Thêm một cuốn nhật ký chiến trường được xuất bản
Đúng vào dịp cả nước chuẩn bị kỉ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975-30.4.2015), nhà thơ Lệ Thu cho ra mắt cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” (Nxb Quân đội Nhân dân), góp một tư liệu, một tiếng nói về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc.
Lí do xuất bản và tinh thần của cuốn sách được tác giả nói rõ trong đoạn văn này: “Cuốn nhật ký này tôi cất giữ 40 năm nay, nghĩ nó chỉ là những kỉ niệm buồn vui của riêng mình. Nhưng giờ đây, bỗng nhiên tôi muốn nó được đến với mọi người, để những sự tích anh hùng của những trái tim đau thương, những tâm hồn cao cả ấy được lấp lánh giữa cuộc đời, được sống mãi với thời gian, không bị ai lãng quên, không bị ai làm hoen ố!” (tr. 301).
Như vậy, sau một độ lùi lịch sử đủ dài, nhà báo - nhà thơ Lệ Thu quyết định chia sẻ thông tin, mở rộng công chúng cho những trang nhật ký của mình. Sự xuất hiện của “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” cũng góp phần làm cho thành tựu thể tài nhật ký chiến trường thêm phần phong phú. Giờ đây, sau những “Nhật ký chiến trường” của Chu Cẩm Phong, “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”… bạn đọc lại có cơ hội để hình dung về đất nước trong những năm tháng chiến tranh ác liệt qua góc nhìn của một nữ nhà báo.
Thời chiến tranh, chị Lệ Thu là phóng viên, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (1964-1972). Vào những năm cuối cuộc chiến, chị được điều động sang làm phóng viên, biên tập viên của Đài Phát thanh Giải phóng (1973-1975). Ngày 11.8.1973, chị rời Hà Nội vào Nam, trực tiếp tác nghiệp tại chiến trường Nam Trung Bộ, chủ yếu là ở Bình Định. Ngoài những bài báo phản ánh kịp thời tình hình chiến sự, chị còn miệt mài ghi chép nhật ký chiến trường.
Theo thời gian, cuốn nhật ký của chị cứ ngày một dày lên, ăm ắp sự kiện, dày đặc thông tin và phong phú các chân dung con người thời chiến. Tất cả đã được chị “san định”, sắp xếp lại theo từng chủ đề khiến “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” trở nên sáng rõ, chặt chẽ về bố cục mà không hề phương hại đến trật tự ngày tháng và diễn biến sự kiện. Mặt khác, người viết tôn trọng sự thật, chủ động tiếp cận hiện thực theo một cách riêng, với một quan niệm về thang bậc giá trị cụ thể. Do đó, cuốn sách của chị đạt được nhiều giá trị rất đáng trân trọng.
Trong mắt nhà báo Lệ Thu, “chiến tranh chẳng có gì vui” (tr. 300). Bởi chiến tranh đã gây ra biết bao nỗi tang thương, li tán cho dân tộc này. Bản thân chị, gia đình chị cũng không là ngoại lệ. Vì sự nghiệp chung, chị đã rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam khi đứa con hãy còn thơ dại. Những dòng nhật ký ngày 10.8.1973 cho thấy có cả một nỗi giằng xé nội tâm nơi chị rất mãnh liệt. Dù quyết định đã được đưa ra nhưng chị không thể dửng dưng khi nhìn đứa con đang “ngủ thanh thản bình yên quá”, khi chợt nghĩ đến ngày mai, ngày sau nó không có mẹ ở bên chăm sóc.
Cuốn nhật ký đã được khởi đi bởi những câu văn đầy tâm trạng như vậy. Sau này, trên nhiều trang nhật ký nối tiếp, người đọc lần lượt bắt gặp cả một dòng tâm trạng của chị. Nói chính xác, đó là nỗi buồn, nỗi đau đớn khi chị tai nghe, mắt thấy về những hi sinh mất mát của đồng đội, đồng bào trước bàn tay tàn bạo của kẻ thù. Đó còn là nỗi nhớ thương con da diết, hay nỗi đau khi có kẻ đi cùng đường nhưng lại không phải là đồng chí, đồng đội… Chiến tranh là một trạng thái bất bình thường của đời sống, vì thế, con người luôn bị dồn đẩy vào biết bao tình huống khốc liệt. Để chiến thắng, để bảo toàn lợi ích chung, mỗi một người đều chấp nhận hi sinh tình yêu, tuổi trẻ và cả hạnh phúc được làm mẹ… “Chiến tranh chẳng có gì vui”, do đó, là một suy nghiệm lịch sử được nhà báo Lệ Thu đúc rút qua một thời gian dài, dựa trên thực tế bản thân, đồng đội và rộng ra là số phận của dân tộc. Có thể nói, đó là một tổng kết ngắn gọn, giản dị nhưng ý nghĩa về nhiều mặt.
“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” tuy phản ánh nhiều về những mất mát, hi sinh song không nhằm kiến tạo trạng thái cảm xúc bi lụy, yếm thế. Bởi vì, giữa cái “chẳng có gì vui” ấy, bản thân chị cũng như những người miền Trung vẫn luôn yêu đời, lạc quan và đầy khí thế đấu tranh chống lại kẻ thù. Đọc gần 300 trang nhật ký, tôi thấy chị Lệ Thu nhiều lần nhắc đến tiếng cười của mọi người với nhiều sắc độ khác nhau. Song tất cả đều toát lên một trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan của một dân tộc khi đang phải đối mặt với cuộc chiến đầy khốc liệt. Không rõ là ngẫu nhiên hay chủ ý nhưng sự xuất hiện với một mật độ dày về tiếng cười trong tác phẩm như vậy đã đem lại cho cuốn sách một không khí riêng, ấn tượng.
“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” đem đến cho người đọc hôm nay một lượng thông tin hết sức phong phú, liên quan tới nhiều địa phương, nhiều tập thể và con người khác nhau. Là phóng viên, chị thường xuyên di chuyển, gặp gỡ với nhiều đối tượng khác nhau. Do đó, “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” bao quát một hiện thực rộng lớn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, giữa bộn bề sự việc và con người như vậy, ngòi bút Lệ Thu có thiên hướng ưu tiên tập trung khắc hoạ chân dung những con người bình thường mà phi thường. Ví như, bà mẹ vùng khu dồn rất bình tĩnh xử lí tình huống, giúp chị tránh được nguy hiểm do lạc đường; hay cô nữ sinh trường Hoài Nhơn II quyết đi theo cách mạng, đã thuyết phục được người cha vốn là một ấp trưởng độc ác thay đổi thái độ, quay lại chống bọn nguỵ quyền xã ấp… Có thể nói, nhân dân là một nhân vật vĩ đại trong mọi cuộc chiến chống kẻ thù, giành lại chủ quyền độc lập cho đất nước.
“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” gây xúc động cho người đọc còn ở những trang viết về quê hương và tình mẫu tử. Hai chủ đề này có sự gắn bó, hoà quyện, bởi Bình Định là nơi chốn nhau cắt rốn của tác giả, nơi người mẹ vẫn hằng ngóng trông chồng, trông con trở về đoàn tụ. Không khó để nhận ra cái háo hức của chị khi đặt được những bước chân đầu tiên lên mảnh đất quê hương sau nhiều tháng năm dài xa cách.
- “Bàn chân ta đã đặt lên mảnh đất quê hương. An Lão đây rồi. Bình Định ơi, quê hương yêu dấu của ta” (tr. 49).
- “Vào phố Tam Quan trong đêm trăng, lòng thấy hồi hộp lạ thường” (tr. 70).
- “Quê hương tôi, sau mười tám năm trời xa cách, giờ trở lại xóm cũ làng xưa bồi hồi quá! Buổi trưa trên cánh đồng Phước Hưng, nhớ lại quang cảnh đường sá, nhà cửa quê hương mình thuở trước. Tất cả giờ đây đã thay đổi, nhưng bầu trời vẫn trong xanh, mặt đất vẫn dịu hiền ấm áp như xưa. Tôi như muốn uống lấy cả niềm vui nỗi buồn, muốn thâu tóm lấy, muốn khắc ghi lại tất cả những gì là máu thịt của quê hương” (tr. 117)…
Tôi nghĩ những ai đã trải qua cuộc chiến tranh oanh liệt ấy sẽ trân trọng tập nhật ký này. Và cả những người mới đến, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh cũng sẽ nâng niu những trang đời của một lớp người đi trước. Lệ Thu viết cho riêng chị, nhưng "tài liệu cá nhân" này cần thiết và có ích cho tất cả chúng ta.
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Những câu văn, đoạn văn thấm đẫm cảm xúc như thế xuất hiện nhiều trong “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”. Thế mạnh ngòi bút Lệ Thu chính là khả năng biểu đạt sự việc, sự kiện một cách đầy cảm xúc. Nói cách khác, trong mỗi trang viết của “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”, người đọc thấy có dấu ấn của tâm hồn thi sĩ. Sự kết hợp giữa thông tin và cảm xúc, giữa phản ánh và bình luận đã mang lại cho tác phẩm của chị một hàm lượng văn chương cần thiết, do đó, tạo được khoảng cách nghệ thuật nhất định so với những tác phẩm khác cùng thể tài.
“Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” của tác giả Lệ Thu là một cuốn sách chưa đựng nhiều thông điệp về quá khứ, hiện tại và tương lai. Bất cứ ai, sau khi đọc xong cuốn sách này, sẽ dễ đồng tình với quyết định của tác giả về việc cần thiết phải xuất bản “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường”. Rõ ràng, cuốn sách không nhằm đánh bóng tên tuổi của người viết hay một cá nhân nào đó. Nó hướng tới cộng đồng, vừa để bày tỏ niềm vui khi đất nước độc lập, thống nhất; vừa để nhắc nhở cùng nhau tôn trọng quá khứ, bảo vệ những giá trị đã được xác lập bằng xương máu của nhân dân. Với nhận thức như vậy, chúng ta có thể nói rằng, cuốn “Nhật ký nữ nhà báo chiến trường” cuối cùng lại là câu chuyện về niềm vui lớn lao, bất tận - đúng như tác giả tâm sự:
“Chiến tranh chẳng có gì vui, nhưng Tổ quốc thoát khỏi nạn xâm lăng, đồng bào thoát khỏi những nhà lao độc ác, các gia đình thoát khỏi sự chia lìa, đất nước hoà bình thống nhất… là hạnh phúc vô biên, là niềm vui bất tận của cả dân tộc và của mỗi cuộc đời, trong đó có cuộc đời tôi và cha mẹ, gia đình tôi” (tr. 300)…
LÊ NHẬT KÝ