người xem.
Gắn kết tình nông dân
Tuy diễn ra vào thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nhưng bà con nông dân ở các xã đã đến tham gia Hội thi khá đông, nghe nông dân hát và cổ vũ rất nhiệt tình. Hội thi Tiếng hát đồng quê thực sự là “nhịp cầu” gắn kết tình đoàn kết trong nông dân, nông thôn. Bởi đây không chỉ là sân chơi dành cho các thí sinh trên sân khấu “tỏa sáng”, mà còn là dịp để những khán giả giao lưu, thể hiện tình yêu văn nghệ.
Kết quả hội thi: Xã Tam Quan Nam đoạt giải Nhất. Thị trấn Tam Quan giải Nhì. Xã Tam Quan Bắc giải Ba.
Tuy “cây nhà lá vườn” nhưng qua Hội thi cho thấy có những giọng ca lay động lòng người, tiềm năng văn nghệ của nông dân. Tuy thời gian diễn không nhiều nhưng trên sân khấu và người xem có những “khoảnh khắc đẹp”. Đó là khi chị Huỳnh Cẩm Nhung (37 tuổi, ở thôn Trung Hóa, xã Tam Quan Nam) là một khán giả nhưng mạnh dạn tham gia đầy tự tin ca khúc “Giấc mơ Cha - pi” khá hay khiến khán giả vỗ tay không ngớt. “Không chỉ riêng tôi mà bà con nông dân xứ dừa rất “mê” văn nghệ. Nghe mọi người hát là tôi lại muốn xung phong lên hát giao lưu liền à!”, chị Nhung phấn khởi.
Đánh giá về Hội thi, bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban tổ chức, cho biết: “Nhìn chung, các thí sinh đã thể hiện tốt phần thi của mình. Tuy chưa thực sự “tròn trịa”nhưng Hội thi đã toát lên nét đẹp mộc mạc, chất phác của những “nghệ sĩ nông dân”, đúng chất đồng quê. Hội thi tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên nông dân có dịp giao lưu, học hỏi, tăng tình đoàn kết và phát triển đời sống văn hóa tinh thần trong nông dân”.
KIM CƯƠNG