PCI 2015 - Cần thêm “điểm sáng”!
Ngày 16.4, Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 (PCI 2014) đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Với Bình Định, kết quả cho thấy đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh của địa phương có phần lạc quan hơn năm trước. Trên bình diện cả nước, Bình Định đã có sự tiến bộ hơn khi chuyển từ vị trí thứ 18 năm 2013 lên vị trí thứ 17 bảng xếp hạng. Điều này cho thấy môi trường kinh doanh của địa phương có sự chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, kết quả phân tích, so sánh cụ thể về các chỉ số trong bảng xếp hạng PCI 2014 cho thấy niềm vui cải thiện thứ hạng của Bình Định là chưa trọn vẹn.
Trước hết, mặc dù nằm ở vị trí 17/63 tỉnh, thành phố của cả nước, nhưng so sánh trong khu vực duyên hải Miền Trung thì Bình Định chỉ đứng ở vị trí thứ 5, xếp sau Đà Nẵng (xếp vị thứ 1), Thừa Thiên-Huế (13), Quảng Nam (14) và Khánh Hòa (16). Trong khi đó, trong bảng xếp hạng năm 2013, tuy đứng ở vị thứ 18 nhưng Bình Định lại xếp trên Quảng Nam (27) và Khánh Hòa (34). Như vậy là, trong bảng xếp hạng PCI 2014 Bình Định chỉ “nhúc nhích” tăng được một bậc thì các tỉnh bạn lại có bước “nhảy vọt” hàng chục bậc. Trong hành trình liên tục tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng có tính cạnh tranh hơn thì có thể xem đây là một bước lùi, đúng hơn là một sự thua sút, của Bình Định so với một số địa phương trong khu vực trong năm 2014.
Một điểm khác cũng cần phân tích là trong 10 trọng số được đánh giá xếp hạng thì Bình Định có 6 trọng số có chuyển biến tích cực và 4 trọng số giảm sút theo hướng tiêu cực. Các trọng số chuyển biến tích cực là: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý; các trọng số tụt lùi là: Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Cạnh tranh bình đẳng. Cụ thể, Tiếp cận đất đai năm 2014 là 6,18 trong khi năm 2013 là 7,61, Chi phí không chính thức (4,68/6,83), Tính năng động (4,2/5,21) và Cạnh tranh bình đẳng (5,16/6,25).
Sụt giảm đáng lo ngại trong PCI 2014 của Bình Định về Chi phí không chính thức, Tính năng động, Tiếp cận đất đai và Cạnh tranh bình đẳng là vấn đề cần được phân tích, mổ xẻ, đánh giá hết sức thấu đáo để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Theo đánh giá của các chuyên gia thì đây cũng chính là các lĩnh vực “nhạy cảm”, có độ khó và phức tạp nhất trong môi trường kinh doanh. Vì vậy, đây cũng là các lĩnh vực cần có sự tập trung cải cách để có sự cải thiện rõ ràng, tích cực ngay trong năm nay. Đây không phải là vấn đề của riêng Bình Định mà cũng là vấn đề của hầu hết các địa phương trong cả nước.
Theo phân tích của VCCI, kết quả của PCI 2014 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh đã được phục hồi, chất lượng điều hành của địa phương dần được cải thiện, nỗ lực cải cách rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. Tuy nhiên, các lĩnh vực khó và phức tạp như giảm thiểu Chi phí không chính thức, tăng cường Tính năng động của chính quyền tỉnh, thuận lợi hơn và ổn định hơn trong Tiếp cận đất đai hay tạo ra môi trường kinh doanh Cạnh tranh bình đẳng vẫn tiếp tục cần nhiều nỗ lực để cải thiện của chính quyền các địa phương.
Hy vọng rằng với nhiều “điểm sáng” tích cực trong năm qua, Bình Định sẽ có nhiều nỗ lực cải cách mạnh mẽ ngay trong năm 2015 này. Có như vậy mới xóa bớt được các “điểm mờ” trong năm 2014, có thêm nhiều “điểm sáng” hơn để bức tranh PCI 2015 sẽ sáng sủa và tươi đẹp hơn. Đó cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Bình Định mong đợi và kỳ vọng ở chính quyền tỉnh.
HẢI ĐĂNG