10 năm thực hiện Dự án lắp chân giả của Ủy ban Quốc tế CTĐ:
Mang niềm vui cho người khuyết tật nghèo
Bắt đầu từ năm 2003, chương trình lắp chân giả do Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ (CTÐ) tài trợ đã mang đến niềm vui cho hơn 1.500 người khuyết tật nghèo trong tỉnh.
Niềm vui được lắp chân giả
Năm 14 tuổi, bà Nguyễn Thị Bảy (ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) vướng phải mìn, mất đi một phần chân trái. Từ đó, mọi sinh hoạt của bà Bảy đều phải dựa vào đôi nạng gỗ. Tìm mọi cách để mưu sinh, nhưng cuộc sống của bà vẫn rất khó khăn. Năm 2003, khi dự án lắp chân giả được triển khai tại Bình Định, bà Bảy là 1 trong số 14 trường hợp khuyết tật của huyện Vân Canh được hỗ trợ lắp chân giả. Đến nay, bà đã có thêm hai lần được mời đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn để theo dõi và làm lại chân giả mới phù hợp.
Gần 10 năm nay, bà Bảy tự nuôi mình bằng nghề dọn chợ. Người dân ở xã Canh Vinh đã quá quen với những bước chân tập tễnh của bà mỗi phiên chợ xổm. Đều đặn từ 4-10 giờ mỗi sáng, bà Bảy đi khắp chợ thu tiền chợ và dọn dẹp. Nhờ có chân giả nên việc đi đứng của bà dễ dàng hơn. Bà Bảy kể: “Tôi sống một mình, chẳng có con cháu để nhờ vả. Từ ngày được lắp chân giả, mỗi tháng tôi cũng tự kiếm được vài trăm ngàn đồng tự lo cho cuộc sống, làm việc lặt vặt và chăm sóc bản thân”.
Gặp anh Nguyễn Bá Hùng, 42 tuổi (ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát) trong giờ tập đi với chân giả tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện của anh. Đang là trụ cột gia đình với hai đứa con, anh Hùng đột ngột bị bệnh chai chân. 7 lần mổ liên tiếp trong một năm vẫn không chữa hết bệnh, anh Hùng đành chấp nhận cắt bỏ một phần chân phải để chấm dứt những cơn đau. Vượt qua những hụt hẫng lúc đầu, vợ anh bàn làm chi giả cho anh nhưng chưa có đủ tiền. Mới đây, được Hội CTĐ huyện giới thiệu, anh Hùng đã được hỗ trợ lắp chân giả.
Những ngày này, anh Hùng được hỗ trợ tập luyện phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn. Quên đi những lúc đau đớn vì chưa quen với chân giả, anh Hùng lạc quan chia sẻ: “Tôi chỉ mong mình mau chóng đi được bằng chân giả để về với gia đình. Khi ấy, tôi sẽ tiếp tục nghề sửa xe máy để hỗ trợ vợ lo cho hai con ăn học. Tụi nhỏ rồi sẽ thiệt thòi hơn bạn bè cùng lứa, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức!”.
Hơn 1.500 người được hỗ trợ
Bà Nguyễn Thị Bảy, anh Nguyễn Bá Hùng chỉ là hai trong số hơn 1.500 người khuyết tật chi đã được Hội CTĐ tỉnh giới thiệu đến Dự án lắp chân giả do Ủy ban CTĐ Quốc tế tài trợ. Dự án hỗ trợ trọn gói chi phí cho các đối tượng từ chi phí lắp chi, giày, tất đến việc ăn, ở, đi lại. Sau khi lắp chi, người nhận hỗ trợ vẫn được theo dõi định kỳ và tiếp tục được hỗ trợ mọi chi phí làm chi mới nếu kích thước chi thay đổi theo độ tuổi, thể trạng.
Bà Nguyễn Thị Đức, Trưởng Ban Chăm sóc sức khỏe, Hội CTĐ tỉnh, cho biết: “Trong thời gian đầu, trung bình mỗi tháng có khoảng 40 người cụt chi được lắp chi mới. Những năm gần đây, khi số người bị cụt chi chưa được hỗ trợ không còn nhiều, mỗi tháng có gần 10 người được đưa đến Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn thực hiện lắp chi và phục hồi chức năng. Không chỉ riêng Bình Định, người khuyết tật chi ở các tỉnh từ Quảng Ngãi vào Ninh Thuận và Tây Nguyên cũng được hỗ trợ thực hiện lắp chi giả theo dự án tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn”.
Bà Đức cho biết thêm, mỗi trường hợp người khuyết tật chi là một câu chuyện rất riêng. Nhiều người phải trải qua hàng tháng trời trong đau đớn để phẫu thuật tái tạo mỏm cụt, rồi mới lắp chân giả. Nhưng tựu chung lại ở họ là niềm khát khao được độc lập vươn lên trong cuộc sống. Ngày ra viện, niềm vui của họ và gia đình truyền qua nhân viên của Hội và cả cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn.
Ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, nhìn nhận: “Bình Định là một trong những địa phương có nhiều người bị cụt chi do ảnh hưởng của chiến tranh và tai nạn lao động. Chương trình lắp chi giả do Ủy ban Quốc tế CTĐ tổ chức với quy mô lớn, hỗ trợ chi phí trọn gói và kéo dài trong nhiều năm, mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. 10 năm qua, chương trình đã giúp nhiều người nghèo cụt chi có thêm cơ hội phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng”.
NGUYỄN MUỘI