Chị Hai Thắm
Ký của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
LTS. Trong không khí cả nước tiến tới kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975-30.4.2015), Báo Bình Định nhận được bài bút ký dưới đây của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - từng là người lính của Sư đoàn Sao vàng chiến đấu tại Bình Định, vì điều kiện công tác hiện đang sống tại Nha Trang.
Tác giả tâm sự, giữa những ngày kỷ niệm Bình Định và chuẩn bị kỷ niệm 50 mươi năm thành lập Sư đoàn Sao Vàng anh hùng, chị nhớ đến tình nghĩa của những người dân Bình Định trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt đã cưu mang, giúp đỡ bộ đội Sư đoàn 3. Câu chuyện chị viết trong bài ký này như một nén hương lòng tưởng nhớ đến những người mẹ, người chị Hoài Nhơn đã quên mình giúp đỡ bộ đội.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Đã nhiều lần về thăm quê, thăm chiến trường xưa tôi đều ghé qua ngôi nhà ấy, dẫu biết có thể không gặp được ai như những lần trước nhưng tôi vẫn cứ đến.
Hôm nay vừa đến ngõ, thấy sau nhà có bóng người, tôi gọi: Có ai trong nhà không cho tôi hỏi thăm? Có tiếng vọng ra: - Ai hỏi gì vậy? Tôi bước vào sân, và hỏi: - Đây có phải nhà má Năm, có con gái tên là Thắm và Thêm không? - Đúng rồi! Nhưng chị là ai mà biết rõ nhà tui vậy?
Nói rồi, người đàn bà kia lê bước chân khập khiễng nặng nhọc bước vào nhà. Trước mắt tôi là một thiếu phụ gầy còm, tóc hoa râm, khuôn mặt hốc hác, hai lún đồng tiền trên má như hai dấu phẩy, tóp vào làm cho khuôn mặt trở nên gầy, tiều tụy hơn. Tôi đến đỡ chị ngồi xuống chiếc chỏng tre và hỏi: - Chị là chị của Thêm phải không? - Tui là Thêm đây!
Tôi sững sờ nhìn Thêm. Mới 23 năm mà sao em khác quá. Hình ảnh bé Thêm ghi trong đầu tôi là một cô gái hồn nhiên, vô tư, nhanh nhẹn, có đôi mắt tròn to, trong sáng, có hai lún đồng tiền lúng liếng. Nếu đúng là Thêm thì năm nay em chừng hơn 40 tuổi mà sao trông em già quá. Không kiềm chế được nỗi xúc động, tôi ôm Thêm và nói trong nghẹn ngào: Chị Hạnh đây! Năm 1972, trong một trận càn lớn, chị với em núp dưới hầm thải phân heo đó, em còn nhớ hông?
Thêm đứng dậy, nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi ngồi khụy xuống, ôm riết tôi khóc dàn dụa. Một hồi lâu Thêm mới nói được: - Em nhớ ra rồi! Hôm ấy, nếu không có chị Hai em nhanh trí thì em và chị đã chết rồi.
Thêm đã nhận ra tôi. Hai chị em mừng quá! Tôi kéo Thêm đứng dậy: - Giờ chị Hai Thắm ở đâu, chị rất muốn gặp. Đang vui, bỗng Thêm buổn hẳn, đưa mắt lại phía bàn thờ, giọng chùng xuống: - Chị Hai và má em mất rồi chị ạ! Thêm gục đầu vào vai tôi nói trong tiếng khóc tức tưởi. Nghe tin như sét đánh! Tôi ngồi khụy xuống giường choáng váng, nghĩ thương chị quá! Một lúc sau bình tâm tôi đứng dậy, bước lại phía bàn thờ, giở miếng vải đỏ phủ trên tấm hình của chị Hai và má Năm. Nhìn tấm hình chị, ký ức ngày ấy lại trổi dậy trong tôi, tất cả lại hiển hiện như bộ phim quay chậm.
Đó là một buổi chiều, cuối năm 1972, tôi về phép ở Hoài Mỹ lên, vừa qua khỏi thôn Thiện Đức, giáp Hoài Thanh, định đi đến điểm hẹn để về đơn vị. Tôi thấy hai chiếc mo-ran quần lượn dọc quốc lộ một, rồi vòng xuống Thiện Đức, quay lên phóng một quả mù, sau đó một tràng pháo bắn xối xả xuống vườn dừa trước mặt tôi. Đồng bào đang làm ngoài đồng, vội vàng ùa chạy về nhà. Một bầy trực thăng UH-1A và 2 chiếc tàu rọ quần, lượn xềnh xệch trên đầu, như rà soát từng người một. Tôi lấy cái mũ tai bèo bỏ vào ba lô, bung chéo dù hoa ra đội trên đầu để che cái ba lô, rồi hòa vào trong đám đông dân làm đồng chạy ngược lại.
Có người phía sau giật chiếc ba lô tôi nói như quát: - Muốn chết hả! Trực thăng nó sẽ hạ cánh xuống bất cứ lúc nào để bắt cô đấy! Nói rồi, chị giật chiếc ba lô trên vai tôi bỏ vào gánh khoai mì của chị, lại lấy khoai mì tủ chiếc ba lô, đưa cái nón cho tôi đội, bảo tôi gánh chạy đi. Còn chị thì vác lọn chái mì, vừa chạy vừa chỉ đường cho tôi.
Tôi nghe chiếc UH-1A sà thấp, bắn một loạt súng máy phía sau. Cái nón tôi đội trên đầu bị cuốn theo gió. Tôi lừng chừng. Chị không cho tôi nhìn lại . Chị nói: - Nó bắn uy hiếp để hạ xuống bắt mấy ông đàn ông phía sau đó! Em chạy nhanh lên!
Tôi cắm đầu chạy, thở khô rát cả miệng mũi. Đã từ lâu tôi không gánh. Lúc mới đặt quang gánh trên vai, thấy đau vai quá. Thế mà chạy một hồi tôi quên cả đau.
Vừa vào đến làng, có những cây dừa và bụi cây che khuất, tôi quay lại nhìn, thì thấy lô nhô những chiếc xe bọc thép M113 đã tràn xuống cánh đồng. Đi sau M113 là lũ bộ binh lổn ngổn như đàn kiến mối. Chúng vừa đi, vừa bắn đạn xé nát những rặng cây trước mặt. Tôi đang bối rối không biết trốn vào đâu thì chị đã lôi tôi chạy vào nhà chị. Chị đóng sập cánh cửa lại, kéo tôi ra sau vườn, giao cho bé Thêm. Tôi thấy Thêm có súng và lựu đạn, tôi yên tâm. Thêm dẫn tôi ra chỗ hầm thải phân heo, rồi nói: Hôm nay nhà em có khách nên hầm bí mật chật rồi, chị em mình trốn tạm đây.
Tôi và Thêm giở mấy lọn lá dừa chất trên miệng hầm chui xuống. Cái hố giáp bờ rào, chiều ngang khoảng 80cm, sâu khoảng hơn 1m, dài khoảng 4m. Có lẽ nhờ phân heo ngấm vào mà cây dứa dại và cây ngũ sắc mọc um tùm, đan xen với nhau. Bên trên lại được chất củi và những lọn lá dừa dự trữ để nấu cháo heo. Phía trên gác mấy tấm tôn che mưa để khỏi ướt củi.
Dưới hầm, phân heo và nước sền sệt ngập đến cổ chân, thúi quá. Những con dòi to tướng, ngoi lên, rợn cả người. Thêm vẫy tôi lại ép người trườn lên triền đất, chỗ bụi cây ngũ sắc và dứa dại. Chúng tôi lấy những lọn lá dừa phủ quanh mình, kéo chùm dứa dại đội trên đầu, mỗi đứa moi một cái hổ, úp mặt xuống thở cho bớt thúi. Một lúc sau, chúng tôi cũng quen dần.
Vừa ngụy trang xong, bọn lính đã tràn vào trước sân nhà. Tiếng chó sủa inh ỏi. Tiếng bước chân lạo xạo. Tôi vạch một khe hở nhỏ, hé mắt nhìn, thấy chúng đã ra phía sân sau khoảng 15 thằng, mặc quần áo rằn ri, đứa nào cũng lăm lăm cây súng trên tay, trông dữ tợn. Thêm đưa cho tôi quả lựu đạn. Còn Thêm thì sẵn sàng trong tay cây các-bin. Chúng tôi chọn tư thế dể quan sát, nếu bị lộ cũng phải giết được mấy tên trước khi chết.
Một thằng mang súng ngắn, cao to, mặt đen sì, bộ lông mày rậm ri, mắt ti hí xách ngược, miệng rộng, có bộ ria mép rất ngầu. Nó mặc bộ đồ rằn ri ngắn tay, để hở cổ, phanh ngực, phơi ra sợi dây chuyền to như cái xích chó, mặt dây chuyền là cái móng cọp nhọn hoắt. Cánh tay phải xăm chữ “ Hận tình”. Cánh tay trái xăm hình quả tim, có mũi tên xuyên qua. Trên tay nó cầm cây ba-toong, mặt hằm hằm. Nó đi đến chuồng heo, đưa cây ba- toong vào lật cái máng heo lên, chọt chọt, rồi nói: Bọn bay tìm cho kỹ, những chỗ như thế này thường là cửa hầm bí mật đấy! Cả bọn ùa vào nhìn. Bầy heo nhốn nháo. Một con heo đực phóng ra, va vào nó, làm nó ngã ngửa, phân heo văng cả vào người. Nó đứng dậy, tức mình chưởi thề, đ… má! rồi rút súng bắn con heo chết tại chỗ. Nó quay lại chĩa súng vào chuồng heo bắn ba phát liên tiếp. Bầy heo nhao nhao, kêu eng éc.
Bọn lính nghe tiếng súng, từ sân trước đổ xô ra rất đông. Má Năm sợ nó bắn chết đàn heo, ra ôm chân thằng Hách năn nỉ: - Tôi lạy các ông! Các ông đừng làm kinh động, con heo nái của tôi nó đẻ non, tội nghiệp. Các ông tìm Việt Cộng thì lên núi mà tìm, chứ ở đây làm gì có. Thằng Hách gằn giọng: - Chúng tôi biết bọn Việt Cộng nó nằm dưới lòng đất nầy, trong từng nhà của các người, chứ núi nào. Bà giấu nó ở đâu, chỉ cho chúng tôi sẽ được lãnh tiền thưởng, nuôi heo chi cho cực. Nói rồi, nó khoát tay bảo bọn lính: Chúng bay lục tung khu vực nầy lên, coi bà già giấu bọn Việt Cộng ở đâu. Còn bà già, vào trong nhà đưa tôi xuống hầm, tôi kiểm tra, nếu có Việt Cộng dưới đó thì bà đừng có trách!
Má Năm đi theo nó vào trong nhà. Vườn nhà má Năm rộng, phơi đầy vỏ và tàu dừa. Bọn lính giở tung từng cái vỏ dừa, tàu dừa, xăm chọt khắp vườn. Chị Hai Thắm nãy giờ ngồi dưới gốc dừa, kéo sụp cái nón cời che mặt, xắt rau và băm khoai mì để nấu cháo cho heo, vờ như không có việc gì phải lo lắng; giờ thấy bọn lính sục sạo kỹ quá, chị cũng hơi mất bình tĩnh. Chị ném cái nón xuống đất, cởi chiếc áo khoác ngoài xấu xí, lau sạch lớp lọ nồi và đất bôi lem luốc trên mặt, vuốt mái tóc kẹp lại. Trời ơi! Bây giờ tôi mới nhìn rõ, chị đẹp quá! Chị cao ráo, căng tròn sức sống, làn da trắng nõn nà, nổi bật trên chiếc áo ngắn tay màu đen cổ rộng. Khuôn mặt trái xoan, cái mũi dọc dừa, đôi mắt đen tròn, cái môi đỏ mộng, thật quyến rủ. Tôi hơi hồi hộp, lo lắng, không biết chị định làm gì. Tôi nghĩ, nét đẹp của chị lúc này là tai họa cho chị.
Có ba thằng lính lại chỗ trại củi, trên cái hầm thải phân heo - đúng chỗ chúng tôi đang trốn. Hai thằng chĩa nòng súng gạt những bó củi và xăm vào những bó lá dừa sát chỗ chúng tôi nằm. Thằng kia đến cửa hầm, đưa cây gậy gạt lọn lá dừa lên, ghé mắt xuống. Tôi rút khuy lựu đạn, cắn chặt môi, tư thế sẵn sàng; còn Thêm đưa nhẹ tay lên cò súng. Tôi và Thêm nằm im, nín thở. Chỉ cần một lay động nhẹ là sẽ bị phát hiện ngay.
Bỗng chị Hai đi đến nắm tay thằng lính đứng cạnh cửa hầm. - Anh ơi! Chỗ này thúi lắm. Việt Cộng nào núp dưới đó chịu nổi mà anh tìm. Thằng lính ngước mắt lên, thấy chị, nó sững sờ, ném vội cái gậy xuống đất, nắm tay chị và nói: - Em đẹp quá! Từ sớm giờ em ở đâu mà anh không thấy? Chị nắm tay thằng lính, vừa đi vừa nói kéo sang góc vườn bên kia, xa chuồng heo. Tất cả đám lính dừng tay quay sang “tán” chị. Chúng nhao nhao, thằng nào cũng tranh nói: Cưng mà xuất hiện sớm thì các anh đâu có xăm vườn nhà cưng làm gì. Sao nỡ làm khó người đẹp, có phải không các ông? Cả đám lính cười nham nhở! Chị nũng nịu nói: - Em ở đây chứ ở đâu. Các anh mãi tìm Việt Cộng chứ đâu có để ý gì đến em. Bọn lính thấy gái đẹp như “mèo thấy mở” trầm trồ. “ Ở cái xứ nhà quê này mà có cô gái đẹp thế!”. Tôi và Thêm hít một hơi dài, rồi thở ra như trút đi gánh nặng.
Chưa kịp mừng thì cả đám lính nhào vào ôm chị. Thằng nào cũng giành, cô ấy là của tao. Chúng nó kéo qua, kéo lại xâu xé chị. Mặt tôi nóng ran. Thêm cũng vậy. Thương chị quá Thêm định xông lên cứu chị. Tôi giằng lại, từ từ đã… xem chị đối phó thế nào. Một thằng lính đứng ngoài nói thật to: Cô ấy là bồ của trung úy đó! Nhà trung úy sát bên đây nè. Tôi ở gần đây tôi biết mà. Chúng nó dừng tay, giãn ra. Thằng Hách nghe ồn ào, từ trong nhà bước ra: - Bọn bay không thi hành nhiệm vụ đi, tụ tập lại đó làm gì? Cả bọn đồng thanh: - Chúng em tìm kỹ rồi, không có gì đâu; ở dưới là cái hầm thải phân heo, thúi lắm không ai ở dưới đâu trung úy ạ. Một thằng mắt sâu, mày rậm nói: - Trung úy dắt cô gái này theo, trung úy cứ “xài” trước đi, còn lại bọn em. Chị Hai lại ôm tay thằng Hách, vừa đi vừa nói như một tình nhân: -Anh có ưng em thì về nói má anh, qua nói với mẹ em, cưới em làm vợ, để em đi với anh, chứ ở đây nuôi heo khổ quá anh ạ. Thằng Hách tức hậm hực: - Cô tưởng tôi tin lời cô à! Lần nầy từ miệng cô nói ra. Nhớ đấy!
Nghe có loạt súng máy nổ phía trước nhà, sau đó, tiếng lựu đạn nổ chát chúa. Có tiếng chân người chạy, tiếng khóc la, tiếng chó sủa ầm ĩ, chẳng nghe rõ được gì. Nghe tiếng thằng Hách quát: Nhanh lên, chúng ta qua bên kia! Cả bọn rầm rập chạy qua hướng súng nổ. Khu vườn nhà má Năm trở nên yên ắng. Tôi và Thêm thấp thỏm chờ đợi, ruột nóng như lửa đốt, không biết tình hình như thế nào? Chị Hai liệu có thoát khỏi được bọn chúng nó không?
Đến xẩm tối, nghe có tiếng động má Năm ra cho heo ăn. Thêm bò lại miệng hầm hỏi khẽ má. Má nói: - Nó ném lựu đạn xuống hầm nhà chú Sáu, rồi lôi chú lên. Chú đã chết rồi mà thằng Hách còn bảo bọn lính chặt đầu ông ấy mang về quận. Cả làng mình đi theo lên đấu tranh đòi lại và tố cáo tội ác dã man của bọn chúng. Con Hai cũng đi trên đấy. Tao thấy thằng Hách nó kèm con Hai chặt quá, sợ không thoát được. Bọn mày cứ chịu khó ở đấy, tao vào lấy cơm cho ăn rồi đi nghe ngóng xem bọn nó đã rút hết chưa.
Về khuya, trời tối đen như mực. Ở dưới hầm vừa sợ dòi, vừa sợ rắn cắn, tôi và Thêm bò lên trên đống lá dừa nằm chờ đợi. Tôi hỏi Thêm: - Chị Hai đẹp thế sao không trốn đi? Thêm nói: - Tổ chức giao cho chỉ làm công tác binh vận. Nhờ chỉ có sắc đẹp nên nói bọn lính dễ xiêu lòng. Chỉ bị bắt nhiều lần rồi nó cũng thả. - Lần này gặp thằng Hách không biết chị có thoát nổi không? Thằng này nó thích chị Hai ghê lắm nhưng chị không thích nó. Lúc nó chưa đi lính, tên nó cũng đẹp. Từ ngày nó đi lính, nó hống hách quá, dân làng ghét, họ gọi nó là thằng Hách, quên luôn cái tên thật của nó luôn.
Khoảng 2 giờ đêm, má Năm ra gọi chúng tôi vào và nói: - Bọn địch đã rút, co cụm lại những chốt điểm dọc quốc lộ. Má đưa mắt lại phía tôi hỏi: - Cháu ở đơn vị nào, giờ đi về hướng nào? - Dạ, cháu tên Hạnh, ở Sư đoàn 3. Thêm nhanh nhẹn hớt lời: - Má yên tâm để con dẫn chỉ đến điểm hẹn, giao cho giao liên, rồi chỉ về đơn vị. Việc nầy con quen rồi mà.
Má Năm đưa chiếc ba lô cho tôi. Tôi mang chiếc ba lô, đứng nhìn ngôi nhà và má Năm hồi lâu. Còn chị Hai Thắm - người đã cứu tôi, mà lúc này từ giã, tôi không nói được lời cảm ơn! Vì cứu tôi mà tính mạng chị giờ đang nằm trong tay lũ bạo tàn ấy. Tôi bùi ngùi … thấy như mình có lỗi và nợ chị một mạng sống.
Má Năm lại ôm tôi vỗ về: - Con cứ yên tâm đi. Khi nào có dịp về thăm má, chị Hai, và Thêm nghe con.
Thêm đưa tôi đến điểm hẹn để lên đơn vị. Trên đường đi, những quả ca nông bắn ùng oành dọc theo quốc lộ. Những quả pháo sáng nổ xèn xẹt như vẽ trên bầu trời những vệt vàng, xanh kéo dài như những vết xước. Trời về khuya ngập chìm trong bóng tối. Giờ này lý ra, mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ ngon. Nhưng như má Năm, chị Hai Thắm và bao nhiêu người dân ở đây làm sao ngủ được, khi mà mạng sống của mình còn nằm trong tay lũ ác quỷ. Tôi nuốt thầm nước mắt, cầu nguyện cho cuộc chiến này sớm kết thúc, để gia đình chị Hai và người dân ở đây thoát khỏi bọn ác ôn man rợ ấy. Tôi thầm nghĩ, rồi có dịp tôi sẽ trở lại để đền đáp công ơn gia đình chị Hai... Không ngờ sau giờ phút ấy, tôi đã vĩnh viễn không gặp lại được má Năm và chị Hai Thắm.
- Em ơi! Chị Hai và má mất trong hoàn cảnh nào vậy?, tôi hỏi. Lau nước mắt, Thêm kể:
- Trong trận càn hôm ấy, chị Hai bị thằng Hách bắt ở lại làm vợ nó. Chỉ không chịu. Nó tức sôi máu lên, rồi nó hãm hiếp, đánh đập cho đến chết. Nghe vậy, má ngất xỉu, bệnh tim của má tái lại quá nặng, không qua khỏi.
Những ngày ấy ác liệt, bi thương lắm chị ạ! Bọn địch chà đi, xát lại vùng này. Du kích, bộ đội ta tổn thất rất nhiều. Sau đó một tháng thì em cũng bị bắt ở tù, mãi đến năm 1975, quê hương giải phóng, em mới về. Nhưng em tàn phế, vì những trận đòn tra tấn dã man, chân trái bị liệt, không đi được. Dì Sáu em bảo, ở lại Sài Gòn với Dì, để chữa cái chân. Mấy năm gần đây, chân em có đỡ hơn. Thỉnh thoảng, em về thăm quê, thăm nhà. Lần này may sao chị em mình được gặp nhau.
Nghe Thêm kể nước mắt tôi trào ra. Hai bàn tay lạnh ngắt của Thêm, chùi vệt nước mắt trên má tôi, an ủi: - Thôi chị ạ! Chiến tranh là mất mát, đau thương mà!...
Chia tay Thêm, trên đường về nhà, hình ảnh chị Hai Thắm cứ chập chờn trong đầu tôi. Đã 23 năm rồi luôn ám ảnh, day dứt mãi. Những đêm không ngủ được, thao thức, tôi nhớ đến chị, má Năm, và Thêm. Họ không phải là ruột thịt với mình mà họ tốt thế. Lúc gặp tôi, chị chưa kịp hỏi tên tôi, và tôi ở đơn vị nào. Chị chỉ nhận biết tôi qua đôi dép cao su, cái ba lô, chiếc mũ tai tai bèo và tấm dù hoa, chị nghĩ tôi là bội đội, đã giang tay cứu giúp. Ngày ấy, không có chị thì tôi đã không còn trên cõi đời này. Tình cảm nồng ấm, tấm lòng cao đẹp ấy mãi mãi khắc vào tâm khảm tôi, không bao giờ quên.
Mỗi lần tôi về thăm quê, nhìn thấy các mẹ, các chị ở Hoài Nhơn, tôi như thấy bóng dáng chị Hai Thắm, má Năm trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ ác liệt nhất, đã quên mình yêu thương đùm bọc, giúp đỡ bộ đội Sư đoàn Sao Vàng anh hùng của chúng tôi vượt qua hy sinh, gian khổ để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Tôi viết câu chuyện này như một nén hương lòng tưởng nhớ anh linh má Năm và chị Hai Thắm. Và tôi chắc rằng dù có viết mãi cũng không thể nói hết được những nghĩa tình sâu nặng ấy.
N.T.M.H
Lịch sử hào húng của dân tộc từ xưa đến nay đều có sự đóng góp vô cùng to lớn của phụ nữ việt nam. Chỉ tính riêng công của họ ở hậu phương nuôi con, lao đông đảm đang lo toan công việc và chờ đợi ở hậu phương để nam giới yên tâm đi đánh giặc cứu nươc,giữ nước đã là sánh ngang đàn ông ở mặt trận rồi. Đằng này họ còn trực tiếp chiến đấu và anh dũng hy sinh như Chị Hai Thắm nữa thật xứng đáng được tôn vinh . Cảm ơn Nữ cựu chiên binh Nguyễn Mỹ Hạnh đã đăng bài thât cảm động chúc em trẻ đẹp mãi chúc ngày vui 30 thang 4 của cả dân tộc ta !